Aa

Muốn phát triển kinh tế tư nhân, phải cải cách cơ chế quản trị quốc gia

Thứ Năm, 19/12/2019 - 14:30

Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn đang bị hạn chế bởi thể chế. Việt Nam cần xác định cải cách cơ chế quản trị quốc gia tập trung vào đâu?

Doanh nghiệp tư nhân: Động lực của phát triển kinh tế

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp diễn ra vào ngày 19/12 (Hà Nội), GS. TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã nêu dẫn chứng về sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân trên thế giới. 

Theo ông, tại Mỹ, người ta nhắc tới biểu tượng của nền kinh tế số là Apple, Google, Microsoft, Facebook… Sự tăng trưởng thần kỳ của kinh tế Nhật Bản trong thập niên 60 - 80 cũng có sự đóng góp lớn của các tập đoàn kinh tế như Honda, Toyota, Mitsubishi… Tương tự, tại Hàn Quốc, các chaebol như Samsung, Hyundai, LG… cũng có những đóng góp lớn cho nền kinh tế, trong đó Samsung đóng góp tới 20% kim ngạch xuất khẩu.

GS. TSKH. Nguyễn Mại cho rằng, nền kinh tế Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ nhờ có nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân phát triển.

“Tại Việt Nam, cùng với sự đổi mới chính sách kinh tế, ngày càng có nhiều các tập đoàn kinh tế hình thành, trong đó đã có những tập đoàn kinh tế lớn vươn tầm khu vực. Tuy nhiên, nếu như tại Mỹ, kinh tế số là động lực phát triển thì tại Việt Nam trong số những ngành mà các tập đoàn kinh tế lớn phát triển, công nghệ tin học mới chỉ chiếm 9,2%. Đa phần các tập đoàn kinh tế của Việt Nam chủ yếu lớn mạnh nhờ bất động sản và một số lĩnh vực khác”, GS. TSKH. Nguyễn Mại nhấn mạnh.

GS. TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài

GS. TSKH. Nguyễn Mại cũng cho rằng, không thể phủ nhận rằng, Việt Nam ngày càng có nhiều doanh nghiệp tư nhân có năng lực thực hiện các dự án lớn. Chẳng hạn như Tập đoàn Đèo Cả, đã thi công nhiều dự án giao thông trọng điểm của đất nước, hay Tập đoàn Vingroup gần đây đang tập trung cho công nghiệp ô tô, điện thoại bên cạnh phát triển bất động sản, để xuất khẩu các sản phẩm công nghệ ra thế giới. 

Vietjet là hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam phát triển theo mô hình hàng không thế hệ mới, hay TH True Milk phát triển mô hình chăn nuôi bò sữa, trở thành tập đoàn kinh doanh đa ngành, đầu tư cả vào giáo dục. 

Tập đoàn FPT từ nền tảng công ty phần mềm đã phát triển thành tập đoàn kinh doanh đa ngành. Thaco cũng từ doanh nghiệp nhỏ trở thành tập đoàn sản xuất và kinh doanh ô tô lớn của đất nước... 

Song, theo GS. TSKH. Nguyễn Mại, Việt Nam còn cần nhiều động lực để xây dựng và hình thành các tập đoàn kinh tế lớn hơn nữa.

Lấy đổi mới sáng tạo là nền tảng phát triển kinh tế

Cũng tại diễn đàn, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam (nay là Bộ Công Thương) cho rằng, cải cách hành chính đã được đưa ra từ năm 2014 và đến nay đã có thêm Nghị quyết mới.

Tuy nhiên, ông Tuyển nhấn mạnh: "Môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn đang bị hạn chế bởi thể chế. Chính thể chế tạo ra khuôn khổ và giới hạn của cải cách. Chuyển từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp nhưng cải cách cái gì, tập trung vào đâu hiện chưa rõ".

Theo đó, ông Tuyển cho rằng: “Muốn phát triển kinh tế tư nhân, cải cách thể chế, cần phải tập trung vào: Cải cách chế độ sở hữu, một là chế độ hạn điền của Luật Đất đai, không tạo được khu vực sản xuất lớn, hình thành chuỗi giá trị; Doanh nghiệp Nhà nước chiếm tỷ trọng hơn 30% GDP và trong nhiều lĩnh vực doanh nghiệp Nhà nước vẫn độc quyền, điều này hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân.

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam.

Cần phải điều chỉnh lại hạn điền, để hình thành mô hình sản xuất nông nghiệp, nông dân góp vốn bằng đất, bằng tiền, thu lợi tức từ phần góp vốn của mình. Cần phải cải cách rất mạnh doanh nghiệp Nhà nước. Cải cách cơ chế quản trị quốc gia cũng vô cùng quan trọng. 

Theo quan điểm của tôi, tổ chức là sự sáp nhập và hình thành yếu tố hình thể, tổ chức như một cơ thể sống, tổ chức là đường dẫn cơ chế chính sách từ Nhà nước đến người dân và doanh nghiệp. Cơ chế quản trị quốc gia trong đó có bộ máy tổ chức cực kỳ quan trọng. Tôi mong rằng, chúng ta sẽ làm điều này rất nghiêm túc. Nghiên cứu lịch sử phát triển quốc gia, thời đại nào giải quyết tốt nhất những vấn đề này đều phát triển hùng mạnh”.

Trong khi đó, GS. TSKH. Nguyễn Mại cũng đưa ra một số giải pháp để phát triển tập đoàn kinh tế bao gồm:

Thứ nhất, hình thành mô hình tập đoàn kinh tế, tập hợp nhiều thành viên, công ty mẹ là hạt nhân liên kết các công ty con. Để tập đoàn mới hình thành nên có cấu trúc đa dạng, cần học tập kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam để khuyến khích phát triển, có chiến lược kinh doanh toàn cầu, có quy mô, có khả năng cạnh tranh.

Thứ hai, tập đoàn kinh tế có thể tạo ra sự độc quyền, Chính phủ cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, chẳng hạn, luật chống độc quyền của Mỹ.

Thứ ba, cần phát triển chiến lược thương hiệu để hình thành nhiều tập đoàn có uy tín trong nước và quốc tế.

Thứ tư, cần hỗ trợ tập đoàn tích lũy vốn, cần có nhiều phương thức để huy động vốn, Nhà nước cần hoàn thiện thể chế để các doanh nghiệp tư nhân huy động vốn.

“Cạnh tranh và hợp tác là hai mặt của kinh tế thị trường. Cần khuyến khích cạnh tranh, lấy đổi mới sáng tạo là nền tảng phát triển kinh tế, vì dân giàu nước mạnh”.

- GS. TSKH. Nguyễn Mại -

Thứ năm, đầu tư cho công nghệ và nguồn nhân lực. Tập đoàn kinh tế cần đầu tư cho phát triển công nghệ và nguồn nhân lực để mở rộng quy mô và uy tín của doanh nghiệp. Nhà nước cần khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Áp dụng các chính sách đơn giản để doanh nghiệp tiếp cận được các quỹ. Xây dựng nhiều trường đào tạo về quản trị để đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Thứ sáu, hình thành kinh tế chuỗi. Chuỗi cung ứng xanh thay đổi cách làm việc của các doanh nghiệp, hướng tới công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.

Nhà nước cần hoàn thiện khung pháp lý để doanh nghiệp phát triển bền vững, tạo các cơ hội hợp tác để các doanh nghiệp có cơ hội vươn ra hoạt động ở nước ngoài./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top