Aa

"Muốn có đô thị thông minh, quan trọng nhất phải có người dân thông minh"

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Tư, 19/09/2018 - 10:17

“Muốn có thành phố thông minh thì điều quan trọng nhất là phải có người dân thông minh. Người dân thông minh mới tạo ra các ứng dụng thông minh và chính sách thông minh. Mấu chốt là vấn đề con người và chính phủ phải có trách nhiệm phát triển thông minh đi kèm với kinh tế thông minh", ông Pereric Hogber, Đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam nhận định.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh về thành phố thông minh ASOCIO 2018 khai mạc sáng 18/9/2018 tại Hà Nội, các diễn giả đưa ra nhận định Hà Nội là một trong số những siêu đô thị trên thế giới về diện tích và quy mô dân số. Tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học nhanh chóng dẫn đến rất nhiều thách thức trong vấn đề về quy hoạch, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường... Vì vậy, hướng tới một mô hình thành phố thông minh mang lại sự tiện ích, an toàn là điều tất yếu.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: "Thành phố Hà Nội cũng chọn mục tiêu xây dựng đô thị thông minh tiêu này trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng với những công nghệ nổi bật như in 3D, Thực tế ảo, Điện toán đám mây, Robot, Big data, Blockchain, Trí tuệ nhân tạo đòi hỏi các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý cùng các chuyên gia công nghệ cùng nhau lựa chọn phương thức và các bước đi thích hợp để cùng nhau xây dựng đô thị hay thành phố có thể cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội".

Cũng tại Hội nghị, bài chia sẻ của ông Pereric Hogber, Đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm nhất. Theo chuyên gia này, Thuỵ Điển chỉ có dân số khoảng 10 triệu người, chiếm 0,13% dân số thế giới và lớn hơn một chút so với dân số Hà Nội, nhưng trong nhiều năm liền, quốc gia này luôn đứng đầu về năng lực đổi mới sáng tạo.

Để làm được điều này, Đại sứ Thuỵ Điển cho hay: "Nguyên tắc của đất nước chúng tôi là sự cởi mở trong đổi mới. Muốn có các thành phố thông minh, các công ty phải có các ứng dụng thông minh để phục vụ người dân và nền kinh tế".

Ông Pereric Hogberg, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam

Ông Pereric Hogberg, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam

Trong bối cảnh đó, nếu chính phủ không tạo ra các môi trường để các doanh nghiệp thử nghiệm các sáng kiến của mình thì sẽ không thể phát triển thành công. Với một quốc gia nhỏ như Thuỵ Điển, chỉ có tư duy cởi mở và cầu thị mới có thể giúp các doanh nghiệp phát triển. Môi trường sáng tạo khởi nghiệp của Thuỵ Điển không phụ thuộc vào việc xây dựng ra bao nhiêu hạ tầng mà bắt đầu từ việc làm thế nào có được không gian cho suy nghĩ được tự do phát triển, những ý tưởng tốt được thoải mái tranh luận, những người có đầu óc sáng tạo cần được kích hoạt để sáng tạo.

Yếu tố thứ hai trong việc phát triển thành phố thông minh theo vị đại sứ này là tính bền vững. Để làm được điều này cần sự nỗ lực rất lớn không chỉ đến từ chính phủ mà còn đến từ mọi người dân.Khi chú trọng đến phát triển bền vững, các doanh nghiệp sẽ thực hiện các mục tiêu không phải vì sự thúc ép của chính phủ mà vì họ cảm thấy cần phải làm để mang lại một môi trường sống tốt nhất cho người dân.

Trong đó, vấn đề quan trọng nhất của phát triển bền vững là quy hoạch đô thị, hệ thống giao thông. Hiện nay, nếu được quy hoạch tốt hơn nữa, Hà Nội sẽ có điều kiện phát triển tốt hơn. Giao thông tại Hà Nội hiện nay đang đối diện với thiều thách thức về việc quá tải hạ tầng, tắc nghẽn giao thông. Do đó các ứng dụng di chuyển thông minh, giao thông thông minh sẽ giúp cho người dân di chuyển dễ dàng hơn.

Nói về yếu tố quan trọng nhất của thành phố thông minh ông Pereric Hogber nhấn mạnh: "Muốn có thành phố thông minh thì điều quan trọng nhất là phải có người dân thông minh. Người dân thông minh mới tạo ra các ứng dụng thông minh và chính sách thông minh. Mấu chốt là vấn đề con người và chính phủ phải có trách nhiệm phát triển thông minh đi kèm với kinh tế thông minh. Nếu tôi là lãnh đạo, tôi sẽ giúp người dân cảm thấy hạnh phúc tại thành phố của mình và muốn ở lại thành phố giúp nó phát triển ngày càng tốt đẹp hơn".

Theo đó, lời khuyên khi làm đô thị thông minh tại Việt Nam, vị chuyên gia này cho rằng, Chính phủ cần đầu tư nhiều hơn cho giáo dục thông minh. Giáo dục giúp sinh viên không chỉ có những kiến thức mà còn không ngại đặt ra câu hỏi và mắc sai lầm. Từ đó, họ mới có được các ý tưởng mới giúp ích cho xã hội.

Chia sẻ tại sự kiện, dưới góc nhìn công nghệ, ông Vũ Minh Trí - Phó Tổng Giám đốc VNG phụ trách Dịch vụ đám mây kiêm Giám đốc điều hành VinaData - đã nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của yếu tố kết nối trong việc xây dựng thành phố thông minh. Theo đó, không chỉ có các hạ tầng và nền tảng, mà các cơ sở dữ liệu, ứng dụng chạy trên hạ tầng đó cũng cần kết nối, liên thông với nhau để các thành phố có thể tối ưu hóa nguồn lực.

“Một sản phẩm đơn lẻ có thể thông minh, nhưng đó chỉ là một mảnh ghép. Nếu nó không thể ghép với các ứng dụng và hạ tầng khác, chúng ta sẽ không thể tạo ra được bức tranh toàn cảnh của thành phố thông minh", ông Trí chia sẻ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top