Aa

Ngân hàng Nhà nước “cứu” dòng tiền cho bất động sản

Thứ Hai, 27/11/2017 - 14:01

Khách hàng "tố" Alibaba tại lễ mở bán dự án; TP.HCM: Quận 12 cảnh báo lừa đảo về dự án Royal Gold Land; Dự án biệt thự Lâm Sơn Resort: Băn khoăn với hợp đồng hợp tác kinh doanh; Ngân hàng Nhà nước “cứu” dòng tiền cho bất động sản;… là những tin tức nổi bật về bất động sản 24 giờ qua.

Ngân hàng Nhà nước “cứu” dòng tiền cho bất động sản

Theo Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, tín dụng BĐS khách quan và cần thiết, bởi giá trị BĐS thường lớn và vượt qua năng lực tài chính của chủ đầu tư. Thông thường, vốn đầu tư cho BĐS được huy động từ vốn tự có của chủ đầu tư, vốn huy động nhàn dỗi từ người dân và vốn tín dụng, trong đó vốn tín dụng chiếm tỷ trọng rất lớn. Các NH không chỉ tài trợ khoảng 70 – 80% nguồn vốn cho các chủ đầu tư dự án BĐS, mà còn tài trợ cho người tiêu dùng có nhu cầu mua BĐS để sử dụng hoặc đầu cơ. Bởi vậy, tín dụng BĐS được xem như “đòn bẩy” để thị trường phát triển và ngược lại.

Để giải quyết khó khăn của thị trường BĐS, trước hết là nợ xấu và hàng tồn kho có thể dẫn đến tác động dây chuyền đến nền kinh tế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ “Về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu”, với gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, với lãi suất cho vay chỉ từ 5% - 6%/năm, mà trong đó 2/3, tương đương với 21.000 tỷ được giải quyết cho người mua nhà ở xã hội, người mua nhà ở thương mại quy mô nhỏ và vừa, có giá bán không quá 1,05 tỷ đồng/căn; 1/3 tương đương với 9.000 tỷ cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vay.

Van tín dụng đã mở để cứu dòng tiền cho bất động sản.

Van tín dụng đã mở để cứu dòng tiền cho bất động sản.

Thực chất của chính sách tín dụng này là kích cầu tiêu dùng (khác hẳn với gói tín dụng kích cầu đầu tư 1 tỷ USD năm 2009) nên đã đạt được hiệu quả tích cực. Kết quả, gói kích cầu đã giải ngân hơn 32.000 tỷ đồng, giúp cho hơn 56.000 cá nhân, hộ gia đình tạo lập được nhà ở, góp phần giải quyết một phần hàng tồn kho, nợ xấu và cũng là một nguyên nhân giúp cho thị trường BĐS phục hồi trở lại.

Từ các cuộc khủng hoảng BĐS trước đây, có thể khẳng định sự phát triển của thị trường BĐS hiện nay chưa thể gọi là bền vững. Đa phần các chủ dự án đều sống nhờ “hơi thở” của các nhà băng. Vì thế, vai trò quản lý Nhà nước về tiền tệ là cần thiết, để ổn định thị trường BĐS nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Việc NHNN vừa công bố danh sách 42 NHTM đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai là hành động hạn chế “hậu quả” do các nhà băng yếu kém gây ra. Đồng thời, NHNN cũng mở “cơ hội” cho các chủ dự án BĐS có thêm dòng tiền, mà không cần chuyển nhượng dự án theo kiểu “bán lúa non”.

Xem chi tiết tại đây.

Dự án biệt thự Lâm Sơn Resort: Băn khoăn với hợp đồng hợp tác kinh doanh

Công ty cổ phần Đầu tư Archi Reenco Hòa Bình được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho lô đất thực hiện Dự án Lâm Sơn Resort (xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) từ năm 2009, được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu năm 2010 (chứng nhận thay đổi lần thứ nhất năm 2012, chứng nhận thay đổi lần thứ 2 năm 2015). Tuy nhiên, dự án này đã nằm đắp chiếu thời gian dài và mới được khởi động lại cách đây ít lâu.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Hoàng Ngọc Kiều, nguyên Phó chủ tịch UBND xã Lâm Sơn cho biết: “Dự án này đắp chiếu đã nhiều năm, nhưng gần đây, chúng tôi mới thấy chủ đầu tư khởi động lại”.

Lâm Sơn Resort nằm tại xóm Kẽm, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, Hòa Bình, có quy mô gần 66 ha, chia làm 4 giai đoạn. Giai đoạn 1 gồm 84 căn biệt thự (diện tích 400 m2) và một số hạng mục khác như nhà đón tiếp, tổ chức hội nghị, bể bơi, khu vui chơi trẻ em, công viên… Giai đoạn 2 gồm 80 biệt thự (với các loại diện tích 400 m2, 600 m2 và 1.000 m2) và nhiều hạng mục liên quan. Diện tích đất ở lâu dài để xây nhà ở tương ứng lần lượt là 150 m2, 150 m2 và 200 m2.

Khách hàng của Lâm Sơn Resort không được quyền sở hữu bất động sản của dự án. Ảnh: Nguyễn Thành

Khách hàng của Lâm Sơn Resort không được quyền sở hữu bất động sản của dự án. Ảnh: Nguyễn Thành.

Trong vai người cần mua nhà, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản được ông Trung, người của Archi Reenco Hòa Bình cho biết: “Chúng tôi đã dừng toàn bộ việc bán hàng, ủy thác cho đơn vị phân phối là Sàn giao dịch Bất động sản My Second Home. Hiện Dự án Lâm sơn Resort giai đoạn 1 đã cơ bản hết hàng, còn giai đoạn 2 sẽ mở bán trong thời gian 1 - 2 tháng tới khi hoàn thiện thủ tục pháp lý”.

Khi hỏi đơn vị phân phối, thì được nhân viên của đơn vị này cho biết, các biệt thự giai đoạn 1 chỉ còn 4 căn, nếu muốn sở hữu biệt thự thuộc giai đoạn 1, phải quyết định sớm để hưởng ưu đãi về giá, vì ở giai đoạn 2, mức giá sẽ tăng rất cao.

Được biết, mức giá cho các biệt thự diện tích 400 m2 giai đoạn 1 dao động trong khoảng 3 - 3,2 tỷ đồng/căn. Ở giai đoạn 2, dù chưa ra hàng, nhưng đại diện chủ đầu tư cho biết, mức giá sẽ vào khoảng 4,9 tỷ đồng/căn.

Xem chi tiết tại đây.

TP. HCM: Quận 12 cảnh báo lừa đảo về dự án Royal Gold Land

UBND quận 12 cho biết thời gian qua có một số đối tượng tiến hành phát tờ rơi, thông tin khu dự án nhà ở liên kế Royal Gold Land tại phường Đông Hưng Thuận. Qua kiểm tra, Ủy ban nhân dân quận khẳng định khu đất nêu trên thuộc quy hoạch đất cây xanh (khu vực đối diện trụ sở UBND phường Đông Hưng Thuận). 

Hiện cơ quan có thẩm quyền không phê duyệt hoặc thỏa thuận bất kỳ dự án nào thuộc khu vực này.

Đối với các đối tượng phát tờ rơi, Công an phường Đông Hưng Thuận đã yêu cầu về trụ sở để làm việc.

Bản đồ hiện trạng phân lô

Bản đồ hiện trạng phân lô "dự án" Royal Gold Land.

“Do vậy, đề nghị nhân dân lưu ý thông tin để cảnh giác, tránh bị lừa đảo bởi các đối tượng nêu trên”, thông báo của UBND quận 12 cho biết.

Trong một động thái liên quan, UBND huyện Củ Chi (TP. HCM) mới đây cũng đã có báo cáo gửi UBND TP. HCM về các hoạt động có dấu hiệu lừa đảo của nhóm công ty địa ốc Alibaba.

Theo đó, UBND huyện Củ Chi khẳng định việc nhóm công ty địa ốc Alibaba tự xưng là chủ đầu tư, công bố bán nền nhà, thu tiền đặt chỗ trước của khách hàng tại Khu đô thị Tây Bắc là trái với quy định của pháp luật hiện hành.

Xem chi tiết tại đây.

Khách hàng "tố" Alibaba tại lễ mở bán dự án

Tại lễ mở bán, ngay phần mở đầu, ông Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐTQ Công ty CP Địa ốc Alibaba (Alibaba), đã chuẩn bị một kịch bản rất bài bản để "tố" lại Hiệp hội Bất động sản TP HCM và các cơ quan báo chí vì cho rằng đã "vu khống" Alibaba.

Tuy nhiên, ngay tại lễ mở bán, nhiều khách hàng đã chất vấn và đặt câu hỏi liên quan đến dự án, hồ sơ pháp lý. Phần trả lời của ông Luyện luôn tỏ ra là thuận lợi, dễ dàng, muốn bán lại sẽ được trả lãi, giao thiếu nền sẽ được giao thêm, góp vốn sẽ có lãi… Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều khách hàng lo lắng vì công ty giao chậm, chưa giao sổ nhưng họ không kịp có ý kiến thì bị cắt ngang vì cho rằng đến giờ mở bán.

Ông Nguyễn Thái Luyện cho rằng Alibaba bị

Ông Nguyễn Thái Luyện cho rằng Alibaba bị "vu khống", cũng vì vậy mà lớn mạnh hơn (!?)

Đáng nói, từ đầu đến cuối, ông Luyện vẫn khẳng định các nhân viên bán hàng của mình là những chiến binh và ông Luyện là người truyền cảm hứng, muốn tất cả nhân viên cùng làm chủ. Ai có người thân quen thất nghiệp thì đưa đến, Alibaba sẽ đào tạo con người có tư duy tích cực, lạc quan. "Chúng tôi không làm việc vì tiền mà vì sứ mệnh" - ông Luyện khẳng định. Đáng nói hơn, ông Luyện còn cho biết công ty dự định lên sàn chứng khoán UpCom.

"Truyền thông nói về chúng tôi, gây thiệt hại rất nhiều nhưng cũng giúp Alibaba vững mạnh hơn. Chúng tôi rất cảm ơn vì cuộc chiến truyền thông này đã giúp cho 1.500 nhân viên của chúng tôi vững mạnh hơn, giúp chúng tôi tốt lên"- ông Luyện nhấn mạnh.

Xem chi tiết tại đây.

Môi giới nhà đất giăng bẫy

Chuyện tự nhận mình là chủ đầu tư, phân lô rồi tung các thông tin về dự án để thu hút khách hàng mua đất nền thuộc Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi (TP HCM) của Công ty CP Địa ốc Alibaba gần đây là một ví dụ.

Theo đó, doanh nghiệp (DN) này lập ra một pháp nhân mới là Công ty CP Alibaba Tây Bắc TP HCM với vốn điều lệ lên đến 12.000 tỉ đồng để thực hiện dự án Alibaba Tây Bắc Củ Chi (chưa được cấp phép đầu tư, chưa giải phóng mặt bằng…) trong khi đây chỉ là vốn ảo, đăng ký trên giấy tờ và cổ đông chưa bỏ ra đồng nào. Công ty này còn tự ý lập hồ sơ phân lô dự kiến của dự án và phát phiếu đặt chỗ để nhân viên kinh doanh đi mời chào, giao dịch với khách hàng rồi nhận tiền đặt chỗ 50 triệu đồng/sản phẩm.

Điều này khiến khách hàng lầm tưởng đây là một công ty lớn, uy tín, mạnh vốn… Kết quả là tính đến ngày 21-11, đã có 493 khách hàng đặt cọc giữ chỗ tại dự án Alibaba Tây Bắc Củ Chi, với số tiền lên tới 16,626 tỉ đồng.

Trước khi tìm đến với dự án Alibaba Tây Bắc Củ Chi, Công ty CP Địa ốc Alibaba đã rải nhân viên khắp nơi mồi chài khách để bán hàng ngàn đất nền các dự án từ Long Phước 1 đến Long Phước 14 thuộc khu vực Long Thành - Đồng Nai, cũng với lời quảng cáo "đất chính chủ, cam kết lợi nhuận lên đến 28%/năm". Họ đánh vào tâm lý ham lợi nhuận cao của khách hàng để bán hàng, thu tiền mà không nghĩ đến hậu quả. Cũng có thể họ dùng chính tiền của khách hàng sau trả cho khách hàng trước, nói cách khác là "lấy mỡ nó rán nó". Khi có khách hàng hỏi về pháp lý, thủ tục của dự án thì công ty không chứng minh được đó là đất của mình. Đến khi người mua khiếu nại, khiếu kiện đòi tiền cọc thì công ty không chịu trả, thậm chí phủi bỏ trách nhiệm.

Xem chi tiết tại đây.

Nhà đầu tư khát đất sạch ở Thủ Thiêm

Thủ Thiêm, khu trung tâm tài chính và khu đô thị phức hợp mới của TP.HCM được xem là dự án đô thị phức hợp lớn nhất Đông Nam Á. Một khi hoàn thành, Thủ Thiêm sẽ giảm bớt những áp lực mà TP.HCM đang phải đối mặt.

Cơ sở hạ tầng trong khu vực trung tâm hiện tại đang bắt đầu quá tải. Tình trạng ùn tắc giao thông không ngừng tăng lên trong 5 năm gần đây với số lượng ô tô tăng 35 phần trăm mỗi năm từ năm 2012-2016, theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA).

Phối cảnh khu đô thị Thủ Thiêm.

Phối cảnh khu đô thị Thủ Thiêm.

Đánh giá về thị trường văn phòng cho thuê trước áp lực cơ sở hạ tầng, Công ty tư vấn bất động sản nước ngoài JLL cho rằng, việc đầu tư xây dựng văn phòng cho thuê không còn khả thi và giá thuê văn phòng đã đạt đến mức đỉnh điểm kể từ năm 2008. Quy hoạch tổng thể Thủ Thiêm nhằm giảm bớt sự thiếu hụt nguồn cung trong khu vực trung tâm hiện tại.

Cũng theo đánh giá của công ty này, khi cơ sở hạ tầng của Thủ Thiêm được cải thiện, các công ty lớn sẽ bắt đầu xem Thủ Thiêm như là một giải pháp khả thi để đặt trụ sở thay cho khu trung tâm hành chính kinh tế hiện hữu.

Với tầm nhìn chiến lược lên khu đô thị mới Thủ Thiêm, các nhà đầu tư lớn, sẽ liên doanh với các đối tác Việt Nam trong năm 2016 để phát triển một dự án ven sông, chủ yếu là căn hộ cao cấp, văn phòng và thương mại.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top