Aa

Ngành GTVT được phép cổ phần hóa hạ tầng để "gọi" 790.000 tỷ đồng vốn

Thứ Sáu, 17/03/2017 - 19:01

Tại buổi làm việc với Bộ GTVT ngày 16/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, từ nay đến năm 2020, ngành GTVT thiếu 790.000 tỷ đồng vốn thì các cấp phải tìm nguồn bổ sung, kể cả hình thức như cổ phần hóa, chuyển nhượng hạ tầng.

Thiếu 790.000 tỷ đồng để phát triển GTVT

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ tinh thần là phải tìm mọi biện pháp phát triển ngành GTVT để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Không vì khó khăn về kinh phí mà để vấn đề này tiếp tục là nút thắt.

Thủ tướng chỉ ra một số bất cập đối với ngành như thể chế tồn tại nhiều vướng mắc, gây trở ngại cho phát triển GTVT; chưa giải ngân hết vốn xây dựng cơ bản 2016. Trong chuẩn bị đầu tư còn có nhiều vấn đề, nhất là các dự án BOT.

Một bất cập nữa của ngành là thiếu vốn nghiêm trọng. Nhu cầu vốn đầu tư trong 5 năm 2016 - 2020 là gần 1 triệu tỷ đồng, nhưng mới đáp ứng được gần 210.000 tỷ đồng.

Theo Thủ tướng, còn nhiều tồn tại trong thực tiễn mà chưa giải quyết được như quy trình công - tư (PPP), phát triển đồng bộ GTVT. Thể chế còn vướng mắc nên chưa huy động được vốn xã hội. Trong khi đó đã có nhà đầu tư tâm huyết, rất muốn làm, nhưng vì thể chế khiến họ nản lòng.

Gọi vốn cho GTVT: Nguồn vốn ít ỏi thì Nhà nước làm vốn mồi là chính

Từ những bất cập còn tồn đọng, Thủ tướng đưa ra một số vấn đề cũng là các yêu cầu, định hướng cho Bộ GTVT phát triển thời gian tới.

Cần phải dựa vào nhân dân, nguồn lực xã hội để phát triển GTVT. Vì vậy, xã hội hóa nguồn lực ở mọi khâu, bằng mọi cách. Nhà nước chỉ có thể làm vốn mồi, hỗ trợ, tạo cơ chế, thể chế, điều kiện để xã hội hóa cơ sở hạ tầng GTVT thành công. Thủ tướng cho rằng phải tạo ra một không gian ủng hộ để xã hội hóa, người dân tham gia phát triển GTVT. Đó là "lối ra" cho ngành GTVT ở thời điểm hiện tại, khi mà nguồn vốn Nhà nước bố trí được để phát triển GTVT chỉ mới đáp ứng được gần 1/3 nhu cầu.

Thứ ba là cần phải tháo gỡ mọi thể chế, sửa sớm, bãi bỏ các thể chế cản trở, là rào cản để PPP hay các cách thu hút nguồn vốn khác đi vào Việt Nam, vào ngành GTVT, vào các địa phương. Vì thế, Bộ GTVT phải chủ động đề xuất cơ chế, tìm nguồn và hướng xử lý.

Một mặt tiếp tục thực hiện chiến lược GTVT đã ban hành năm 2013, Nghị quyết 13 của Trung ương về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tận dụng mọi điều kiện để phát triển ở nước ta, quan tâm thúc đẩy vận tải đa phương thức.

Chú trọng bảo đảm an toàn giao thông, không để tai nạn xảy ra trong quá trình phát triển. Đi liền với đó là nâng cao chất lượng công trình giao thông, không để tình trạng gặp phải thời gian qua như “đi đường thì gập ghềnh, lún sụt, một trận mưa mà công trình đã xuống cấp”, để làm sao với định mức, đơn giá đó thì chất lượng giao thông phải tốt hơn.

Về sử dụng vốn Nhà nước. Thủ tướng cho rằng, với nguồn vốn ít ỏi thì nhà nước làm vốn mồi là chính và phải sắp xếp thứ tự ưu tiên để tăng hiệu quả sử dụng. Các cấp, các ngành, địa phương phải tìm nguồn bổ sung trong quá trình điều hành, kể cả hình thức như cổ phần hóa, chuyển nhượng hạ tầng. 

Thủ tướng cũng nhấn mạnh phải nâng cao trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng GTVT, trưởng các đơn vị trong việc quyết định những chủ trương phát triển giao thông. Ngành GTVT cần áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong điều hành bay, trạm thu phí không dừng, vật liệu mới, phương pháp thi công cầu lớn…

Đồng thời cần đẩy mạnh quan hệ quốc tế trong GTVT. Bộ GTVT chủ trì, chủ động xây dựng cơ chế đặc thù, trình Thủ tướng một số cơ chế đường cao tốc, PPP, thể chế điều hành một số công việc có liên quan mà Bộ chủ trì. Tìm nguồn lực để thu hút ODA vào đầu tư phát triển là hướng đi cần thiết.

Tại buổi làm việc này, Thủ tướng cũng “điểm tên” các thể chế cần chỉnh sửa để tháo gỡ vướng mắc cho phát triển GTVT. Thủ tướng giao các bộ, ngành hoàn thành việc sửa một số Nghị định trong tháng 4/2017, trong đó có Nghị định 108, Nghị định 136, Nghị định 59, nhất là Nghị định 15 và 30, với quy định về PPP.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top