Aa

Nếp cái hoa vàng

Thứ Tư, 20/02/2019 - 06:00

Cái gì thơm ngon, ngà ngọc ở đời cũng đòi một sự biệt sinh, biệt dưỡng như vậy. Bởi vì nếp cái hoa vàng đúng là ngọc thực, là xạ thực, là vật để dâng cúng linh thiêng, do trời ban cho từng vùng đất...

Không phải chân ruộng nào cũng có thể cắm xuống cây nếp cái hoa vàng. Nhiều vùng đất mênh mông, thuộc diện bờ xôi ruộng mật mà đành chết thèm chết nhạt chứ không thể trồng được loại lúa vào hàng vương giả của họ nhà gạo này. Đúng ra thì ai thích cứ việc cấy, cứ việc chăm bón, cứ việc nịnh trời nịnh đất nhưng nếu không đúng chất thổ nhưỡng, dù vẫn giống ấy, vẫn không thể cho ra được loại thóc kì lạ gọi là nếp cái hoa vàng. Cái gì thơm ngon, ngà ngọc ở đời cũng đòi một sự biệt sinh, biệt dưỡng như vậy. Bởi vì nếp cái hoa vàng đúng là ngọc thực, là xạ thực, là vật để dâng cúng linh thiêng, do trời ban cho từng vùng đất.

Chẳng hạn đất trũng khê và chua, bùn quánh, không có khả năng dốc cạn được nước khi cần, thì không nên cắm cây nếp cái hoa vàng xuống đó mà oan cho cả người lẫn gạo. Nó sẽ cho ra thứ nếp nửa đực nửa cái, dở ông dở thằng, chỉ thêm bực!

Quê tôi rộng lớn và trù mật nhường ấy mà chỉ có độc một cánh đồng trồng được loại lúa khó tính này. Vùng ấy thuộc chân ruộng cao, đất nhẹ vía, không chua, không mặn, không quánh chân. Mà cũng chỉ trồng được vào vụ mùa. Trồng vụ chiêm cũng được thóc nếp nhưng đó là loại thóc cho ra thứ gạo vô duyên, nhạt nhẽo, đem đồ xôi chẳng khác gì một sự báng bổ. Mà không nuốt được.

Nếp cái hoa vàng, ngọc thực trời đất ban cho.

Nếp cái hoa vàng, ngọc thực trời đất ban cho.

Nếp cái hoa vàng nhất thiết phải trồng vào vụ mùa. Nước chỉ cần khi lúa mới cấy, sinh trưởng qua thì con gái. Trổ đòng xong ngậm sữa là cấm tiệt nước, phải tháo dốc cho khô chân. Thời kỳ này, mỗi ruộng nếp là một tấm thảm của trời. Có cảm giác suốt cả năm đất ủ hương, nay là lúc ngấm vào cây lúa. Từ rễ, thân, lá cây nếp đều tỏa ra mùi thơm. Mọi thứ đều căng đầy, viên mãn chuẩn bị cho một cuộc sinh nở. Những ngày ấy không khí quanh ruộng nếp cũng ngọt lịm, hít căng ngực thấy say say.

Hạt nếp chín mầu vàng sậm, phủ một lớp lông tơ và có một chiếc râu sắc như kim ở đầu (Từ nếp râu có lẽ do đó mà có?). Hạt thóc ấy sau này cho ra thứ gạo tròn mẩy, trắng như sữa. Cho vào mồm nhai sống đã quánh răng. Còn nếu đem ngâm kỹ rồi đồ lên thì có một thứ xôi trong như thạch, thơm và dẻo cả khi đã nguội ngắt. Xôi đó đóng oản đem lên chùa, làm quà thì chẳng cần phải nói thêm lời nào nữa cũng đủ thành tâm.

Quê tôi hàng năm vẫn có Tết Cơm mới, tức là ngày Trùng thập (mồng 10 tháng 10 âm lịch). Dù công to việc bé gì cũng bỏ lại hết để làm trước một ít gạo nếp cái hoa vàng. Nồi xôi làm nao lòng cả nhà. Ngay cả rơm của cây nếp, khi khô xác đi thành thứ sợi vàng óng vẫn cứ nức hương (Sao cái giống hương chiết từ đất nó thơm dai dẳng đến thế!). Rơm ấy tết chổi quét bàn thờ đủ tỏ lòng thành kính của con cháu. Rơm ấy nhồi làm đệm có thể đem biếu nhau như một thứ quà quý.

Xa quê bao nhiêu năm tôi vẫn cứ bâng khuâng mỗi dịp Tết Cơm mới. Cứ như hồn của nếp cái hoa vàng còn quanh quất làm ngọt cả ký ức.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top