Aa

Ngân hàng Nhà nước cảnh báo về cho vay ngang hàng P2P Lending

Thứ Hai, 22/07/2019 - 06:01

Mới đây, văn bản số 5228/NHNN/CSTT về hoạt động cho vay ngang hàng của Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra khuyến nghị các tổ chức tín dụng tìm hiểu, nắm rõ các rủi ro phát sinh từ hoạt động P2P Lending...

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Đã xuất hiện những doanh nghiệp hoạt động biến tướng

Cách đây vài năm, nắm bắt được xu thế không chỉ của ngân hàng mà của cả người vay, Fintech đã sản sinh ra mô hình P2P Lending. Với mô hình này, thông qua sàn với thủ tục không phức tạp như ngân hàng nên người dân, thậm chí doanh nghiệp có nhu cầu vẫn được giải ngân nhanh chóng. Vậy là mối quan hệ cùng có lợi của ngân hàng và Fintech đã được thiết lập mà P2P Lending – cho vay ngang hàng đóng vai trò là "cậu bé liên lạc".

Trong những ngày đầu sơ khai khi Fintech mới du nhập về Việt Nam, phát biểu tại Lễ ra mắt chương trình Thử thách sáng tạo cùng công nghệ tài chính Việt Nam (Fintech Challenge Vietnam – FCV) lần thứ nhất tháng 11/2017, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, Trưởng Ban chỉ đạo về lĩnh vực công nghệ tài chính của Ngân hàng Nhà nước từng đánh giá, tại Việt Nam, Fintech được xác định không phải là đối thủ mà là đối tác của ngân hàng. Họ sẽ là cánh tay nối dài để đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là nhu cầu sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho những người ít có điều kiện tiếp cận sản phẩm dịch vụ ngân hàng…

Thậm chí, một số nhận định thời điểm đó còn cho rằng, hoạt động P2P Lending có thể góp phần hỗ trợ phổ cập tài chính, mở rộng khả năng cũng như tạo thêm kênh tiếp cận nguồn lực tài chính và cách thức cho vay đối với nền kinh tế, nhất là đối với các đội tượng yếu thế trong xã hội, qua đó có thể góp phần đẩy lùi tình trạng tín dụng đen.

Tuy nhiên, sau gần 2 năm “bắt tay”, "cậu bé liên lạc" P2P Lending của Fintech bắt đầu lộ rõ bản chất đã khiến lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước không khỏi lo lắng.

Trong văn bản số 5228/NHNN/CSTT về hoạt động cho vay ngang hàng gửi đến các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về hoạt động cho vay ngang hàng nêu rõ: "Hoạt động P2P Lending mới được hình thành và phát triển gần đây, các nền tảng giao dịch trực tuyến của công ty P2P Lending chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đánh giá nên có thể tồn tại nguy cơ bị tấn công mạng, đánh cắp thông tin gây thiệt hại cho các bên tham gia".

Ngoài ra, một số công ty P2P Lending là kênh phân phối, tìm kiếm khách hàng cho công ty tài chính, công ty cầm đồ hoặc công ty cầm đồ hợp tác với công ty công nghệ xây dựng nền tảng giao dịch trực tuyến để công ty cầm đồ tìm kiếm người đi vay và thực hiện cho vay. Trong đó, một số công ty cầm đồ sử dụng nguồn tiền từ các khoản vay nước ngoài hoặc các khoản vay từ cá nhân, tổ chức trong nước để cho vay lại.

Một số đối tượng có thể lợi dụng mô hình P2P Lending thực hiện hành vi bất hợp pháp (hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, cho vay cầm đồ biến tướng, hoạt động tài chính đa cấp...), đưa ra quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cạnh tranh để lừa đảo, chiếm dụng vốn của người dân; tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân, gây bất ổn đến an ninh kinh tế và ổn định xã hội.

Trong một số trường hợp, công ty P2P Lending và công ty cầm đồ thậm chí còn có dấu hiệu vi phạm Điều 8 Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi khi thực hiện hoạt động ngân hàng dưới hình thức cấp tín dụng.

Trước những rủi ro tiềm ẩn trên, để đảm bảo an toàn hệ thống, Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị các tổ chức tín dụng nghiên cứu, tìm hiểu, nắm rõ các rủi ro phát sinh từ hoạt động P2P Lending để hướng dẫn, thông báo trong nội bộ tổ chức tín dụng (bao gồm cả các công ty con, công ty thành viên của tổ chức tín dụng) về các rủi ro tiềm ẩn của hoạt động này, bao gồm rủi ro pháp lý và các rủi ro khác phát sinh trong bối cảnh pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh điều chỉnh hoạt động P2P Lending. Từ đó, thường xuyên rà soát quy trình, mô hình tổ chức, vận hành, quản trị nội bộ… của tổ chức tín dụng nhằm phòng ngừa các rủi ro có thể phát sinh.

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng thận trọng trong việc ký kết và thực hiện các thỏa thuận hợp tác với các công ty P2P Lending để đảm bảo việc thỏa thuận, ký kết, thực hiện hợp đồng hợp tác đúng quy định pháp luật, không ảnh hưởng đến hoạt động, uy tín của tổ chức tín dụng, cũng như uy tín, an toàn của hệ thống ngân hàng.

Trong quá trình giao dịch, hợp tác với các công ty P2P Lending, tổ chức tín dụng xem xét đề nghị các công ty P2P Lending công bố đầy đủ, minh bạch, trung thực các thông tin về nội dung hợp tác, giao dịch giữa công ty P2P Lending với tổ chức tín dụng trong tất cả các thông điệp và phương tiện quảng cáo, truyền thông, bán hàng mà công ty P2P Lending truyền tải đến người tiêu dùng và các bên có liên quan.

Các tổ chức tín dụng phải thường xuyên theo dõi việc công bố thông tin về quan hệ hợp tác giữa công ty P2P Lending với tổ chức tín dụng để kịp thời phát hiện thông tin được công ty P2P Lending công bố không chính xác, không đầy đủ, có thể gây tổn hại cho người tiêu dùng và các bên có liên quan (nếu có) để có giải pháp xử lý phù hợp.

Đặc biệt, phải đảm bảo việc hợp tác, kết nối, giao dịch giữa tổ chức tín dụng (bao gồm cả các công ty con, công ty thành viên của tổ chức tín dụng) với các công ty P2P Lending an toàn, hiệu quả, bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của tổ chức tín dụng và khách hàng, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật có liên quan.

“Siết” hay “xử” có là quyền của Ngân hàng Nhà nước?

P2P Lending đã phát triển ở nhiều dạng thức khác nhau kể từ khi xuất hiện lần đầu ở Anh vào năm 2005. Sau đó, nhanh chóng lan truyền sang Trung Quốc và phát triển rầm rộ vài năm thì bị thắt chặt.

Hết cửa trụ lại quốc gia đông dân số nhất trên thế giới, làn sóng này lại nổi lên mạnh mẽ tại Việt Nam. Nếu tìm hiểu kỹ, trong số những P2P đang hoạt động tại Việt Nam, có nhiều đơn vị đến từ Trung Quốc. Điều này cũng dễ hiểu vì Việt Nam và Trung Quốc có nhiều nét tương đồng nên P2P du nhập vào Việt Nam nhanh chóng và dễ dàng được thị trường hấp thụ. Tuy nhiên, theo TS. Vũ Đình Ánh, P2P đã thất bại ở Trung Quốc và đến Việt Nam vẫn chưa quản lý được.

Một ví dụ điển hình như sàn cho kết nối tài chính đến Việt Nam sớm nhất và có quy mô lớn nhất là Tima.vn. Theo quảng cáo trên website của công ty, sau 3 năm hệ thống Tima đã thu hút hơn 3.050.602 người vay và 34.770 người cho vay với tổng tiền giải ngân lên hơn 62.032 tỷ đồng, tương ứng hơn 2,65 tỷ USD.

Dễ nhận thấy nhu cầu cho vay và vay nợ rất lớn, chưa kể nhiều người còn cho rằng, hình thức này giảm chi phí cho người sử dụng nhờ các hỗ trợ từ công nghệ. Đó là trên lý thuyết, còn thực tế khi sàn cộng thuế phí bảo hiểm tiền vay thành mức lãi suất hàng trăm %, đồng nghĩa với việc tiền đi từ người có nhu cầu cho vay sang người vay bị hao đi một nửa. Phí này để "bảo kê" rằng, sàn vừa thu tiền hộ, vừa cho vay và lưu giữ số liệu của hai bên cho vay và đi vay.

Tuy nhiên, câu hỏi ngược lại là khi có 5.000 đơn vay các hình thức khác nhau mỗi ngày thì Tima lấy đâu ra hàng nghìn nhân viên để thực hiện việc này? Khi khách hàng vay tiền có ý định hỏi về thông tin bên cho vay, nhân viên của Tima không cung cấp hoặc không biết. Khả năng không ngoại trừ việc đơn vị này tạo sàn để đem tiền từ cánh tay phải sang cánh tay trái, chứ không phải làm nhiệm vụ kết nối.

Hiện nay, trong 40 công ty P2P Lending đang hoạt động ở nước ta thì có 10 công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc, một số công ty từ Indonesia và Singapore. Mới đây, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, một số công ty trong số 40 doanh nghiệp này đã xuất hiện những hoạt động biến tướng, vi phạm pháp luật về ngân hàng và tín dụng.

Từ đối tác trên thị trường tài chính được đánh giá có khả năng chung tay đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen đang hoành hành tại Việt Nam, P2P Lending đã lợi dụng kẽ hở pháp luật nước sở tại để hoạt động biến tướng. Vậy, tới đây, Ngân hàng Nhà nước sẽ “siết” hay “xử ” mô hình này? Bởi đây không chỉ là câu chuyện quản lý hoạt động tín dụng mà còn liên quan đến an ninh tiền tệ và cả sự an nguy của người dân khi chẳng may bị người của P2P Lending dụ vào “tròng”./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top