Aa

New Green Village Hội An sử dụng phế thải xây dựng để san lấp: Dự án kém chất lượng, người mua chịu thiệt?

Thứ Tư, 10/04/2024 - 16:42

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, việc dùng phế thải xây dựng, chất thải rắn để san lấp mặt bằng sẽ khiến đất bị ảnh hưởng sau thời gian dài tích lũy, gây ảnh hưởng đến chất lượng dự án, hệ lụy lâu dài tới môi trường. Những khách hàng mua sản phẩm của dự án Khu dân cư và dịch vụ Cầu Hưng - Lai Nghi (New Green Village Hội An, tại TX. Điện Bàn, Quảng Nam) sẽ gặp khó khăn trong việc xây dựng nhà cửa khi cốt nền toàn gạch đá, bùn đất…

Như Reatimes đã phản ánh, trong quá trình thi công dự án Đầu tư xây dựng nhà ở Khu dân cư và dịch vụ Cầu Hưng - Lai Nghi (tên thương mại New Green Village Hội An) do Công ty Cổ phần Đầu tư Nông nghiệp Sài Gòn Thành Đạt làm chủ đầu tư tại P. Điện Nam Đông (TX. Điện Bàn) đã bộc lộ nhiều sai phạm trong công tác quản lý và thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai, gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Theo đó, dự án có dấu hiệu không sử dụng đất, cát theo đúng tiêu chuẩn để san lấp mặt bằng. Thay vào đó, dùng phế thải xây dựng, chất thải rắn để thực hiện san lấp.

New Green Village Hội An sử dụng phế thải xây dựng để san lấp: Dự án kém chất lượng, người mua chịu thiệt?- Ảnh 1.

Xe chở bùn thải san lấp mặt bằng tại dự án Khu dân cư và dịch vụ Cầu Hưng - Lai Nghi.

Theo các chuyên gia về môi trường, việc san lấp kiểu "dối trá" như vậy sẽ gây ra những hệ lụy lâu dài tới môi trường, sức khỏe con người. Theo đó, nước rỉ từ lớp phế thải xây dựng này qua nhiều năm sẽ thẩm thấu vào các tầng đất xâm nhập vào mạch nước ngầm, len lỏi ra các con sông, hệ thống thoát nước, thủy lợi. Do đó, không chỉ người dân tại khu vực thực hiện san lấp bị ảnh hưởng mà còn nhiều khu vực lận cận khác nữa.

Mặt khác, các phế thải rắn tích lũy dưới đất trong thời gian dài sẽ khiến đất bị ảnh hưởng. Phế thải xây dựng khó phân hủy như gạch, ngói, thủy tinh, dây cáp, bê tông, kim loại, chất độc ô nhiễm còn có thể thâm nhập vào cơ thể con người theo chuỗi thức ăn và nước uống dẫn đến hàng loạt nguy cơ đến sức khỏe người dân.

New Green Village Hội An sử dụng phế thải xây dựng để san lấp: Dự án kém chất lượng, người mua chịu thiệt?- Ảnh 2.

Phế thải xây dựng chất thành đống chờ "hô biến" thành đất san lấp.

Việc dùng phế thải xây dựng để san lấp mặt bằng còn ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xây dựng nhà cửa trong tương lai. Bởi, kết cấu xây dựng một căn nhà cấp 4 hay nhà biệt thự, nhà phố, nhà ống thì hạng mục quan trọng nhất vẫn là nền móng. Móng nhà có nhiệm vụ chống đỡ trực tiếp tải trọng, lực đỡ toàn công trình về lâu dài, tránh sụt lún, nứt tường.

Trao đổi với Reatimes, một kỹ sư có nhiều năm kinh nghiệm trong thi công xây dựng công trình cho biết, cách tính chiều sâu móng nhà ở dân dụng theo quy định của Tiêu chuẩn thiết kế kết cấu nhà cao tầng TCVN 5574-1991, đối với móng băng, móng đơn nếu đất nền là đất sét, đất pha dao động từ 0,5 – 1,5m; còn đối với móng bè, móng cọc độ sâu móng dao động từ 0,3 – 2m.

New Green Village Hội An sử dụng phế thải xây dựng để san lấp: Dự án kém chất lượng, người mua chịu thiệt?- Ảnh 3.

Nước rỉ từ lớp phế thải xây dựng này qua nhiều năm sẽ thẩm thấu vào các tầng đất xâm nhập vào mạch nước ngầm, gây nguy hại cho sức khỏe người dân.

Điều kiện địa chất công trình là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến chiều sâu móng nhà. Nếu đất nền công trình cứng, có khả năng chịu tải tốt thì chiều sâu móng nhà có thể nhỏ hơn. Ngược lại, nếu đất nền công trình mềm, kém chất lượng, khả năng chịu tải kém thì chiều sâu móng nhà cần lớn hơn. Ngoài ra, chiều sâu móng nhà là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến độ vững chắc và an toàn của công trình.

New Green Village Hội An sử dụng phế thải xây dựng để san lấp: Dự án kém chất lượng, người mua chịu thiệt?- Ảnh 4.

Nhựa đường cũng được dùng làm vật liệu san lấp.

Tuy nhiên, tại dự án Khu dân cư và dịch vụ Cầu Hưng - Lai Nghi hay New Green Village Hội An, lại sử dụng phế thải xây dựng để san lấp mặt bằng có nơi sâu trên 3m thì khả năng cao trong tương lai khách hàng sẽ gặp nhiều khó khăn trong  xây dựng nhà cửa, chi phí móng đội lên nhiều lần. Đáng lo ngại hơn là chất lượng nền đất không đảm bảo về lâu dài sẽ gây ra các hiện tượng sụt lún, nứt tường... Như vậy, việc san lấp mặt bằng, bằng phế thải xây dựng, thi công không đúng thiết kế, không đảm bảo chất lượng công trình, người chịu thiệt cuối cùng chính là khách hàng mua sản phẩm tại dự án.

New Green Village Hội An sử dụng phế thải xây dựng để san lấp: Dự án kém chất lượng, người mua chịu thiệt?- Ảnh 5.

Bê tông, nhựa đường, rác thải sinh hoạt tại dự án.

Dư luận cho rằng, việc ồ ạt đổ phế thải xây dựng để san lấp mặt bằng tại dự án Khu dân cư và dịch vụ Cầu Hưng - Lai Nghi thì chủ đầu tư sẽ hợp thức hóa phế thải xây dựng bằng cách mua hóa đơn đầu vào để việc nghiệm thu, quyết toán công trình sau khi hoàn thành đưa dự án vào sử dụng, bàn giao cho địa phương quản lý. Rõ ràng, với việc sử dụng phế thải xây dựng làm vật liệu san lấp như tại dự án New Green Village Hội An, chính quyền Quảng Nam cần vào cuộc kiểm tra, xử lý để hạn chế hậu quả từ việc sử dụng vật liệu san lấp mặt bằng không đúng tiêu chuẩn, thiết kế đã được phê duyệt.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top