Aa

Năm 2018, vốn ngoại sẽ nhắm bất động sản Hà Nội?

Thứ Sáu, 12/01/2018 - 06:31

Năm 2017 chứng kiến dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy mạnh vào thị trường địa ốc TP.HCM. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dòng vốn ngoại năm 2018 sẽ hướng ra Bắc.

Dự án Thành phố thông minh được kỳ vọng tạo cú huých thu hút vốn FDI tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Thành.

Dự án Thành phố thông minh được kỳ vọng tạo cú huých thu hút vốn FDI tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Thành.

Năm 2017, phía Nam chiếm ưu thế

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2017, bất động sản là lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhiều thứ 3 với hơn 3,05 tỷ USD (cả trực tiếp và góp vốn). Tuy nhiên, dòng vốn ngoại vào lĩnh vực bất động sản năm qua chủ yếu tập trung ở thị trường phía Nam, trong đó TP.HCM là thỏi nam châm hút vốn mạnh nhất.

Cụ thể, số liệu từ Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, trong năm 2017, bất động sản là lĩnh vực thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với 1,01 tỷ USD đăng ký, chiếm 43,4%, vượt qua các lĩnh vực công nghiệp chế biến (24,2%) với 567,93 triệu USD; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ (13,8%) với 322,83 triệu USD; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (9,4%) với 220,49 triệu USD…

Có thể kể đến một số dự án có sự góp mặt của dòng vốn ngoại lớn trên địa bàn TP.HCM như dự án khu phức hợp thông minh tại khu chức năng 2A trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm tổng vốn gần 886 triệu USD, dự án KNT Asia có vốn 215 triệu USD, dự án của Công ty Tech Mastery Việt Nam với vốn đầu tư 80 triệu USD...

“Sở dĩ dòng vốn ngoại chảy mạnh vào bất động sản TP.HCM bởi đây là địa phương có quy mô thị trường lớn nhất. Theo thống kê của chúng tôi, chỉ riêng doanh số bán nhà ở TP.HCM cao hơn ở Hà Nội từ 2 - 3 lần.

Ngoài ra, cộng đồng người nước ngoài, số lượng các nhà đầu tư nước ngoài ở TP.HCM cũng lớn hơn Hà Nội. Đây chính là lý do khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào thị trường phía Nam nhiều hơn”, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu tư vấn thị trường CBRE Hà Nội giải thích.

Đồng quan điểm, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam cho biết, khi nguồn vốn của các nhà đầu tư này đến với Việt Nam, họ sẽ hướng đến những thành phố lớn, trọng điểm của cả ba miền, những trung tâm công nghiệp phát triển, những thành phố cảng lớn phục vụ việc xuất khẩu. Do đó, nguồn vốn đầu tư vào bất động sản tập trung vào những thành phố lớn là điều dễ hiểu.

Thị trường Hà Nội chờ sự bứt phá

Trong khi dòng vốn chảy mạnh vào thị trường TP.HCM với hàng loạt dự án có bóng dáng của nhà đầu tư nước ngoài, thì tại thị trường Hà Nội, số lượng dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài chỉ đếm trên đầu ngón tay như Khu đô thị Ciputra (quận Tây Hồ), Khu đô thị Gamuda (quận Hoàng Mai), Hanoi Garden City (quận Long Biên), Park City (quận Hà Đông), Daewoo Cleve (quận Hà Đông), Dự án Booyoung Vina (quận Hà Đông), The Manor Central Park (quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì)… Các dự án này, một số đã đưa vào sử dụng, hoặc đang tiếp tục hoàn thiện, một số vẫn đang đắp chiếu nhiều năm trời.

ự án bất động sản có vốn ngoại tại Hà Nội chỉ đếm trên đầu ngón tay.

ự án bất động sản có vốn ngoại tại Hà Nội chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Sau các dự án trên, thời gian qua, thị trường bất động sản Hà Nội gần như vắng bóng nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, năm 2018, thị trường phía Bắc, điển hình là Hà Nội rất có thể sẽ có những bước đột phá trong việc thu hút nguồn vốn ngoại.

Ông Alex Crane, Tổng giám đốc Cushman & Walefield Việt Nam nhận định: “Theo tôi, năm 2018 sẽ ghi nhận mức tăng trưởng về lượng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào khu vực phía Bắc. Ở phía Nam, giá đang chạm tới điểm bất ổn định cho chủ đầu tư trong việc xây dựng các dự án bất động sản nhà ở, thương mại hay công nghiệp”.

Còn theo bà An, trong năm 2017, CBRE đã tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư nước ngoài và họ đều thể hiện sự quan tâm, sốt ruột tìm mua các dự án mới tại Hà Nội, đặc biệt là các khu đất trống có diện tích lớn, có thể triển khai các dự án quy mô. Có thể bởi các nhà đầu tư ngoại đã nhận thấy sự sôi động của thị trường, đặc biệt ở thị trường nhà ở.

“Rất có thể, năm 2018 sẽ cho thấy nhiều dự án có dòng vốn ngoại được triển khai ở thị trường Hà Nội”, bà An chia sẻ.

Một siêu dự án sẽ chính thức được triển khai tại Hà Nội trong năm 2018 rất được mong chờ và có khả năng hâm nóng cả một khu vực, đó là dự án thành phố thông minh do Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) hợp tác phát triển. Dự án có tổng giá trị hơn 4 tỷ USD, quy mô 2.080 ha tại huyện Đông Anh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top