Aa

Ngân hàng nào trong nhóm "Big 4" sẽ được nới room tín dụng?

Thứ Sáu, 31/01/2020 - 06:29

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết trong quý 1/2020, Chính phủ sẽ dành khoảng 10.000 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ cho Vietcombank và Vietinbank...

Phó Thủ Tướng Vương Đình Huệ khẳng định, trong quý 1/2020 sẽ tăng vốn cho Big 4 trong đó có Vietcombank và VietinBank

Vietcombank cùng Vietinbank sẽ được dành 10.000 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ trong quý 1/2020

“Big 4” có tỷ lệ an toàn vốn thấp nhất hệ thống

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 11/2019, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, còn gọi là “Big 4” (gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV) ở mức 10,55%, thấp nhất hệ thống. Điều này đặt ra thách thức đối với các ngân hàng này phải tiếp tục tăng vốn điều lệ, nhất là khi Vietinbank và Agribank chưa đáp ứng chuẩn Basel II.

Mặc dù là ngân hàng có quy mô tài sản và cho vay thấp nhất, nhưng lợi nhuận trước thuế năm 2019 của Vietcombank tiếp tục dẫn đầu hệ thống. Từ chỗ xếp sau BIDV và Vietinbank về lợi nhuận năm 2015, Vietcombank không ngừng tăng trưởng, đưa tỷ trọng lợi nhuận của Vietcombank so với cả nhóm "Big 4" từ hơn 25% lên mức 40% trong vòng 5 năm qua.

Năm 2019, Vietcombank lãi riêng lẻ trên 22.700 tỷ đồng, giúp lãi hợp nhất vượt tỷ USD, thuộc top 200 tập đoàn tài chính trên toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân 4 năm qua từ 35 - 40%/năm, một phần nhờ lợi nhuận đột biến từ các khoản thoái vốn trong năm 2018.

Tăng trưởng tín dụng của Vietinbank đạt 7,2% so với cuối năm 2018; các chỉ tiêu về hiệu quả hoạt động đạt ở mức cao, thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 43% so với năm 2018, tỷ lệ thu ngoài lãi chiếm 22% tổng doanh thu hoạt động, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 1,2%, giảm đáng kể so với cuối năm 2018. Lợi nhuận riêng lẻ năm 2019 đạt gần 11,5 nghìn tỷ đồng, tăng trên 26% so với kế hoạch, tăng 83% so với năm 2018.

Với BIDV, tính đến cuối 2019, BIDV lãi hợp nhất gần 10.800 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước và mục tiêu tăng 17% trong 2020. Nhìn lại 4 năm gần đây, BIDV có phần đuối khi lợi nhuận tăng bình quân chỉ khoảng 10% mỗi năm, là mức tăng thấp nhất trong nhóm "Big 4". Trong khi đó, tăng trưởng bình quân lợi nhuận hàng năm của Agribank lên tới gần 40%, đưa lợi nhuận nhà băng này từ mức bằng một nửa BIDV năm 2014, nay đã có thể đuổi kịp vào năm 2019.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia tài chính phân tích, chất lượng tín dụng là một vấn đề mấu chốt khiến có sự chênh lệch lớn về kết quả kinh doanh giữa các ngân hàng trong nhóm Big 4. Danh mục cho vay sạch giúp Vietcombank kiểm soát chi phí dự phòng rủi ro tín dụng ở mức thấp, góp phần nâng lãi trước thuế. Ngoài việc giảm dần tỷ lệ nợ xấu nội bảng, năm 2019, Vietcombank cũng là ngân hàng đầu tiên xoá sạch nợ xấu bán cho VAMC.

Ngoài Vietcombank, nhóm "Big 4" có thêm một trường hợp vừa tất toán nợ xấu cho VAMC trong năm 2019 là Agribank. Còn lại BIDV và Vietinbank chưa hoàn tất và sẽ phải tiếp tục trích lập dự phòng đối với số trái phiếu đặc biệt của VAMC, ảnh hưởng tới tăng trưởng lợi nhuận của hai ngân hàng này.

Room tín dụng sẽ được nới…

Do đáp ứng chuẩn Basel II sớm và tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) thấp ( chỉ 72% - thấp hơn mức quy định là 85%), Vietcombank cũng được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt mức tăng trưởng tín dụng gần 16% trong năm 2019, cao nhất trong nhóm "Big 4" và cao hơn mức trung bình ngành. Vietcombank cũng dự kiến mức tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2020 và đề xuất Ngân hàng Nhà nước cấp "room" tín dụng cao hơn so với trung bình ngành.

Với BIDV, tăng được vốn nhờ phát hành cổ phiếu cho KEB Hana Bank, giúp ngân hàng có điều kiện để tăng trưởng tín dụng để cải thiện lợi nhuận trong năm 2020. Với việc đáp ứng chuẩn Basell II, nên ngân hàng này cũng sẽ được Ngân hàng Nhà nước xem xét nới room tín dụng trong năm 2020.

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến nay có 18 nhà băng đã được công nhận đáp ứng chuẩn Basel II gồm: Vietcombank, MB, Techcombank, ACB, VIB, MSB, HDBank, OCB, TPBank, VPBank, VietBank, Ngân hàng Bản Việt, SeABank, Nam A Bank, LienvietpostBank, Shinhan Bank, Standard Chartered Việt Nam, BIDV.

Với việc đáp ứng chuẩn mực Basel II, các ngân hàng này sẽ nhận được một cơ chế “thoáng” hơn về room tín dụng trong năm 2020. Bằng chứng là các ngân hàng ACB, Techcombank, MBBank đã được nới từ 13% lên 17%; VPBank từ 12% lên 16%... trong năm 2019.

Trong năm 2019, Vietibank và Agribank đã bị hạn chế tăng trưởng tín dụng vì không tăng được vốn điều lệ. Đến nay, Agribank chưa công bố chi tiết mức tăng trưởng tín dụng năm 2019 và mục tiêu 2020.

Trong bối cảnh bị hạn chế room tín dụng, Vietinbank tìm kiếm sự tăng trưởng thông qua việc gia tăng thu nhập từ các hoạt động bán chéo để thu phí dịch vụ. Trong năm 2019, với tốc độ tăng thu thuần dịch vụ tới 43%, Vietinbank nằm trong nhóm ngân hàng có tăng trưởng thu nhập dịch vụ nhanh nhất.

Ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch HĐQT Vietinbank, cho biết tăng vốn điều lệ là nhu cầu cấp thiết của ngân hàng. Cho đến nay, Vietinbank đã triển khai nhiều phương án để đáp ứng lượng vốn theo yêu cầu của Chính phủ. Ngân hàng đã tăng vốn cấp 2 thông qua việc phát hành trái phiếu. Để đáp ứng chuẩn Basel II, Vietinbank đang kiến nghị giữ lại lợi nhuận năm 2017 - 2018 để tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu.

Với việc được dành 10.000 tỷ đồng để tăng vốn cho Vietcombank và Vietinbank, thì nhiều khả năng Vietinbank sẽ sớm đáp ứng chuẩn Basel II để được nới room tín dụng trong năm 2020.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top