Aa

Ngân hàng Nhà nước nói gì về việc siết tín dụng bất động sản?

Thứ Sáu, 14/06/2019 - 14:01

Ngân hàng Nhà nước nói gì về việc siết tín dụng bất động sản?; Căn hộ thông minh, giá thành cao hơn 10 - 15%; Sôi động thị trường căn hộ giáp ranh TP.HCM... là những tin tức nổi bật 24h qua.

Ngân hàng Nhà nước nói gì về việc siết tín dụng bất động sản?

Ông Nguyễn Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, Ngân hàng nhà nước (NHNN) trao đổi thông tin về việc các tổ chức phản ánh việc siết tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, tại dự thảo sửa đổi thông tư 36 về tỷ lệ an toàn tín dụng.

Theo ông Hùng, bất động sản là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro lớn nhưng không có nghĩa ngân hàng hạn chế cho vay. Việc hạn chế rủi ro của ngân hàng bằng cách lựa chọn dự án hiệu quả, chọn chủ đầu tư đủ năng lực mới xem xét giải ngân vốn.

“Tín dụng vào bất động sản có 2 loại, gồm: vốn trực tiếp cho vay kinh doanh bất động sản và vốn cho người dân vay tiêu dùng với mục đích mua bất động sản như căn hộ chung cư. Trong đó, loại hình cho vay trực tiếp kinh doanh bất động sản giảm và tăng trưởng vào loại hình còn lại, nhằm mục tiêu, tín dụng hướng đến tiêu dùng các sản phẩm bất động sản”, ông Hùng cho biết.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Theo đại diện NHNN, quy định nhằm hướng dòng tín dụng vào hình thức cho người dân vay tiêu dùng của lĩnh vực bất động sản. Điều kiện tín dụng vào phân khúc 1-3 tỷ đồng/căn hộ nhằm tạo điều kiện để chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ. Đây là loại sản phẩm trên thị trường đang thiếu và góp phần thúc đẩy chủ đầu tư cung cấp mặt hàng này. Ngoài ra còn tạo điều kiện để người dân có thể vay tiền ngân hàng mua căn hộ phục vụ cuộc sống.

NHNN cũng cho biết, tình trạng các địa phương ven biển có dự án bất động sản nhưng không thể vay vốn ngân hàng do vướng mắc ở hồ sơ quy hoạch đất đai. Do chưa có hồ sơ quy hoạch đất đai cụ thể nên ngân hàng không thể cho vay. Với các dự án đáp ứng đủ điều kiện, ngân hàng sẽ giải ngân nhanh chóng.

“Với dự án có đất sạch, chủ đầu tư đủ năng lực và khả năng sinh lời, ngân hàng sẽ giải ngân vốn. Do quỹ đất sạch bị ảnh hưởng do chưa có quy hoạch rõ ràng nên ngân hàng chưa thể giải ngân vốn”, đại diện NHNN cho biết.

Xem chi tiết tại đây.

Căn hộ thông minh, giá thành cao hơn 10 - 15%

Mặc dù nhu cầu về nhà thông minh là rất lớn, nhưng hiện có rất ít chủ đầu tư thực hiện dự án căn hộ thông minh đúng nghĩa, nếu có cũng chỉ tập trung chủ yếu ở phân khúc cao cấp. Bởi trở ngại lớn trong việc phát triển phân khúc này là chi phí cao và công nghệ nhà thông minh ở Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn khá sơ khai.

JLL ghi nhận tại TP.HCM hiện có 5 dự án đang được chào bán giới thiệu mô hình công nghệ thông minh trong sản phẩm căn hộ. Hầu hết là những dự án mới hoặc vẫn đang được xây dựng. Có thể kể đến một vài dự án đã chào bán nổi bật trong đó là Alpha City 
Apartment và Centennial của Tập đoàn Alpha King Vietnam, D-Vela của DRH Holdings...

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, giá bán của những căn hộ này hiện neo ở mức khá cao. Đơn cử như tại Dự án Centennial của Tập đoàn Alpha King, một căn hộ có diện tích 85 m2 với 2 phòng ngủ đang được rao bán với giá 21 tỷ đồng. Còn những căn 3 phòng ngủ, có diện tích từ 140 - 180 m2 mức giá bán khoảng 47,7 - 50 tỷ đồng.

Tương tự, tại Dự án Alpha City tại đường Cống Quỳnh, quận 1 (TP.HCM), mỗi căn hộ đang được rao bán với giá từ 186 - 221 triệu đồng/m2.

Trên thực tế, giá chào bán căn hộ thông minh tại các quốc gia như Ấn Độ, Anh và một số nước Đông Nam Á cao hơn 10 - 15% so với giá bán căn hộ thường. Do vậy, sự chênh lệch giá của nhà ở thông minh và nhà ở truyền thống tại Việt Nam cũng không có gì khó hiểu. Điều này đồng nghĩa với việc, đối tượng sử dụng phân khúc này chỉ là những người có thu nhập cao, căn hộ thông minh chưa phục vụ đông đảo những người có thu nhập trung bình khá trở xuống.

Tổng giám đốc JLL Việt Nam, ông Stephen Wyatt cho biết thêm, người Việt Nam có xu hướng sinh sống trong một gia đình có nhiều thế hệ. Những người trẻ là những người có khả năng tiếp cận với công nghệ nhanh, nên việc sử dụng smarthome trở nên rất thuận tiện và mang lại nhiều tiện ích. Nhưng những người lớn tuổi sinh sống trong ngôi nhà lại gặp khó khăn hơn trong việc sử dụng các thiết bị công nghệ, do thói quen sử dụng và tâm lý e ngại sự phức tạp là một trong những rào cản lớn trong việc phát triển smarthome tại Việt Nam.

Xem chi tiết tại đây.

Sôi động thị trường căn hộ giáp ranh TP.HCM

Trước việc quỹ đất hạn hẹp và thủ tục triển khai dự án tại TP.HCM bị tắc, nhiều doanh nghiệp bất động sản TP.HCM đã hướng tới các tỉnh giáp ranh như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, hay xa hơn là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, thậm chí tại các tỉnh miền Trung để săn quỹ đất triển khai dự án.

Trong đó, ở thị trường giáp ranh TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, các doanh nghiệp lựa chọn phát triển phân khúc căn hộ và nhận được sự quan tâm lớn của người mua nhà để ở và cả nhà đầu tư.

Chẳng hạn, tại Bình Dương, Công ty Phú Đông Group phát triển Dự án Phú Đông Premier, tọa lạc tại mặt tiền đường Lê Trọng Tấn, phường An Bình, thị xã Dĩ An (Bình Dương). Dự án có tổng số 657 căn hộ, nhưng trong ngày đầu tiên công bố, đã có đến hơn 800 khách hàng muốn mua. Tại đợt chào bán vào tháng 7/2018, hơn 400 căn hộ của dự án đã được đặt mua hết chỉ sau một buổi sáng và hiện tại, các giao dịch chủ yếu diễn ra trên thị trường thứ cấp và giá đã tăng mạnh so với giá chủ đầu tư đưa ra.

Nhiều dự án chung cư vùng ven TP.HCM đang gấp rút thi công để kịp tiến độ bàn giao cho khách hàng. Ảnh: Việt Dũng

Nhiều dự án chung cư vùng ven TP.HCM đang gấp rút thi công để kịp tiến độ bàn giao cho khách hàng. Ảnh: Việt Dũng

Cụ thể, một căn hộ có diện tích 66 m2 tại tầng 11 có 2 phòng ngủ và 2 wc, hiện đang được chủ nhà rao bán với giá 1,7 tỷ đồng, tăng khoảng 200 triệu đồng so với giá ban đầu của chủ đầu tư.

Hay tại Dự án Bcons Suối Tiên, nằm đối diện Khu du lịch văn hóa Suối Tiên (quận 9, TP.HCM) do Công ty cổ phần Địa ốc Bcons làm chủ đầu tư. Dự án có tổng diện tích sàn xây dựng 49.930 m2, khối căn hộ Bcons Suối Tiên gồm 2 đơn nguyên cao 20 tầng nổi và 2 tầng hầm với khoảng 656 căn hộ, diện tích 35,02 - 57,80 m2/căn (1 - 3 phòng ngủ). Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, hiện giá của căn 1 phòng ngủ đang được rao bán 1 tỷ đồng, còn căn 2 phòng ngủ là 1,3 tỷ đồng, tăng 200 triệu đồng so với cách đây 6 tháng.

Nằm cách Dự án Bcons Suối Tiên khoảng 100 m là Dự án Bcons miền Đông, cũng do Bcons làm chủ đầu tư. Dự án này đang trong quá trình hoàn thiện móng, nhưng cũng được đông đảo khách hàng quan tâm, săn đón.

Xem chi tiết tại đây.

Vì sao loại hình bất động sản shophouse lại được giới đầu tư săn đón?

Thống kê của CBRE cho thấy, hiện giá chào thuê bình quân của shophouse ở Tp.HCM dao động từ 10-30 USD/m2/tháng, giá chào bán đạt từ khoảng 2.700 - 4.000 USD/m2. Mức lợi nhuận từ việc cho thuê shophouse đạt khoảng 8 - 12%/năm. So với đầu tư căn hộ chung cư hay gửi ngân hàng, sản phẩm này tạo ra hiệu suất dòng tiền cao hơn, còn so với vàng hay chứng khoán thì ít rủi ro hơn.

Trong báo cáo quý 1/2019, đơn vị này cũng chỉ ra, do ảnh hưởng từ việc cấp phép các dự án mới trên địa bàn Tp.HCM trong bối cảnh quỹ đất không còn dồi dào, các chủ đầu tư cũng tập trung vào các loại hình sản phẩm đi theo xu hướng đa dạng công năng và có giá trị cao đặc biệt là nhà phố thương mại. Trong quý nhà phố thương mại chiếm 34% tổng nguồn cung mới và tiếp tục có giá chào bán rất cao, đơn cử như dự án CityLand Park Hills (Quận Gò Vấp) chào bán sản phẩm này ở mức 10.670 USD/m2 đất.

Trong đó, tỉ lệ hấp thụ của các dự án chào bán mới trong quý 1/2019 đạt mức tốt. Theo CBRE, 84% tổng số căn chào bán trong quý 1/2019 được tiêu thụ thành công và có dự án đã tiêu thụ hết rổ hàng ngay trong đợt mở bán đầu tiên. Tính chung cho toàn thị trường, tỷ lệ bán lũy kế đã gia tăng đáng kể lên mức gần 96% trong quý 1/2019. Lượng hàng tồn sụt giảm mạnh trong khi nguồn cung mới chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu đã đẩy giá bán thứ cấp tiếp tục tăng.

Theo ghi nhận, riêng phân khúc shophouse, thị trường sơ cấp thiếu hụt nguồn cung mới sẽ đưa tỷ lệ bán luôn đạt mức cao (trên 80%) và giá mở bán dự đoán sẽ tăng trung bình 4%-5% sau mỗi giai đoạn.

Dự báo của các chuyên gia, năm 2019, thị trường shophouse vẫn sẽ tiếp tục hấp dẫn các NĐT khi biên độ sinh lời không ngừng tăng bởi sự lệch pha của cán cân cung cầu tạo ra động lực phát triển.

Xem chi tiết tại đây.

Sau hàng loạt sai phạm, Tổng Giám đốc Sargi Lê Tấn Hùng bị đình chỉ công tác

Chiều ngày 12/6, UBND TP.HCM đã tổ chức buổi công bố quyết định đình chỉ công tác tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH một thành viên (SAGRI) đối với ông Lê Tấn Hùng.

Quyết định trên được thực hiện chỉ đạo của Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM. Trong quyết định do Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm ký nêu rõ:

"Đình chỉ công tác đối với ông Lê Tấn Hùng, thành viên không chuyên trách Hội đồng thành viên, tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH một thành viên, đã có các sai phạm được Thanh tra TP, Kiểm toán Nhà nước và Chủ tịch UBND TP kết luận đã thể hiện vi phạm pháp luật kéo dài, thiếu trách nhiệm khắc phục hậu quả, không đủ phẩm chất để tiếp tục lãnh đạo, điều hành Tổng công ty".

Ngoài ra, Sở Nội vụ TP.HCM sẽ sớm báo cáo Thường trực UBND thành phố và đề xuất phương án nhân sự mới cho Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn trong thời gian sớm nhất.

Ông Lê Tấn Hùng, Tổng Giám đốc Sargi bị đình chỉ công tác.

Ông Lê Tấn Hùng, Tổng Giám đốc Sargi bị đình chỉ công tác.

Trước đó, tháng 1/2019, UBND TP.HCM đã thi hành kỷ luật đối với ông Lê Tấn Hùng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn bằng hình thức cảnh cáo. Đến ngày 31/5/2019, ông Lê Tấn Hùng tiếp tục bị đề xuất kỷ luật thêm vì 18 sai phạm liên quan tại Sargi.

Trong đó, đặc biệt là sai phạm cho thuê đất, hợp tác đầu tư chưa có ý kiến của cơ quan thẩm quyền, đầu tư kinh doanh trên đất ngoài ngành (sử dụng sai 1.900ha đất). Được biết, ông Lê Tấn Hùng là em trai của ông Lê Thanh Hải (nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM).

Cùng với đó, ông Lê Tấn Hùng cùng kế toán trưởng công ty đã ký và chi khống hơn 13 tỷ đồng cho hàng chục cán bộ, người lao động thuộc công ty đi học tập nước ngoài.

Xem chi tiết tại đây.

Doanh nghiệp địa ốc chạy đua phát hành trái phiếu

Tín hiệu hạn chế dòng tiền chảy vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro trong đó có bất động sản đã thúc đẩy các doanh nghiệp trong ngành thay đổi cách tiếp cận nguồn vốn. Và một trong những những giải pháp chính là kênh huy động vốn thông qua trái phiếu.

Chẳng hạn như trường hợp của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển bất động sản Phát Đạt. Từ đầu năm 2019 đến nay, doanh nghiệp này đã trải qua bốn lần phát hành trái phiếu để huy động vốn cho các dự án.

Gần đây nhất, HĐQT Công ty Phát Đạt đã thông qua việc phát hành 150 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi nhằm huy động vốn cho dự án. Trái phiếu có kỳ hạn 1 năm kể từ ngày phát hành với lãi suất 14%/năm.

Trước đó, Phát Đạt đã có ba lần phát hành trái phiếu với lãi suất các kỳ phát hành lần lượt là 14,45%, 12% và 10,5%. Sau ba đợt phát hành, Phát Đạt thu về gần 850 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền cũng phát hành 450 tỷ đồng trái phiếu cho nhà đầu tư Vietnam Debt Fund SPC - quỹ thành viên thuộc Dragon Capital. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không tài sản bảo đảm, có kỳ hạn 2 năm với lãi suất 12%/năm.

Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú (VPI) cũng phát hành 800 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn từ 9/5/2019 - 9/12/2021, lãi suất áp dụng cho kỳ tính lãi đầu tiên 12%/năm, các kỳ sau lãi suất bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng của VPBank cộng biên độ 4,3%.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top