Aa

Ngăn ngừa rủi ro cho tài chính vi mô

Chủ Nhật, 06/10/2019 - 16:53

Theo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN), mặc dù đến thời điểm hiện nay, hoạt động của nhóm các tổ chức tài chính vi mô (TCVM) khá ổn định và hiệu quả.

Tỷ lệ nợ xấu trung bình của nhóm TCTD này chỉ ở mức 0,33% trên tổng số hơn 1.560 tỷ đồng dư nợ cho vay, chênh lệch thu nhập trên chi phí khá cao, ở mức gần 136% (đến cuối 2018).

Tuy nhiên, riêng về góc độ quản trị rủi ro và giám sát sử dụng vốn, hầu hết các tổ chức TCVM vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Theo đó, nhiều tổ chức TCVM chưa tiến hành phân loại nợ, chưa có việc giám sát vốn vay sau khi giải ngân. 

Việc xác định thu nhập của khách hàng cũng chưa chính xác. Hầu hết các chương trình, dự án TCVM chưa ban hành những văn bản liên quan đến hoạt động kiểm soát nội bộ, trích lập dự phòng mất vốn và ban hành các quy định về quản lý rủi ro…

Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, giám sát các tổ chức TCVM ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, bà Lê Thanh Tâm, chuyên gia Tài chính toàn diện của ADB cho rằng, hầu hết các nước đều thống nhất phân loại quản lý các tổ chức TCVM theo 2 nhóm cơ bản là nhóm có huy động tiết kiệm tự nguyện từ dân cư và nhóm không huy động tiết kiệm tự nguyện.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, ở nhóm các tổ chức TCVM có huy động tiết kiệm từ dân cư, tại các quốc gia như Philipines, Paskistan, Bangladesh, Bolivia và một số nước châu Âu, thường áp dụng các chuẩn mực tiêu biểu như: Basel (năm 2010), CGRAP, CAMELS, PEARLS… hoặc áp dụng một số tiêu chuẩn xếp hạng như: Girafe Rating System, MicroRate…

Để áp dụng những chuẩn mực trên, tất cả các tổ chức TCVM có huy động tiết kiệm tự nguyện từ dân cư đều bắt buộc phải chính thức hóa, do ngân hàng trung ương quản lý và phải đảm bảo các quy định bảo vệ người gửi tiền, bảo vệ rủi ro lan truyền ảnh hưởng xấu đến hệ thống tài chính khi có sự đổ vỡ.

Theo bà Tâm, thông lệ ở nhiều quốc gia đều chia thành 2 nhóm nhỏ để quản lý là nhóm có huy động tiết kiệm tự nguyện từ thành viên và nhóm không huy động tiết kiệm. Đối với nhóm thứ nhất, mặc dù không cần phải chính thức hóa nhưng phải đăng ký hoạt động theo mô hình hợp tác xã tài chính và chịu sự giám sát, quản lý của cơ quan phụ trách về hợp tác xã tài chính để phòng ngừa rủi ro. Đối với nhóm thứ hai thì Bộ Tài chính và cơ quan liên quan đến bảo vệ khách hàng có thể phối hợp quản lý.

Tại Việt Nam, theo bà Tâm, hiện nay ngoài Luật Các TCTD 2010, hoạt động của các tổ chức TCVM thực hiện theo Quyết định 33/2015 của NHNN về đảm bảo an toàn vốn và tỷ lệ khả năng chi trả. 

Ngoài ra, từ năm 2017 các tổ chức TCVM cũng được quản lý, giám sát theo Quyết định số 20/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy về pháp lý đối với nhóm tổ chức TCVM chính thức khá đầy đủ và được NHNN hoàn thiện và cập nhật liên tục.

Để tiếp tục khuôn khổ hóa, quản lý chặt chẽ và hiệu quả hoạt động của các tổ chức TCVM, đại diện Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cho biết, bắt đầu tổng hợp những kiến nghị từ các bộ, ngành, địa phương để soạn thảo quyết định bổ sung, thay thế Quyết định 20/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Quan điểm chung của ban soạn thảo văn bản pháp lý này là tổng hợp các thông lệ quốc tế để chia nhóm các tổ chức TCVM.

Cụ thể, đối với nhóm các tổ chức TCVM có huy động tiết kiệm tự nguyện từ dân cư thì sẽ bắt buộc phải chuyển đổi mô hình hoạt động, bắt buộc đáp ứng đầy đủ các quy định về bộ máy quản trị điều hành, phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, tuân thủ các tỷ lệ bảo đảm an toàn, tham gia đóng phí bảo hiểm tiền gửi… và chịu sự thanh tra, giám sát chặt chẽ và toàn diện của NHNN.

Đối với nhóm có huy động tiết kiệm tự nguyện từ thành viên nhưng không có nhu cầu hoặc không có đủ khả năng chuyển đổi thành tổ chức TCVM sẽ cho phép thời hạn chuyển tiếp để giảm dần số dư tiền gửi tiết kiệm tự nguyện, đảm bảo sau thời gian chuyển tiếp, chương trình dự án không còn số dư tiết kiệm tự nguyện.

Đối với các chương trình, dự án TCVM đã hoạt động nhưng không huy động tiết kiệm tự nguyện và các chương trình, dự án đăng ký mới sẽ không cho phép huy động tiền gửi tiết kiệm tự nguyện nhưng tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục đăng ký hoạt động để mở rộng khả năng cung ứng TCVM đến cộng đồng.

Theo NHNN, dự kiến trong thời gian sớm nhất dự thảo quyết định thay thế Quyết định 20/2017 có thể được Bộ Tư pháp thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ, và văn bản này có thể được ban hành vào tháng 7/2020. 

Như vậy có thể thấy, lộ trình phân loại, quản lý, giám sát hoạt động của các tổ chức TCVM tại Việt Nam đang ngày càng tiệm cận với các thông lệ quốc tế, và mức độ phòng ngừa rủi ro đối với nhóm TCTD này cũng đang ngày càng được quan tâm, luật hóa chặt chẽ và cụ thể nhằm hạn chế các nguy cơ đổ vỡ, ảnh hưởng chung đến toàn hệ thống TCTD của quốc gia.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top