Aa

Ngầm hoá đô thị: “Mỏ vàng” của đất còn bỏ ngỏ

An An
An An pvhongvu@gmail.com
Thứ Ba, 24/09/2019 - 06:00

Nguồn thu từ đất đai vô cùng lớn nhưng có nguy cơ giảm dần do đất không “sinh nở” được. Để thay thế nguồn thu này, không gian ngầm dưới đất là “mỏ vàng” nhiều tiềm năng.

Lời giải cho những bất cập của đô thị

Dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia, với tốc độ đô thị hóa, xây dựng phát triển nhanh chóng tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… đã khiến nảy sinh nhiều vấn đề như tắc đường, giao thông đi lại khó khăn, quỹ đất bề mặt ngày càng thu hẹp. Do đó, việc quy hoạch không gian ngầm là xu hướng tất yếu trong phát triển đô thị hiện đại, góp phần giải quyết những bất cập của đô thị hiện đại.

Năm 2015, Hà Nội đã phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - TP. Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đầu năm 2016, UBND TP. Hà Nội đã giao Viện Quy hoạch - Xây dựng Hà Nội nghiên cứu lập quy hoạch cho đồ án này.

Nhưng dường như đến nay, việc thực hiện quy hoạch ngầm tại Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung vẫn chậm chạp. Tại Hà Nội, công trình ngầm hiện tại có thể đếm trên đầu ngón tay như một phần tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, các Trung tâm thương mại ngầm quy mô lớn Mega Mall tại Royal City hay Time City… Tương tự, tại TP.HCM có quy hoạch không gian ngầm cho tuyến metro số 1, 2, 3a, 3b, 4, 5, 6… Về cơ bản việc khai thác không gian ngầm tại hai thành phố lớn vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Bãi đỗ xe ngầm dưới mỗi toà nhà chung cư cao ốc là điều bắt buộc phải có trong mỗi bản quy hoạch chi tiết

Giới chuyên gia nhận định, trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh như hiện nay thì việc triển khai quy hoạch chi tiết không gian ngầm càng bức thiết. Mở rộng không gian ngầm là một giải pháp mang nhiều ý nghĩa trong bối cảnh quỹ đất bề mặt của các đô thị lớn dần cạn kiệt, cư dân thành phố phải đối mặt với thực trạng: không gian xanh, không gian văn hóa bị thu hẹp, tốc độ gia tăng dân số quá nhanh tạo sức ép lên cơ sở hạ tầng, xung đột giữa bảo tồn và phát triển ngày càng gay gắt…

Mặt khác, nhu cầu xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại với mục tiêu phát triển hài hòa cũng đòi hỏi phải có sự phát triển song song cả chiều cao và chiều sâu đô thị.

Ở điểm nhìn khác, không gian ngầm trong thế giới hiện đại, không chỉ có những công trình giao thông (các tuyến tàu điện ngầm, bãi đỗ xe, hầm cho người đi bộ, cho xe ô tô…) để giải quyết vấn đề “nóng” trong phát triển đô thị mà còn có những trung tâm văn hóa, thương mại, những đô thị ngầm như một sự kết nối hữu cơ với công trình trên mặt đất.

Qua đó, tạo ra các phương thức vận tải và hoạt động giao thương đa dạng dưới lòng đất, chia sẻ áp lực cho mặt đất. Ðó cũng chính là một thành tố quan trọng để xây dựng đô thị thông minh, hiện đại.

Không gian ngầm - “mỏ vàng” của đất còn bỏ ngỏ

Theo KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam quy hoạch ngầm đô thị có tác động cực kỳ lớn đến kinh tế, xã hội, an ninh. Nhiều nước đã đưa cả siêu thị và giao thông xuống lòng đất. Riêng tại Hà Nội, nếu không có quy hoạch ngầm, tương lai sẽ rất khó khăn cho vấn đề xây dựng. Mặt khác, các vấn đề ách tắc giao thông, chúng ta cũng mới chỉ tính bề nổi làm giảm ách tắc ngã 3, ngã 4 mà chưa tính phía dưới không gian ngầm cũng là cách giảm ách tắc.

KTS Tùng tiếc nuối: “Ngành Quy hoạch xây dựng Việt Nam đã có từ những năm 60 của thế kỷ trước và đến nay, đã trải qua hơn 50 năm với nhiều giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia. Nhưng, chúng ta vẫn bị một “cái lối” rất nông nghiệp là “ăn xổi, ở thì”. Chúng ta chỉ biết khai thác trên mặt đất, mà bỏ quên nguồn tài nguyên dưới mặt đất”.

Ở các nước tiên tiến trên thế giới, họ có cả hệ thống tàu điện ngầm phía dưới nên chỉ chui lên mặt đất là vào được các khu đô thị, quảng trường, công viên, trường học, nhà ga,… Điều đó cho thấy, đô thị ngầm là rất quan trọng. Chính phủ cần phải triển khai, xây dựng hệ thống cơ sở pháp luật liên quan đến quy hoạch ngầm và quản lý quy hoạch ngầm.

KTS. Phạm Thanh Tùng nhận định: “Việt Nam không có quy hoạch ngầm sẽ là điều rất nguy hiểm, đặc biệt là về an ninh quốc phòng. Hiện nay Việt Nam mới chỉ có quy hoạch trên mặt đất. Bây giờ làm quy hoạch ngầm là muộn, nhưng còn hơn là không có, do vậy cần phải làm ngay. Quy hoạch ngầm là vấn đề rất cấp thiết trong vấn đề quy hoạch chung không gian đô thị. Không gian đô thị phải hiểu là không chỉ trên mặt đất mà cả dưới lòng đất nữa”.

Nhiều cơ hội "vươn lên" từ lòng đất

Bà Đinh Hương Linh, chuyên gia từ Savills Việt Nam phân tích, ngày nay, hệ thống tàu điện ngầm và những hạ tầng giao thông đồng bộ đã trở thành một phần không thể thiếu, với những cải tiến liên tục để đáp ứng nhu cầu hoạt động của những siêu đô thị trên thế giới. Những thành phố như London, Paris và New York đã sở hữu những hệ thống hoàn thiện từ hơn 1 thế kỉ trước. Ở Châu Á, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên đánh giá được tầm quan trọng của hệ thống tàu điện ngầm và bắt đầu tiếp cận quy hoạch từ năm 1905.

Tuy nhiên, để hoàn thiện tuyến đầu tiên tại Tokyo, Nhật cũng đã mất đến hơn 20 năm. Tại Trung Quốc, sự phát triển của tàu điện ngầm ở Thượng Hải từ năm 1993 xuất phát từ sự gia tăng dân số. Tuy là “người đến sau”, nhưng tới nay, “thương hiệu” metro Thượng Hải đã được khẳng định trên toàn cầu với chiều dài kỉ lục, cùng 2,5 tỷ chuyến mỗi năm.

Những tuyến đường ngầm metro thuộc dự án metro hàng tỷ USD tại TP.HCM đang dần hình thành,

Từ sự thịnh hành của metro, quy hoạch hệ thống đô thị ngầm được hình thành gần như song song và đã tạo nên những thay đổi lớn cho đô thị của các quốc gia. Đối với quốc gia có nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, kinh nghiệm xây dựng đô thị ngầm của các nước trên thế giới sẽ là bài học quý giá đối với các đô thị tại nước ta, đơn cử như Hà Nội, TP.HCM.

Đây cũng là khuynh hướng phát triển đô thị nén (Compact city) cho các thành phố lớn ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, đây là một xu thế tất yếu theo quỹ đạo phát triển đô thị hiện đại khi những thành phố lớn sẽ phát triển theo chiều dọc để vẫn có thể đảm bảo sự thuận tiện về thời gian đi lại cho cư dân.

Hình dung một cách cơ bản, không gian đô thị ngầm chủ yếu được hình thành từ các công trình ngầm như giao thông vận tải, dân dụng, hạ tầng kỹ thuật ngầm, công nghiệp và phần ngầm của các công trình xây dựng - kiến trúc lộ thiên…

Là một nội dung thuộc quy hoạch đô thị, quy hoạch đô thị ngầm luôn gắn liền với nhu cầu phát triển của đô thị cũng như đồng bộ, thống nhất với những công trình đã và sẽ xuất hiện trên mặt đất. Công tác thiết kế quy hoạch đô thị ngầm phải đáp ứng một số yêu cầu cơ bản như đảm bảo sử dụng không gian ngầm hợp lý, phù hợp với quy hoạch tổ chức không gian và hệ thống dịch vụ công cộng của từng loại đô thị và tầm nhìn phát triển lâu dài của đô thị.

Bên cạnh đó, sự kết nối liên hoàn, tương thích và an toàn giữa các công trình ngầm với nhau lẫn các hệ thống hạ tầng trên mặt đất trong yêu cầu sinh hoạt, bảo vệ môi trường và an ninh, quốc phòng cũng cần được chú trọng. Khi tất cá các yêu cầu này được đảm bảo, cộng thêm những chính sách khuyến khích, hỗ trợ thủ tục từ chính phủ, đô thị ngầm sẽ chứng tỏ được những sự phát triển phù hợp với kỳ vọng của nhà đầu tư, thông qua những hoạt động kinh tế hiệu quả.

Theo bà Linh: “Một khi thành phố có được một không gian đô thị ngầm đi vào hoạt động ổn định, người dân thành phố sẽ có thêm không gian sinh hoạt và từ đó thay đổi thói quen tiêu dùng hàng ngày. Thực tế trên dẫn đến việc các cơ sở hoạt động kinh doanh cũng có thêm cho mình những cơ hội mới để mở rộng và phát triển thay vì chỉ phải cố định vào các địa điểm trên mặt đất như hiện tại. Điều này cũng sẽ giúp thị trường bất động sản có thêm một mảng sản phẩm hoàn toàn mới đó là các mặt bằng không gian kinh doanh ngầm trong thành phố, tạo thêm sự sôi động cho thị trường”.

Minh chứng rõ nhất là những khu vực xung quanh tuyến metro tại TP.HCM như phố đi bộ Nguyễn Huệ, công viên 23/9, công viên Lê Văn Tám, cùng khu vực công viên Tao Đàn, sân vận động Hoa Lư… cũng đã nằm trong phân vùng quy hoạch đô thị ngầm rất sôi động các hoạt động liên quan đến bất động sản.

Cũng theo bà Linh, các sản phẩm bất động sản ngầm mới sẽ trở thành một đề tài nổi bật của thị trường khi đô thị ngầm được hình thành. Đây cũng chính là điểm thu hút các nhà kinh doanh bán lẻ, ăn uống và dịch vụ sẽ khi tiếp cận những địa điểm ngầm gần các khu vực công cộng có đông người dân qua lại, như ga tàu điện, để mở rộng hoạt động kinh doanh.

Điều này góp phần tạo ra sự đa dạng cho thị trường và bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng sẽ dành sự chú ý nhiều hơn đến việc tham gia vào các dự án ngầm như trung tâm thương mại, siêu thị, thậm chí là kho bãi công nghiệp, chuỗi cung ứng…Các yếu tố này sẽ giúp tạo ra nhiều hoạt động trên thị trường, từ đó góp phần mở rộng thêm các lợi ích, dịch vụ, sản phẩm mà các công ty kinh doanh, tư vấn bất động sản có thể khai thác.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top