Aa

Nên thay nhà ở xã hội bằng nhà ở thương mại giá rẻ

Thứ Năm, 23/11/2017 - 20:01

Mục tiêu phát triển nhà ở xã hội theo chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030 dường như ngày càng đi “xa tầm tay” khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc. Do đó, tại diễn đàn bất động sản Việt Nam thường niên mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng nên khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá rẻ để đáp ứng được nhu cầu về chỗ ở cho đại bộ phận người dân.

Theo ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), mục tiêu phát triển nhà ở xã hội đã được đặt ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Cụ thể là đến năm 2020, phấn đấu cả nước đầu tư xây dựng 12,5 triệu mét vuông nhà ở xã hội tại đô thị; đáp ứng cho khoảng 80% số sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề và khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp; hỗ trợ cho khoảng 500.000 hộ gia đình theo chuẩn nghèo mới tại khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2016, cả nước mới đáp ứng được 28% nhu cầu nhà ở xã hội. Vì vậy để đạt được những con số kể trên cũng không phải là điều dễ dàng.

Trong khi đó, nguồn vốn đang là vấn đề vô cùng nan giải, đồng thời là một trở ngại lớn trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng, phát triển nhà ở xã hội hiện nay.

Ông Đào Anh Tuấn, đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội, cũng chia sẻ, theo kế hoạch, vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 – 2020, Chính phủ sẽ bố trí cho ngân hàng này 1.062 tỷ đồng để cho vay nhà ở xã hội, nhưng cho đến nay, số vốn trên vẫn chưa được giao để thực hiện. 

nhiều chuyên gia cho rằng nên khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá rẻ để đáp ứng được nhu cầu về chỗ ở cho đại bộ phận người dân.

Nhiều chuyên gia cho rằng nên khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá rẻ để đáp ứng được nhu cầu về chỗ ở cho đại bộ phận người dân. (Ảnh: Trần Kháng) 

Tại Diễn đàn Bất động sản thường niên lần thứ nhất được tổ chức mới đây, ông Vũ Văn Phấn cho biết trong quá trình phát triển nhà ở xã hội, khi gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc, khó khăn đầu tiên gặp phải là tìm ra nguồn vốn tiếp theo.

Hiện ngân sách nhà nước dành khoảng 2.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội và người có công với cách mạng. Trong đó, hơn 800 tỷ đồng phân bổ cho hỗ trợ nhà ở cho người có công, còn hơn 1.264 tỷ đồng cho hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội.

Nhận định về nguồn vốn này, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Nam Long cho rằng, số vốn này mang tính chất tinh thần nhiều hơn. Trước đây có gói 30.000 nghìn tỷ đồng, so với 2.000 tỷ đồng thì bỏ xa nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu về nhà ở cho người dân. Song điều này thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với chương trình nhà ở xã hội.

“2000 tỷ đồng là số tiền rất nhỏ, 1 căn hộ đã 500 triệu đồng thì số tiền này chỉ đủ cho 4.000 căn. Trong khi chúng ta cần đến hàng triệu căn. Thiết nghĩ, việc lớn hơn là cần tạo ra các chính sách để xã hội hóa nhà ở xã hội và thương mại giá rẻ. Khi đó sẽ có nhiều sản phẩm hơn phục vụ người tiêu dùng có thu nhập thấp”, ông Quang phân tích. 

Tại diễn đàn, GS. Đặng Hùng Võ cũng cho rằng, với tình hình hiện nay, hết gói 30.000 tỷ đồng là việc phát triển các dự án nhà ở xã hội cũng dừng, không ngân sách nào chịu nổi. Vì vậy, phải chuyển sang nhà ở thương mại giá rẻ, nên khuyến khích phân khúc nhà ở giá rẻ chứ không nên tính chuyện phát triển phân khúc nhà ở xã hội. 

Thực tế, phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ có động lực cho thị trường phát triển, không ỉ lại vào ngân sách nhà nước, doanh nghiệp sẽ tự chèo chống. Nhà nước chỉ đứng bên cạnh hỗ trợ bằng chính sách là đủ. 

“Giảm thuế, hỗ trợ thủ tục hành chính là một trong những chính sách rất quan trọng. Nó sẽ kích thích doanh nghiệp đầu tư, giúp người nghèo thu nhập thấp mua được nhà giá rẻ”, GS. Võ khẳng định. 

Trong khi phân khúc nhà ở cao cấp dư thừa, nhà ở xã hội tín dụng hạn chế, thì nhà ở thương mại giá rẻ vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển. 

Về định hướng phát triển nhà ở thương mại giá rẻ, ông Vũ Văn Phấn cho hay, thực tế hiện nay trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã khẳng định rõ quan điểm bên cạnh việc tập trung phát triển nhà ở xã hội vẫn phải triển khai phát triển nhà ở thương mại để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng có khả năng chi trả theo cơ chế thị trường.

Trong Luật Nhà ở cũng đã quy định rất rõ các nội dung liên quan đến việc đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà ở thương mại, trên quan điểm khuyến khích việc phát triển nhà ở thương mại với các loại hình, cơ cấu diện tích hợp lý để đáp ứng nhu cầu của các đối tượng có khả năng chi trả theo cơ chế thị trường.

“Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành, việc đầu tư phát triển nhà ở thương mại nói chung và nhà ở thương mại giá rẻ nói riêng đang được thực hiện theo cơ chế thị trường, nhà nước không có các chế độ ưu đãi như đối với nhà ở xã hội”, ông Phấn cho biết.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top