Aa

Mùa phượng cháy

Thứ Sáu, 01/05/2020 - 07:00

Người Hà Nội mang trong mình những ký ức về ngôi trường và có không ít trong số đó là những cây phượng cháy đỏ hoa mùa hạ. Những cây phượng trên đường phố cũng vậy, là bao nhiêu tâm tư, tình cảm của con người Kinh kỳ.

“Tháng năm rực trời hoa phượng đỏ, ôi Hải Phòng thành phố quê hương…”. Nói đến hoa phượng là người ta nghĩ ngay đến Hải Phòng. Hoa phượng thực sự là biểu tượng của thành phố Cảng. Không chỉ là bài hát đã trở nên bất hủ với thời gian mà chính những hàng phượng đỏ rực tháng 5 này trên đường phố đã làm nên biểu tượng ấy. Thậm chí Hải Phòng những năm gần đây còn tổ chức lễ hội “Hoa phượng đỏ” để quảng bá du lịch. Nhưng sẽ thật không công bằng nếu không nói về hoa phượng ở Hà Nội.

Hà Nội có những đường phố tháng 5 cũng “rực trời hoa phượng đỏ”. Con đường Thanh Niên một chiều khi nắng tắt trong mênh mang sóng nước Hồ Tây quen thuộc, bỗng chợt ta khững lại khi bất ngờ thấy mình nhuộm trong sắc đỏ rực rỡ của hàng phượng ven đường. Có không ít những bức ảnh đẹp về hai hàng cây phượng này. Thiếu nữ áo dài trắng tinh khiết tạo dáng dưới gốc phượng ven hồ. Những cụ già đi dạo trên đường vỉa hè vương đầy cánh phượng rụng tạo một liên tưởng vu vơ về quy luật tồn sinh. 

Tôi đặc biệt ấn tượng về bức ảnh của một tác giả nào đó chụp tốp thiếu nữ đạp xe nối nhau đi trong cổng vòm cháy đỏ hoa phượng. Với đường Thanh Niên, chí ít hoa phượng cũng là điểm nhấn ấn tượng của một tháng 5 mùa hè rực cháy.

Thiếu nữ và hoa phượng (Ảnh: Internet)

Hoa phượng có lịch sử lâu năm gắn liền với Hà Nội khi nó được chính những người Pháp trồng ở đô thị này cùng những loại cây rất đặc trưng Hà Nội khác như sấu, xà cừ, lộc vừng…Có không ít những con phố trồng nhiều cây phượng. Dọc hai bên sông Tô Lịch khúc đường Láng là hai hàng phượng được trồng khá đẹp mắt. 

Ai thích những góc nhìn độc đáo riêng tư không khó tìm được một vị trí để chiêm ngưỡng đôi bên dòng nước cháy ngời hoa phượng khi rực mùa. Tiếc rằng con sông Tô Lịch đẹp thơ mộng thuở nào, giờ đã ô nhiễm chẳng còn nhiều thi vị nữa. Nhưng màu hoa đỏ thì còn đó, bất chấp mọi điều. Công viên Thống Nhất, hồ Thiền Quang, vườn Bách Thảo, cả ven Hồ Hoàn Kiếm, có rất nhiều phượng. Tôi không hiểu vì hữu ý hay vô tình mà phượng chỉ được trồng nhiều ở những nơi có hồ nước. Loại cây này cần thế hay là vì sắc đỏ mùa hè của nó cháy rực nên ở những nơi có mặt nước, nó sẽ bớt chói chang chăng?

Một mùa phượng mới đâ đến! Ảnh: Zing.vn)

Phượng vĩ có lẽ gắn bó nhiều nhất với các lứa tuổi học trò. Mùa hoa phượng tương đối dài có từ đầu tháng 5 và kéo sang tháng 6. Hoa cuối mùa lúc đó đã chuyển sang màu đỏ nhạt. Gọi mùa phượng là mùa thi cũng đúng. Sân trường mùa thi và đặc biệt là dịp nghỉ hè, học trò bịn rịn chia tay nhau dưới gốc phượng cháy đỏ. Đối với lứa học sinh cuối cấp càng đặc biệt khi tấm hình kết thúc đời học trò phổ thông sẽ là một kỷ niệm ngời sáng mãi mãi. Trong cả nước có khá nhiều trường học trồng phượng có lẽ bởi chính ở lý do rất học trò đó.

Tôi có một kỷ niệm khá đặc biệt với hoa phượng dạo tháng 5/1975. Đại đội pháo cao xạ 57 ly của chúng tôi đóng quân trong sân một trường trung học bán công ở ngay trung tâm thị trấn Đức Hòa, Long An. Chiến tranh đã kết thúc và lúc đó tất cả các trường học đều mở cửa lại. Giáo viên, học trò sau một thời gian gián đoạn vì chiến sự, trường phải đóng cửa đã lục tục đến trường. 

Dịp này tôi viết một một vở kịch giúp cho thày trò nhà trường. Trong sân trường có trồng mấy cây phượng. Đang mùa hoa đỏ, tôi lấy luôn cảm hứng từ những cánh phượng đỏ cháy cùng những cảm xúc ký ức về phượng để viết vở kịch và đặt tên là “Mùa phượng cháy”. Sau đó đơn vị tôi rút về miền Tây Nam Bộ, không rõ số phận vở kịch thế nào và cũng chưa một lần tôi trở lại ngôi trường đó để biết những cánh phượng mỗi tháng 5 kia còn hay đã mất.

Tuổi học trò nhìn phượng vĩ mùa hoa nở tạo nhiều cảm xúc và để lại những ấn tượng khó quên trong ký ức đối với mọi thế hệ. Từ lý do này, mới đây có một số bạn đã thực hiện việc mang phượng và các loại cây khác lên trồng ở các trường học miền núi. Câu chuyện chở củi về rừng này tưởng vô lý nhưng hóa ra lại rất hợp nhẽ. 

Cứ tưởng trường ở miền núi thì cây cối nhiều, nhưng không phải. Đất đai trên đó thậm chí còn hiếm hoi rất khó để có một sân trường đúng nghĩa. Tôi là người chứng kiến gia đình một doanh nhân cho con mang 2 cây phượng lên trồng ở sân trường tiểu học Nậm Chà, Nậm Nhùn, Lai Châu. Được vài năm cây đã tươi tốt cho bóng mát và bói hoa. Một câu chuyện tưởng nhỏ nhưng ý nghĩa vô cùng. Những cây phượng nhỏ, mảnh mai từ Hà Nội mang lên kia rồi sẽ trở thành cây lớn xòe tán, trổ bông tỏa bóng mát và cháy đỏ hoa phượng mỗi tháng 5 mùa hạ về. Em bé trồng cây kia rồi sẽ lớn lên sẽ trưởng thành. Một ngày nào đó em sẽ quay lại sân trường để nhìn cây phượng của mình đã gắn bó với bao tâm hồn trẻ nhỏ. Hẳn đó sẽ là một cảm xúc thật tuyệt diệu.

Người Hà Nội chẳng ai lại không mang trong mình những ký ức về ngôi trường và có không ít trong số đó là những cây phượng cháy đỏ hoa mùa hạ. Những cây phượng trên đường phố cũng vậy, là bao nhiêu tâm tư, tình cảm của con người kinh kỳ. Hà Nội đang có dự án phủ hàng triệu cây xanh và phượng là một trong số các loại cây đó. Đã có đường phố lớn được trồng toàn phượng ở dải phân cách. 

Phượng là cây có tán xòa, nếu cây lớn tươi tốt thì thảm phượng này sẽ tuyệt đẹp khi có hoa. Ngoài thẩm mỹ màu sắc thì thảm phượng đó cũng góp phần rất lớn cho tuyến đường đào thải khói bụi. Một lá phổi xanh đúng nghĩa ở chính khu vực đó. Những con đường mang hàng cây phượng vĩ mới trồng là điểm nhấn đáng chú ý của chiến dịch phủ xanh hiện nay.

Hà Nội sẽ càng đẹp khi có những phố phượng vào mùa hoa cháy đỏ ngời trong ran ran tiếng ve kêu gọi hạ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top