Aa

Năm 2017, ai “châm ngòi” cạnh tranh cho thị trường mặt bằng bán lẻ Hà Nội?

Thứ Sáu, 27/01/2017 - 15:30

Trong năm 2017, thị trường mặt bằng bán lẻ Hà Nội được dự báo sẽ chứng kiến những cuộc cạnh tranh gay gắt với sự gia nhập của các nhà bán lẻ mới, sự tăng cường đầu tư từ nước ngoài trong đó có Thái Lan, Nhật Bản...

Hà Nội: Giá chào thuê vẫn tăng mạnh

Cushman & Wakefield cho biết, cuối năm 2016, Hà Nội có 3 trung tâm mua sắm mới gia nhập thị trường, cung cấp gần 76.000m2; bên cạnh đó, việc một cửa hàng bị đóng cửa dẫn tới tổng nguồn cung ghi nhận ở thời điểm cuối quý IV/2016 là gần 979.000m2, tăng khoảng 10% theo quý. Các quận ngoài trung tâm chiếm hơn 98% tổng nguồn cung.

Hoạt động thị trường vẫn ổn định, với tỷ lệ lấp đầy tăng nhẹ, đứng ở mức 89%, chủ yếu là do hiệu suất vượt trội của các dự án mới. Tất cả các cửa hàng bán lẻ trong khu vực trung tâm đã được lấp đầy hoàn toàn. Trong khi đó, khu vực ngoài trung tâm ghi nhận mức lấp đầy trung bình 89%.

Giá chào thuê trung bình tăng lên đáng kể, 9% theo quý và 5% theo năm, đứng mức 945.000đ/m2/tháng (tương đương 41,5USD/m2/tháng), chủ yếu do giá thuê cao hơn của các dự án mới. Giá thuê trung bình của khu vực trung tâm được ghi nhận là 2,7 triệu đồng /m2/tháng, gần gấp ba giá thuê tại khu vực ngoài trung tâm.

Ảnh Internet

Ảnh Internet

Trong năm 2017, Hà Nội có 12 cửa hàng bán lẻ mới dự kiến sẽ được hoàn thành, cung cấp hơn 158.000m2 mặt bằng. Tất cả đều nằm ở khu vực ngoài trung tâm, đặc biệt là ở quận Cầu Giấy, Thanh Xuân và Hà Đông. Hầu hết các dự án này được kết hợp trong những khu căn hộ phức hợp với chức năng chính như tiện nghi nội bộ.

Với tính năng nhân khẩu học thuận lợi, mở cửa thị trường bán lẻ theo cam kết WTO đã thu hút các nhà bán lẻ nước ngoài khổng lồ đến Việt Nam, gây ra sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường bán lẻ Hà Nội.

Cùng quan điểm với Cushman & Wakefield VietNam, CBRE cũng cho rằng, thị trường bán lẻ tại Việt Nam nói chung và tại Hà Nội nói riêng trong năm 2017 được kỳ vọng với sự gia nhập của các nhà bán lẻ mới và sự tăng cường đầu tư, đặc biệt là từ nước ngoài trong đó có Thái Lan.

Các nhà bán lẻ Thái Lan đang có dấu hiệu gia tăng sự quan tâm tới thị trường bán lẻ Việt Nam, thể hiện qua 2 thương vụ sát nhập đáng chú ý trong năm vừa qua, đó là tập đoàn của Thái Lan mua lại cả 2 hệ thống siêu thị hàng đầu Việt Nam là Metro và Big C. Theo thống kê của Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, hơn 50% thị phần kênh bán lẻ hiện đại của Việt Nam đang thuộc về các doanh nghiệp Thái Lan.

Bên cạnh đó, năm 2016 vừa qua thị trường bán lẻ Việt Nam còn chứng kiến sự chiếm lĩnh của các doanh nghiệp Nhật Bản, khi mà họ đã hoàn thành công đoạn cuối cùng của thế trận "kiềng ba chân": trung tâm thương mại, siêu thị và cửa hàng tiện lợi. Trong đó cửa hàng tiện lợi được xem là kênh chủ lực, hiện số lượng đã cán mốc hơn 200 cửa hàng. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của thị trường cho dù cạnh tranh tăng cao cho cả các nhà bán lẻ và các nhà đầu tư.

Một điểm nhấn nữa trên thị trường bán lẻ trong năm nay là quỹ đất ở khu vực trung tâm rất hạn chế, vì vậy, xu hướng dịch chuyển ra vùng ngoại ô được dự đoán vẫn tiếp tục diễn ra trong những năm tới

Giá thuê mặt bằng bán lẻ TP. HCM sẽ đi xuống

Tại thị trường bán lẻ TP. HCM, cuối năm 2016 có sự gia nhập của một siêu thị đã được hoàn thành, thêm 3.000m2. Trong khi một khu chợ bị đóng cửa do hoạt động kém hiệu quả. Theo Cushman & Wakefield VietNam, hiện TP. HCM có 134 cửa hàng bán lẻ trong thành phố với tổng diện tích bán lẻ gần 1,24 triệu mét vuông. Nguồn cung như vậy ổn định theo quý nhưng tăng một lượng đáng kể 16% theo năm. Quận 1, TP. HCM vẫn là nơi thị trường bán lẻ diễn ra sôi động nhất trong thành phố, chiếm 18% tổng số nguồn cung.

Có một sự cải thiện vừa phải trong tỷ lệ lấp đầy diện tích thuê, vẫn giữ ở mức 94%. Một xu hướng mới trên thị trường bán lẻ thời gian gần đây là sự lấp đầy đã dịch chuyển ra khu vực ngoài trung tâm với sự tham gia của một số nhà đầu tư cao cấp. Điều này khiến cho tỷ lệ lấp đầy khu vực ngoại thành đạt tỷ lệ cao hơn khu vực trung tâm nhờ giá thuê cạnh tranh.

Giá thuê mặt bằng bán lẻ trong năm 2016 khá ổn định nhưng tăng 5% theo năm khi đứng ở mức 1,38 triệu đồng/m2/tháng, chủ yếu là do giá chào thuê cao của các cửa hàng bán lẻ mới. Giá thuê trung bình ở khu vực trung tâm được ghi nhận là 2,74 triệu đồng/m2/tháng, gấp đôi khu vực thứ cấp và gấp ba các dự án ở khu vực ngoại ô.

Tại TP. HCM, dự kiến sẽ có 326.000m2 nguồn cung mới sẽ được hoàn thành vào năm 2017, tăng khoảng 26% so với nguồn cung hiện tại. Trong khi nhu cầu về mặt bằng bán lẻ khu trung tâm dự kiến sẽ vẫn cao. Quỹ đất khan hiếm cho sự phát triển có nghĩa là các dự án quan trọng trong tương lai sẽ chủ yếu được đặt tại các khu vực ngoài trung tâm, chủ yếu là ở phía nam và phía tây, nơi phần lớn các cơ sở hạ tầng và dự án khu dân cư đã được thiết lập. Giá thuê có thể giảm do tỷ lệ cao hơn của nguồn cung mới ở khu vực ngoài trung tâm.

Chủ đề bạn có thể quan tâm

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top