Aa

Ngân hàng cơ cấu lại nợ để chặn nợ xấu

Thứ Hai, 23/03/2020 - 13:30

Nhằm ngăn chặn nợ xấu do dịch Covid-19, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ngành ngân hàng tập trung cơ cấu lại nợ, giãn nợ và tiếp tục giảm lãi suất.

Tập trung cơ cấu nợ

Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt và hoạt động kinh doanh, lãnh đạo Bản Việt cho biết, trong giai đoạn này, Ngân hàng chú trọng vấn đề cơ cấu lại nợ vì những tác động trước mắt của dịch bệnh khiến doanh thu, thu nhập và dòng tiền ngắn hạn của khách hàng bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo đó, đối với các khách hàng hiện hữu, gồm cả khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng Bản Việt có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay chậm trả, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng bị tác động.

Với khách hàng doanh nghiệp đang vay vốn có hoạt động kinh doanh trong các ngành bị ảnh hưởng và có doanh thu chính từ hoạt động kinh doanh sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước sẽ được hỗ trợ giảm lãi suất tối đa 0,5%/năm và 1%/năm, tương ứng với các khoản vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Gói vay hỗ trợ dành cho khách hàng doanh nghiệp lên đến 1.000 tỷ đồng.

Khách hàng cá nhân vay với mục đích xây dựng, sửa chữa nhà, sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng sẽ được Ngân hàng Bản Việt áp dụng mức lãi suất khá hấp dẫn, chỉ từ 8,38%/năm. Các khách hàng vay tín chấp cũng sẽ được áp dụng mức lãi suất cạnh tranh, chỉ từ 14,59%/năm.

Nhằm ngăn chặn nợ xấu do dịch Covid-19, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ngành ngân hàng tập trung cơ cấu lại nợ, giãn nợ và tiếp tục giảm lãi suất.

Ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt cho hay, hiện có khoảng 20% tổng dư nợ cho vay khách hàng có khả năng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trong khi đó, PVcomBank cũng đang thực hiện một loạt giải pháp hỗ trợ khách hàng ứng phó với dịch Covid-19 theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Cụ thể, đối với doanh nghiệp, người dân vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 có đủ các điều kiện: phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày liền sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19; khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc hoặc lãi do sụt giảm doanh thu thu nhập bởi dịch Covid-19, PVcomBank sẽ tiến hành đánh giá, xem xét và cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ. 

Đồng thời, PVcomBank triển khai gói tín dụng quy mô lên đến 10.500 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 7,49%, phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, mua ô tô, xây sửa nhà…

Nguy cơ nợ xấu

Trong một báo cáo đánh giá các ngân hàng tại Việt Nam mới đây của Moody's, mức tăng trưởng lợi nhuận vững chắc và cải thiện chất lượng tài sản trong năm 2019 là nhờ môi trường kinh tế vĩ mô ổn định. 

Tuy nhiên, theo Moody's, nếu dịch Covid-19 kéo dài sẽ dẫn tới sự gia tăng các khoản nợ xấu từ những doanh nghiệp sản xuất, thương mại và doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực có mối quan hệ chặt chẽ với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, Covid-19 làm tăng tỷ lệ nợ quá hạn và ảnh hưởng đến 11% dư nợ toàn hệ thống ngân hàng. Tại hội nghị gỡ khó cho doanh nghiệp của ngành ngân hàng tổ chức mới đây, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho hay, có ít nhất 926.000 tỷ đồng dư nợ của 23 ngân hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (chiếm hơn 11% dư nợ toàn hệ thống).

Tính đến nay, các ngân hàng đã hỗ trợ hơn 44.000 khách hàng, với dư nợ khoảng 222.000 tỷ đồng, bằng cách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu, giảm lãi các khoản cho vay mới, miễn giảm các loại phí, triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng hỗ trợ.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng khẳng định, ngành ngân hàng đảm bảo đủ nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp. Nhiều tổ chức tín dụng đã đăng ký tham gia gói tín dụng ưu đãi có tổng giá trị 285.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 0,5 - 1%. 

Trong đó, BIDV đăng ký hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, Agribank hỗ trợ 100.000 tỷ đồng, MB là 35.000 tỷ đồng, ACB 15.000 tỷ đồng… Các tổ chức tín dụng sẽ dựa trên tình hình, sức khỏe tài chính để đưa ra mức lãi suất phù hợp. Mặt khác, các doanh nghiệp khi vay vốn cũng phải đáp ứng đủ điều kiện về khả năng hoạt động để đảm bảo được nguyên liệu đầu vào và chứng minh được đầu ra.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top