Aa

Nếu một ngày không có người đánh giầy

Thứ Sáu, 27/07/2018 - 06:00

Đánh giầy! Đánh giầy!... Có cái gì đó cụt lủn tựa như sự xúc phạm nhưng những người làm nghề chẳng lấy đó làm điều. Có thể đó là sự chấp nhận để sinh tồn. Nhưng nếu một ngày bạn không nhìn thấy họ. Tôi đảm bảo sự bức bối khó chịu với một đôi giầy bẩn sẽ đeo đuổi suốt ngày.

Chỉ là giả dụ thế thôi, nhưng nếu điều đó xảy ra thật thì thực sự đó sẽ là thiếu hụt, thậm chí là khủng hoảng cho không ít người. Trong đó có tôi. Cứ nhìn cái minh chứng sống động nhất là Tết âm lịch mà xem. Hà Nội vằng ngơ vắng ngắt, đặc biệt bói không ra một người xách cái túi vải, cầm trong tay cái bàn chải hay miếng mút như một ký hiệu nghề nghiệp. Xin thưa không có đâu, đội quân đánh giầy ở thành phố đã lui về bản quán ăn Tết hết rồi. Và Tết của họ không chỉ có mấy ngày nghỉ như quy định mà thông thường phải kéo qua rằm tháng Giêng. Lực lượng chân giầy những ngày này chấp nhận phải đi giầy bẩn nếu không muốn tự tay mình lao động.

 
Đánh giầy trên phố.

Đánh giầy trên phố.

Nói không quá, Hà Nội chính là thủ phủ của nghề đánh giầy. Chỉ Hà Nội thôi nhé. Tôi đã đi không sót bất cứ thành phố, thị xã nào trong cả nước. Ở đâu cũng có người đánh giầy, nhưng ít lắm. Chỉ ở Hà Nội mới tồn tại nghề đánh giầy một cách rộng rãi và thuận tiện, dù nó chưa bao giờ được công nhận công khai. Riêng khoản này thì tôi thắc mắc với những lực lượng chức năng. Sao không cho đánh giầy là nghề hợp pháp? Không như hàng rong cản trở giao thông, không như ăn xin hay bán đồ lưu niệm câu kéo khách du lịch làm mất mỹ quan, người đánh giầy chỉ có cái thùng gỗ xinh xinh có quai, trong đựng vài thứ đồ như bàn chải, hộp xi, lọ cồn, miếng mút hay mảnh giẻ... Nào có cản trở gì ai, hay làm xấu đi thành phố, mà cấm đoán, mà bắt bớ để dồn đẩy một cái nghề hữu ích cho những anh lười phải đi vào hoạt động lén lút.

Cái hòm gỗ này vừa là đựng đồ nhưng cũng là cái bệ để cho khách đặt chân lên cho thợ đánh giầy làm công đoạn cuối cùng là miết bóng. Cứ gọi là sáng choang nhé. Ruồi vô phúc đậu vào là trượt ngã. Tất nhiên đó phải là giầy da xịn loại cực tốt. Phải là những thương hiệu đắt tiền.

Nghề đánh giầy có lẽ chỉ có từ thời đổi mới cuối những năm 80 khi mà kinh tế nhúc nhắc khởi sắc, dân tình đã có của ăn của để, bắt đầu để ý đến cái mặc cái đi. Tất nhiên, trước đó, nếu tính chi li, thì từ thời thuộc Pháp, đánh giầy đã có mặt ở đô thị. Nhưng thôi, thời đó xa xưa quá rồi. Khi đời sống khá giả, lúc đó giầy da mới được phổ cập đến toàn bộ các loại chân trần của đủ mọi thành phần dân cư. Nhân đây nói thêm chút về dép nhựa. Khi ai cũng đi dép nhựa lập tức có nghề hàn dép nhựa rất ăn khách. Thế nên có giầy đi thì đương nhiên nghề đánh giầy phát triển là đúng quy luật. Sửa giầy và đóng giầy xin phép dành cho một lúc khác.

Những ai làm nghề đánh giầy? Xin thưa, đủ hết nam, phụ, lão, ấu. Nhiều nhất là thanh niên choai choai bắt đầu bước vào tuổi lao động. Có một dạo, lại tinh trẻ em làm nghề này, nhưng giờ những đứa bé đánh giầy đã ít đi nhiều. Họ ở những miền quê lân cận ra thành phố kiếm sống. Có người chỉ đi làm lúc nông nhàn nhưng đa phần là chuyên nghiệp, lấy đánh giầy là kế sinh nhai.

Bữa trưa nhọc nhằn.

Bữa trưa nhọc nhằn.

Thành phố buổi sáng là thời điểm thịnh nhất cho nghề đánh giầy tác nghiệp. Quán phở, nhất là quán cà phê đông khách, bao giờ cũng có người đánh giầy thường trực. Trừ một số người đi rong còn thì địa bàn đều đã được phân chia một cách "hòa bình" rồi. Khách buổi sáng thư thái vốn dễ tính nên khi có chào mời hay đáp ứng không nổi cáu. Tầm trưa cũng là dịp để người đánh giầy hành nghề. Cách đánh giầy giờ thống nhất một kiểu. Đó là khách tụt giầy và nhận về đôi dép tông mút xấu xí xỏ tạm. Giầy được tập kết về một gốc cây hay góc hiên nhà. Có thể hai ba người thành một tổ hợp, nhưng đa phần là đánh lẻ. Giá đánh giầy được thống nhất toàn thành phố. Tôi cũng hơi thắc mắc, sau một thời gian "phi mã", thì giá 10 ngàn đồng một đôi, bất kể loại, đã được giữ ổn định tới mấy năm nay.

Tôi dám cam đoan rằng nhà nào cũng thửa một bộ đánh giầy ở nhà, nhưng ít người đụng đến. Nhà tôi thi thoảng triệu một thợ đánh giầy về nhà "tổng động viên", có bao nhiêu đôi đánh hết. Mất kha khá thời gian mới hết chỗ giầy của các thành viên. Cú đấy chắc chắn là phi vụ thành công của nghề nghiệp đối với người thợ lam lũ. Đối với dân lười như tôi thì chỉ việc tuột giầy ngồi ở quán, thế là xong. Kể cả giầy thể thao cũng có cách làm sạch rất tiện lợi. Chả tội gì đụng chân đụng tay. Xã hội đã phân công lao động, đừng có lấn sân người khác làm gì.

Hà Nội có bao nhiêu người làm nghề đánh giầy? Khó thống kê. Trong mắt tôi, họ là những người lao động lương thiện và cần sự ủng hộ giúp đỡ. Tất nhiên ở đâu cũng có người này người khác. Thi thoảng có một đôi giầy đẹp theo thợ đi xa không quay về chân chủ. Tôi cũng một lần phải đi đôi xép xốp về nhà trong sự tiếc của phát ốm. Đôi giầy với chủ nhân có khi còn là những kỷ niệm rất khó rời xa.

Vào một ngày đẹp trời nhưng đôi giầy của bạn bẩn, mắt sẽ luôn phải ngó nhìn để tìm người cầm những ký hiệu của dân đánh giầy để vẫy tay hoặc gọi. Đánh giầy! Đánh giầy!... Có cái gì đó cụt lủn tựa như sự xúc phạm nhưng những người làm nghề chẳng lấy đó làm điều. Có thể đó là sự chấp nhận để sinh tồn. Nhưng nếu một ngày bạn không nhìn thấy họ. Tôi đảm bảo sự bức bối khó chịu với một đôi giầy bẩn sẽ đeo đuổi suốt ngày. Vâng, một ngày sẽ chẳng thú vị gì với bạn nếu không có những người đánh giầy. Chắc chắn thế.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top