Aa

“Nền kinh tế Việt Nam có bay lên như Thánh Gióng sau dịch?”

Chủ Nhật, 17/05/2020 - 06:00

Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, sự xuất hiện của Covid-19 đã khiến thế giới biến động mạnh mẽ. Và nền kinh tế Việt Nam đang có “cơ trong nguy” trước bối cảnh cấu trúc kinh tế thế giới thay đổi, trật tự mới được xác lập.

Covid-19 và sự biến động của thế giới

Tại buổi chuyên đề “Làm gì để kinh tế Việt Nam hồi phục và phát triển sau đại dịch Covid-19”, PGS. TS. Trần Đình Thiên đã đặt ra vấn đề, đó là sự xuất hiện của dịch bệnh Covid-19 khiến cho xã hội thay đổi như thế nào, đặc biệt là nền kinh tế và sự thay đổi về tư duy toàn cầu hoá?

“Toàn cầu hoá đã từng được cho là xu hướng nhưng đến hiện tại, các học giả bắt đầu đặt ra vấn đề, toàn cầu hoá phải chăng là sai, tập trung phát triển kinh tế có hoàn toàn là đúng?", ông Thiên nói.

Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, dù dịch bệnh khiến nền kinh tế đi xuống, nhưng nhìn sâu xa hơn, con virus này đã đánh thức giá trị sống mới. Những câu hỏi được đặt ra là: "Sống thế" là sống thế nào? Ở cấp độ toàn cầu, quốc gia, nhóm, cá nhân thì phải thế nào? Cần phải "sống khác" là sống thế nào? "Bình thường mới" nghĩa là gì? Là so với bình thường cũ hay so với cái bất thường. Có thể "sống khác" là vì sao?

PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Từ những chia sẻ về tác động của Covid-19, ông Thiên khẳng định, thế giới đã và đang có sự biến động mạnh mẽ.

“Sự xuất hiện của Covid đã đặt ra hàng loạt vấn đề lớn của nhân loại - thời đại. Thứ nhất, đó là sự tồn tại tự nhiên - sinh vật của nhân loại. Thứ hai là vai trò của thời đại công nghệ mới. Thứ ba là hệ thống giá trị sống và phát triển. Thứ tư là trật tự thế giới có thể thay đổi rất nhiều”, ông Thiên nhấn mạnh.

Nền kinh tế Việt Nam sẽ đi đâu, về đâu?

Trước tác động của dịch bệnh, PGS. TS. Trần Đình Thiên đặt ra vấn đề: “Vậy Covid đã làm 'đứt gãy' hay đóng vai trò "kích phát", cộng hưởng? Sau Covid-19, kinh tế thế giới có tiếp tục "đứt chuỗi"? Có phải chỉ "nối chuỗi" trở lại hay phải "thay chuỗi", 'tạo chuỗi'.

Trên cơ sở đó, xét về nội tại của Việt Nam, Covid đã tạo ra “nguy trong cơ” và “cơ trong nguy”. “Covid đặt ra vấn đề, nền kinh tế Việt Nam sẽ như thế nào? Đó là cơ hội để Việt Nam tạo ra sức bật bứt phá, sẽ thay đổi cục diện phát triển? Hay Việt Nam sẽ bỏ đi những cơ hội thay máu nền kinh tế, tạo ra động lực phát triển mới”, ông Thiên cho hay.

Bên cạnh đó, PGS. TS. Trần Đình Thiên đặt vấn đề: Thế giới đang chứng kiến sự thay đổi cấu trúc thương mại, sự dịch chuyển của các chuỗi cung ứng. Và Việt Nam sẽ đón nhận sự thay đổi đó như thế nào? Đây liệu có là cơ hội để Việt Nam vượt lên, tạo ra đẳng cấp khác.

Để đưa ra đáp số của những câu hỏi này, nền kinh tế Việt Nam phải đặt trong guồng máy chung của thế giới. Khi nắm bắt trật tự thế giới và sự chuyển động mới, Việt Nam cần phải tự thay đổi cuộc chơi cho chính mình.

Một vấn đề đáng lo ngại nữa mà vị chuyên gia này đặt ra là năng lực chống chịu của nền kinh tế bao gồm các chủ thể: Ngân sách Nhà nước, lực lượng lao động và doanh nghiệp. Thẳng thắn nhìn nhận, nền kinh tế Việt Nam có tới 96% doanh nghiệp “nhỏ và siêu nhỏ”, TS. Trần Đình Thiên phân tích: "Đặc thù này cho thấy, doanh nghiệp Việt không có sự kết nối chuỗi, khó "chết", không "chết chùm", dễ phục hồi nhưng khó “bình thường mới”. Trong khi đó, ngân sách Nhà nước đang đứng trước những khó khăn do sự suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế, các khoản giải ngân cứu trợ lớn".

Trong khi đó, nhìn vào số liệu công bố mới đây, Việt Nam đã có sự tăng trưởng kinh tế tốt trong 3 năm trở lại đây khi Chính phủ phát triển theo hướng kiến tạo, doanh nghiệp tư nhân trỗi dậy. Song, theo PGS. TS. Thiên, nhìn vào thực tế cho thấy, khối doanh nghiệp FDI đang giữ vị trí đứng đầu về tăng trưởng kinh tế. Điều này sẽ tạo ra sự mất cân đối trong cơ cấu kinh tế khi khối doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân của Việt Nam chưa thể hiện rõ vai trò trong đầu tư phát triển.

“Kinh tế Việt Nam có thể đứng dậy sau dịch để bay lên như “Thánh Gióng”? Điều này đến từ các yếu tố: Khả năng đứng dậy của doanh nghiệp Việt Nam; thoát khỏi lệ thuộc phát triển vào Trung Quốc và một số ít các thị trường; năng lực “nhảy” vào logic phát triển mới”, ông Thiên nhấn mạnh.

Đặt ra vấn đề này, PGS. TS. Trần Đình Thiên cho rằng, Việt Nam cần phải “kiểm điểm” lại sức khoẻ, khả năng chống chịu của nền kinh tế, nhìn thẳng, nhìn thật và nắm bắt cơ hội mới tạo ra sự bứt phá.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top