Aa

Mường Thanh Khánh Hòa bán căn hộ không hợp pháp

Chủ Nhật, 10/12/2017 - 14:01

Thị trường bất động sản 2018 sẽ như thế nào?; Cận cảnh dự án Panorama Nha Trang đang vướng tranh chấp với nhà thầu xây dựng số 1 Việt Nam Coteccons; Mường Thanh Khánh Hòa bán căn hộ không hợp pháp”; Chính phủ đã có công cụ kiểm soát “bong bóng” bất động sản;… là những tin tức nổi bật về bất động sản 24 giờ qua.

Chính phủ đã có công cụ kiểm soát “bong bóng” bất động sản

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) tại Hội thảo: “Nhận diện cơ hội và rủi ro thị trường bất động sản năm 2018” do CafeLand tổ chức sáng 8/12 tại TP.HCM.

Nhận định về thị trường bất động sản trong năm 2017, ông Khởi cho biết điểm sáng đầu tiên có thể nhìn thấy trên thị trường đó là tồn kho bất động sản đang trên đà giảm. Tính đến ngày 20/11/2017, tồn kho giảm còn hơn 25.700 tỷ đồng, so sánh với con số 102.800 tỷ đồng trong quý I/2013, tồn kho đã giảm gần 80%. So với tháng 12/2016 thì đã giảm 5.300 tỷ đồng, tức hơn 17%. Cũng trong tháng 11 vừa qua, TP.HCM có 1.600 giao dịch, tăng 3,2%; Hà nội có 1.400 giao dịch, bằng so với tháng 10.

Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, trong năm 2018 sẽ không có bong bóng bất động sản vì Chính phủ đã có công cụ kiểm soát.

Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, trong năm 2018 sẽ không có bong bóng bất động sản vì Chính phủ đã có công cụ kiểm soát.

Theo ông Khởi, thị trường bất động sản tăng trưởng ngoài yếu tố kinh tế, phần quan trọng là nhờ các cơ chế chính sách. Hiện Luật Đất đai đang được nghiên cứu để sửa đổi với những cơ chế rất mới. Ví dụ như cho phép các doanh nghiệp cũng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để hình thành các khu công nghệ cao. Luật Đầu tư cũng đang được nghiên cứu sửa để giảm bớt điều kiện đầu tư kinh doanh hoặc chính sách cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở.

Mường Thanh Khánh Hòa bán căn hộ không hợp pháp

Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Khánh Hòa ngày 8.12, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định việc bán căn hộ tại dự án tổ hợp khách sạn - căn hộ cao cấp Mường Thanh Khánh Hòa (ở đầu cầu Trần Phú, TP.Nha Trang) là không hợp pháp.

Công trình Mường Thanh Khánh Hòa.

Công trình Mường Thanh Khánh Hòa.

Theo đó, dự án trên được Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cấp giấy phép xây dựng năm 2014. Theo quy định, chủ đầu tư chỉ được ký hợp đồng mua bán nhà ở sau khi đã có thiết kế kỹ thuật được phê duyệt, xây dựng xong phần móng, hoàn thành thủ tục mua bán nhà qua sàn giao dịch theo quy định và đã thông báo cho Sở Xây dựng nơi có dự án phát triển. 

Tuy nhiên, từ khi được cấp giấy phép xây dựng, chủ đầu tư không có văn bản thông báo cho Sở Xây dựng Khánh Hòa về việc mua bán căn hộ tại dự án trên.

Ngày 17/6/2015, UBND tỉnh có công văn về việc thỏa thuận điều chỉnh phương án kiến trúc quy hoạch dự án Mường Thanh Khánh Hòa. Các căn hộ của dự án đã được UBND tỉnh điều chỉnh thành loại căn hộ du lịch, thay cho căn hộ nhà ở chung cư.

Ngày 20/10/2015, Sở Xây dựng cấp phụ lục điều chỉnh giấy phép xây dựng, trong đó điều chỉnh giấy phép xây dựng của dự án thành 41 tầng (1 tầng kỹ thuật áp mái).Theo quy định, mọi hành vi mua bán căn hộ tại dự án Mường Thanh Khánh Hòa từ ngày 17/6/2015 (điều chỉnh phương án kiến trúc quy hoạch) đến ngày 20/10/2015 (điều chỉnh giấy phép xây dựng) là bất hợp pháp, vì chưa được cấp giấy phép xây dựng phù hợp với chủ trương đầu tư mới là xây dựng căn hộ du lịch thay cho căn hộ chung cư. Thời gian này, chủ đầu tư tiếp tục không thông báo việc bán căn hộ đến Sở Xây dựng.

Xem chi tiết tại đây.

Cận cảnh dự án Panorama Nha Trang đang vướng tranh chấp với nhà thầu xây dựng số 1 Việt Nam Coteccons

Ngày 15/02/2017, Vịnh Nha Trang có Văn bản số 006/2017/CV-BGĐ xin bán 1.097 căn hộ du lịch và 13 căn hộ thương mại dịch vụ hình thành trong tương lai, thuộc Dự án Panorama Nha Trang.

Dự án tọa lạc tại một vị trí khá đẹp trên tuyến đường ven biển TP. Nha Trang.

Dự án tọa lạc tại một vị trí khá đẹp trên tuyến đường ven biển TP. Nha Trang.

Ngày 27/2/2017, Sở Xây dựng có Văn bản số 455/SXC-QLN V/v bất động sản hình thành trong tương lai đưa vào kinh doanh; nhưng chỉ trả lời công văn, chứ chưa cho phép bán, yêu cầu chủ đầu tư bổ sung giấy tờ, hồ sơ đầy đủ theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS. Theo các thông tin, hình ảnh trên mạng, dự án này đã được mở bán từ tháng 9/2016.

Xem chi tiết tại đây.

Nhà giá rẻ "biến mất" trên thị trường bất động sản

Thống kê của HoREA cho thấy, 10 tháng đầu năm Tp.HCM có 61 dự án nhà ở hình thành trong tương lai được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện huy động vốn, với tổng số 25.320 căn hộ chung cư. Trong đó, phân khúc cao cấp có 7.451 căn, chiếm tỷ lệ 26%, phân khúc trung cấp có 13.976 căn, chiếm tỷ lệ 49%, phân khúc bình dân có 7.212 căn, chiếm tỷ lệ 25%.

Như vậy, số lượng căn hộ bình dân vẫn thấp nhất toàn thị trường. Một vài năm trở lại đây, nhu cầu nhà giá rẻ thực sự trở nên cấp thiết khi mà nguồn cung phân khúc này đang ngày càng khan hiếm.

Phân khúc nhà giá rẻ gần như dần biến mất trên thị trường trong 1 năm trở lại đây.

Phân khúc nhà giá rẻ gần như dần biến mất trên thị trường trong 1 năm trở lại đây.

Khi nói đến nhà giá rẻ, giới đầu tư kinh doanh bất động sản thường lấy ngưỡng những căn hộ có giá từ 14-18 triệu/m2, tuy nhiên nếu 4 năm trước vẫn có thể tìm được nhà với giá 12 triệu đồng/m2 thì nay hiếm còn dự án nào có mức giá dưới 20 triệu/m2.

Gần đây thị trường chỉ có 4-5 dự án mới đủ tiêu chí giá rẻ như Hiệp Thành Buldings (giá trung bình tầm 15 -17 triệu/m2); EhomeS Nam Long (giá 16 -18,5 triệu/m2); Vĩnh Lộc D Gold (giá 16-18 triệu/m2); Tecco Town Bình Tân (giá 17,5 -18 triệu/m2); Lotus Apartment Lotus Apartment (18 triệu/m2).

Còn lại, loạt dự án mới được quảng bá là giá bình dân đưa ra thị trường gần đây đều trên mức 20 triệu/m2. Ví như dự án Saigon Gateway (quận 9) giá 25 triệu/m2; căn hộ The Avila 2 (quận 8) giá 21,5-22 triệu/m2; Saigon Metro Park giá 22 triệu/m2; Tara Residence giá 22 triệu/m2; Heaven Riverview giá 22 triệu/m2; biệt thự Movenpick Cam Ranh...

Ông Đoàn Chí Thanh - Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn cho biết, nhu cầu lớn bắt buộc chủ

đầu tư phải cắt giảm diện tích căn hộ để đáp ứng khả năng thanh toán của người mua. Nhưng điều này cũng chỉ là phương án đề xuất thí điểm, chứ chưa thực sự được áp dụng. Doanh nghiệp cũng thấy rõ sức hấp thụ của phân khúc giá rẻ là rất lớn, song không thể nào làm với mức lợi nhuận tối thiểu và đầy rủi ro. Ngay cả đơn vị chuyên làm nhà giá rẻ cũng đã bắt đầu đẩy mức giá bán lên so với trước.

Xem chi tiết tại đây.

Số lượng người tìm kiếm condotel tăng 50% so với năm 2016

Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, tính đến tháng 10/2017, chỉ có khoảng 102 căn hộ hạng sang được chào bán, giảm đến 95% so với cùng thời điểm 2016. Với 5.206 căn hộ mới được tung ra, phân khúc cao cấp giảm 23% so với cùng kỳ.

Không chỉ sụt giảm về nguồn cung, hai phân khúc này còn sụt giảm mạnh về giao dịch. Tính đến tháng 10, tổng lượng giao dịch toàn thị trường của phân khúc hạng sang chỉ khoảng 473 căn, giảm 58% so với cùng kỳ. Phân khúc cao cấp là 5.390 căn, giảm 25%.

Trái ngược với hai phân khúc trên, phân khúc trung cấp và bình dân lại dẫn đầu thị trường về tỉ lệ hấp thụ. Cụ thể, ở phân khúc trung cấp, có khoảng 13.170 căn hộ chào bán thành công, tăng 25% so với năm 2016. Phân khúc bình dân là 4.595 căn bán ra, tăng 6,5%.

Dù nguồn cung và tỉ lệ hấp thụ của phân khúc bình dân tăng nhưng con số này vẫn quá ít ỏi so với nhu cầu 81.000 căn hộ giá rẻ giai đoạn 2016-2020 (số liệu khảo sát của Sở Xây dựng và Viện nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh).

Xem chi tiết tại đây.

Kinh doanh bất động sản: Những con sâu làm rầu nồi canh

Hơn 300 khách hàng mua căn hộ tại Dự án Chung cư Đại Thành trên địa bàn quận Tân Phú (TP.HCM) đang trong tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, bởi đã ký hợp đồng mua bán hơn 7 năm, nhưng tới nay vẫn chưa nhận được nhà, trong khi chủ đầu tư gần như đã mất khả năng hoàn thiện dự án.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, anh N.T.T, chủ hợp đồng mua căn hộ B.14.1 cho biết, Chung cư Đại Thành là dự án do Công ty TNHH Xây dựng thương mại dịch vụ sản xuất Đại Thành (Công ty Đại Thành) làm chủ đầu tư, được chào bán ra thị trường từ năm 2010 với giá 12,7 triệu đồng/m2.

“Lúc ký hợp đồng mua bán, chủ đầu tư hứa hẹn sẽ giao nhà cho khách hàng vào tháng 6/2012, nhưng đến nay, tôi vẫn chưa biết căn nhà của mình như thế nào”, anh T. cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, khoảng tháng 9/2013, tại buổi họp giữa chủ đầu tư và hơn 300 khách hàng nhằm tháo gỡ khó khăn, đại diện Công ty Đại Thành đã đưa ra phương án cần thêm 99 tỷ đồng để hoàn thiện và giao nhà trong tình trạng sử dụng được với những điều kiện cơ bản, nhưng khách hàng phải đóng đủ 100% giá trị căn hộ. Thời gian bàn giao nhà là tháng 6/2014. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn “án binh bất động” và chưa biết khi nào được khởi động trở lại.

Nghiêm trọng hơn, hàng trăm khách hàng mua nhà tại Chung cư Gia Phú (số 68 -72 Lê Văn Chí, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM) đang đứng ngồi không yên khi Công ty TNHH Địa ốc Gia Phú, chủ đầu tư dự án bán một căn hộ cho nhiều người rồi “ôm tiền” biến mất.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top