Aa

Ngân hàng lớn mất uy vì “lọt sạn to”

Thứ Ba, 03/10/2017 - 01:00

Sau hàng loạt vụ án liên quan đến Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh, uy tín của hệ thống ngân hàng phần nào bị ảnh hưởng. Chưa kể vấn đề nợ xấu, cán bộ nhân viên suy thoái đạo đức nghề nghiệp, hệ thống quản lý lỏng lẻo,… đã làm lòng tin của khách hàng giảm sút đáng kể.

Nợ xấu, nợ nghi ngờ chưa có dấu hiệu giảm

Đánh giá chung báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2017 của các ngân hàng, có thể thấy nợ xấu tại nhiều ngân hàng tầm cỡ trong hệ thống tài chính vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm.

Ví như BIDV, báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2017 chỉ rõ, mặc dù lợi nhuận tăng mạnh nhưng nợ xấu của ngân hàng cũng "leo thang" không kém. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm riêng ngân hàng đạt 4.050 tỷ đồng, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 54% so với kế hoạch năm 2017. Trong đó lợi nhuận trước thuế quý II/2017 đạt 1.993 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước.

Nợ xấu của BIDV 6 tháng đầu năm ở mức 1,9%. Trong đó, nợ đủ tiêu chuẩn là 764.382 tỷ đồng, nợ cần chú ý nhóm 2 là 27.607 tỷ đồng; nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) là 6.574 tỷ đồng; nợ nghi ngờ nhóm 4 là 1.811 tỷ đồng, tăng 74% so với cuối năm 2016; nợ có khả năng mất vốn ở mức 6.994 tỷ đồng, tăng hơn 90 tỷ đồng so với cuối năm 2016.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã VCB) cho biết, hoạt động kinh doanh 6 tháng với kết quả khởi sắc. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 5.255 tỷ đồng và sau thuế đạt 4.230 tỷ đồng, tăng trưởng 23,35% so với năm trước. Với kết quả này, Vietcombank đã hoàn thành hơn 57,1% kế hoạch lợi nhuận trước thuế 9.200 tỷ đồng đề ra đầu năm.

Tại thời điểm 30/6/2017, tổng tài sản của Vietcombank tăng 61,3 nghìn tỷ đồng (+7,8%) lên 849.298 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng khá cao tới 13,45% lên 513,6 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức thấp, song dư nợ xấu nhóm 5 lại tăng mạnh tới 24% lên 5.287 tỷ đồng.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), nợ nghi ngờ tăng 5 lần. Cụ thể, riêng về nợ cho vay của Vietinbank, tính đến 30/6/2017 là 730.050 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Trong đó nợ cần chú ý giảm còn 3.590 tỷ đồng, nợ dưới tiêu chuẩn cũng giảm còn 833 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn là 3.497 tỷ đồng (giảm so với mức 3.819 tỷ đồng cùng kỳ). Riêng khoản nợ nghi ngờ của Vietinbank tăng đột biến từ 812 tỷ đồng hồi tháng 6/2016 lên 4.224 tỷ đồng, tăng 5,2 lần.

Chưa kể, Vietinbank là một trong 4 ngân hàng cho Vinachem vay nợ nhiều nhất. Tính đến ngày 30/6/2017, Vinachem vay 5.674 tỷ đồng tại Vietinbank.  Điều đáng nói là ngoài khoản vay tại Vietinbank, Vinachem còn vay 15 ngân hàng khác nên tiền lãi tập đoàn này phải trả ngân hàng mỗi tháng lên tới 176 tỷ đồng. Đây là số tiền không nhỏ với một doanh nghiệp đang làm ăn ít khả quan cùng lúc gánh khoản nợ khủng. Tính đến hết ngày 30/6/2017, nợ phải trả của Vinachem là 38.137 tỷ đồng, tăng 1,8% so với hồi đầu năm. Riêng khoản nợ vay của tập đoàn là 29.165 tỷ đồng. Trong đó 11.404 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 17.761 tỷ đồng nợ vay dài hạn.

Nhân sự có vấn đề

Gần đây, Vietinbank liên tục mất uy tín bởi những rắc rối liên quan đến nhân sự. Tuyển nhân viên gây thiệt hại hàng nghìn tỷ, “ăn cắp” tiền trong tài khoản tiết kiệm của khách hàng... Vietinbank lại nhiều khi tự giảm uy tín khi quay lưng lại với chính khách hàng của mình.

Cách đây không lâu, dư luận xôn xao trước thông tin bà Nguyễn Thị H. (trú phường Trường Thịnh, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) cho rằng 790 triệu đồng trong cuốn sổ tiết kiệm 800 triệu đồng của bà tại ngân hàng Vietinbank bỗng "không cánh mà bay".

Sự việc lần này xảy ra tại Phú Thọ không khỏi khiến dư luận e dè nhớ lại "đại án siêu lừa", tham ô tài sản của Huyền Như và một số cán bộ ngân hàng Vietinbank trước đây.

Nhìn từ hai sự cố trên, không ít khách hàng phải e ngại và đặt câu hỏi về việc Vietinbank sàng lọc chưa kỹ độ trung thực của nhân viên và lãnh đạo. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, Vietinbank còn tự làm mất điểm trong mắt công chúng khi không nhận trách nhiệm cho những vấn đề xảy ra. Ngân hàng này thẳng thừng chối bỏ trách nhiệm và cho rằng là do nhân viên lừa đảo chiếm đoạt tài sản chiếm đoạt khách hàng. 

Ai cũng hiểu rằng, khi người tiêu dùng trao tiền cho ngân hàng "cất giữ", trách nhiệm "bảo quản" hoàn toàn thuộc về ngân hàng. Bởi mọi giao dịch đều là giữa khách hàng và ngân hàng, trong đó đại diện của ngân hàng là phòng giao dịch. Mất tiền của khách hàng trong sổ tiết kiệm mà lại đổ cho khách hàng, dù đây không phải là số tiền quá lớn với một ngân hàng hàng đầu như Vietinbank. Logic này ắt không thuần đạo và luật không cho phép?

Không chỉ Vietinbank, BIDV cũng “mất điểm” khi được nhắc tên trong vụ án Phạm Công Danh. Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) về vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” gây bất ngờ là một trong 4 ngân hàng có liên quan.

Trong đó, BIDV cho 12 công ty "ảo" của Phạm Công Danh vay 4.700 tỷ đồng với những bộ hồ sơ không đầy đủ, ký giấy tờ thậm chí qua tờ giấy trắng. Trưởng phân ban rủi ro tín dụng đầu tư thuộc Ủy ban quản lý rủi ro của BIDV ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho vay. Tuy nhiên khi Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công An (C46) xác minh tại BIDV về việc cho 12 công ty vay vốn, hội sở ngân hàng này thừa nhận: Các chi nhánh còn thiếu sót là hồ sơ vay vốn của khách hàng đã có báo cáo tài chính nhưng chưa được kiểm toán.

Cán bộ tín dụng đã đánh giá tình hình tài chính của khách hàng nhưng còn thiếu phiếu điều tra của khách hàng về tình hình tài chính. Nhưng cho rằng, các thiếu sót trên không phải điều kiện tiên quyết trong việc cho vay.

Dù phía ngân hàng nói vậy, nhưng không thể ngăn dư luận đặt câu hỏi "Vì điều gì mà một ngân hàng top đầu như BIDV lại để xảy ra chuyện xét duyệt hồ sơ qua loa và thiếu giấy tờ?". Phải chẳng nếu như cán bộ, lãnh đạo BIDV liên quan đến vụ việc này không chủ quan, thì BIDV sẽ không bị "nhắc tên" khi đề cập đến vụ án kinh tế Phạm Công Danh? 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top