Aa

Nghi án cổ phiếu CCL đang bị thao túng?

Thứ Năm, 31/10/2019 - 09:06

Chào sàn với giá 27.500 đồng/CP, chỉ trong một thời gian cổ phiếu CCL đã tụt đáy xuống khoảng 2.500 đồng/CP, rồi lại tăng vọt lên 10.500 đồng/CP. Một số nhà đầu tư cho rằng, cổ phiếu CCL đang bị thao túng và làm giá.

Cổ phiếu CCL và bài học từ FTM

Phản ánh tới Reatimes, một số nhà đầu tư chứng khoán cho biết, thời gian qua họ đang bị thiệt hại nặng nề do đầu tư vào cổ phiếu CCL của Công ty Cổ phần Đô thị và phát triển dầu khí Cửu Long và đặt nghi vấn cổ phiếu này đang bị làm giá.

Theo đó, trong các năm 2011, 2012, 2014, 2016, 2017 và 2019, giá cổ phiếu CCL có nhiều biểu hiện bất thường khi liên tục tăng trần và giảm sàn.

Trong lịch sử giao dịch của cổ phiếu CCL, vào tháng 3/2011, khi bắt đầu được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), cổ phiếu này có giá 27.500 đồng/CP vào phiên giao dịch đầu tiên. Tuy nhiên, đến ngày giữa tháng 12/2011 giá cổ phiếu CCL liên tục giảm về vùng giá 7.000 đồng/CP (thị giá mất đi khoảng 500%).

Sau khi ghìm giá xuống vùng đáy, đến tháng 1/2012 giá cổ phiếu CCL lại tăng chạm ngưỡng khoảng 15.000 đồng/CP. Rồi sau đó cổ phiếu CCL rơi tự do vào tháng 12/2012 xuống chỉ còn 3.000/CP.

Lịch sử giao dịch của cổ phiếu CCL, khi kịch trần khi xuống đáy

Tiếp đến vào đầu năm 2014, khi cổ phiếu CCL đang chạm mức đáy là dưới 3.000 đồng/CP. Đột ngột, tháng 3/2014, giá cổ phiếu CCL đã tăng giá và đã lên khoảng 8.000 đồng/CP (tăng tương đương 250%), rồi lại rớt thảm hại vào 5/2014 xuống còn 3.400/CP. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian rất nhắn, thêm một lần cổ phiếu CCL lại tụt xuống đáy vào tháng 9/2015 với giá khoảng 2.500 đồng/CP.

Sau đó, liên tục vào các năm 2016, 2017, thị trường chứng khoán lại chứng kiến giá cổ phiếu CCL “bay nhảy” bất thường. Thời điểm tháng 5/2017, khi giá cổ phiếu CCL đang từ 2.700 đồng/CP được kéo lên 9.800 đồng/CP vào tháng 7/2017 rồi lại xuống còn 3.000 đồng/CP vào tháng 11/2017.

Gần đây nhất, từ đầu năm 2019 đến nay, nhà đầu tư cổ phiếu CCL liên tiếp đón nhận thông tin xấu khi Chi cục thuế Sóc Trăng thông báo cưỡng chế, hủy hóa đơn do chưa thực hiện nghĩa vụ thuế quá 90 ngày đối với Công ty Cửu Long. Cùng với đó, sự việc “đại gia” Trịnh Sướng (cổ đông lớn nắm 10,5% vốn tại Công ty CCL) đã bị khởi tố do liên quan đến đường dây buôn bán xăng dầu giả.

Lúc này, giá cổ phiếu CCL nhiều phiên lao đao và dao động ở mức 3.000 đồng – 4.000 đồng/CP. Điều lạ ở chỗ ngày công bố ông Trịnh Sướng chấm dứt tư cách thành viên HĐQT do vi phạm pháp luật và Chủ tịch HĐQT Nguyễn Triệu Dõng đã thông báo mua số lượng cổ phiếu lớn diễn ra cùng thời điểm.

Ông Nguyễn Triệu Dõng (ở chính giữa) và ông Trịnh Sướng (ngoài cùng bên phải) tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 của PVCL (Ảnh: Báo Nhà đầu tư)

Sau đó, vẫn “bổn cũ soạn lại” cổ phiếu này đang có giá 3.000 đồng/CP vào tháng 4/2019, rồi đột biến tăng lên 10.400 đồng/CP vào tháng 9/2019, và hiện đang nằm tại vùng giá 7.000 đồng/CP vào cuối tháng 10/2019.

Ngoài ra, đối chiếu quá trình từ khi lên sàn đến nay, khối lượng giao dịch của cổ phiếu CCL có những phiên không phát sinh giao dịch và có những phiên giao dịch với khối lượng cao khoảng 2 triệu cổ phiếu/ phiên. 

Cụ thể, khối lượng giao dịch trung bình trong 1 năm gần nhất là 86.910 cổ phiếu/phiên. Có những lúc khối lượng giao dịch trong phiên tăng vọt trung bình khoảnh 500 ngàn cổ phiếu/phiên và lên tới đỉnh điểm khối lượng giao dịch khoảng 2 triệu cổ phiếu được trao tay trong phiên giao dịch trong khoảng thời gian 3 đến 4 tháng. Và chu kỳ phân phối đỉnh bắt đầu, thậm chí có những phiên giá chạm sàn với khối lượng giao dịch khoảng 10 đến 20 ngàn cổ phiếu được khớp giá.

Sự việc cổ phiếu CCL tăng giảm một cách bất thường khiến cho nhiều người liên tưởng về cú sốc cổ phiếu FTM.

Khi vừa qua, các công ty chứng khoán và nhà đầu tư thị trường chứng khoán tại Việt Nam đã trải qua một cú sốc về thua lỗ tài chính nặng nề khi giá cổ phiếu FTM của Công ty Đức Quân đang có giá khoảng 24.000 đồng/CP trải qua 30 phiên giảm sàn liên tiếp xuống giá chỉ còn 2.600 đồng/CP.

Cần làm rõ dấu hiệu "làm giá" cổ phiếu CCL

Theo nhà đầu tư Nguyễn Văn Khánh, cổ phiếu CCL nhiều phen lên đỉnh rồi xuống đáy như vậy chắc chắn đứng đằng sau đó là “đội lái” đã bắt tay nhau bơm thổi giá, gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Bởi, chu kỳ làm giá cổ phiếu thường được kết hợp cùng với một số yếu tố tích cực trong hoạt động kinh doanh sau khi có báo cáo tài chính theo quý hoặc năm, đồng thời các nhóm lợi ích trong và ngoài công ty cùng nhau bắt tay thoả thuận mua vào với khối lượng lớn và ra hàng ở mức giá đã được thống nhất trước đó.

Ví dụ, trong năm 2017 đội lái đã kéo từ mức giá khoảng 3.000 đ/cổ phiếu lên tới 8.500 đồng/ cổ phiếu (tăng khoảng 250%) sau đó rớt giá về vùng giá cũ, bỏ mặc nhà đầu tư trên vùng giá đỉnh. Hiện tượng này cũng được lặp lại trong năm 2019 từ Đầu tháng 4 đến tháng 9, từ giá khoang 3.000 đồng lên tới 10.500 đồng/cổ phiếu. Và Giá hiện tại anh cũng thấy khoảng 6.500 đồng/cổ phiếu. Biểu hiện của CCL và FTM có dấu hiệu và đường đi của giá bất thường là giống nhau.

Được thành lập vào năm 2007 với số vốn điều lệ là 250 tỷ đồng, sau đó mở rộng quy mô và niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán vào năm 2011 với giá chào sàn là 27.500 đồng/cổ phiếu, với khối lượng cổ phiếu lưu hành là 25 triệu cổ phiếu.

Trụ sở Công ty Cổ phần Đô thị và phát triển dầu khí Cửu Long tại Sóc Trăng.

Trả lời PV Reatimes về sự việc này, luật sư Lê Đức Thắng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, Ủy ban Chứng khoán cần vào cuộc làm rõ thông tin trên.

“Trên các sàn chứng khoán hiện nay, nhiều nhóm lợi ích kinh tế đã sử dụng công cụ tài chính để lách luật, xây dựng các báo cáo tài chính phản ánh chưa phù hợp bản chất nhằm thao túng giá trị của cổ phiếu.

Đối với việc những cổ phiếu có dấu hiệu bị làm giá, cần kiến nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các cơ quan hữu quan có trách nhiệm có nên vào cuộc điều tra hoặc sử dụng các biện pháp ngăn chặn để bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư tránh vết xe đổ như cổ phiếu FTM gây thiệt hại các công ty chứng khoán, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư chứng khoán tại Việt Nam.

Cùng với đó, làm trong sạch hoạt động kinh doanh tài chính thị trường chứng khoán – là hàn thử biểu cho nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đang được MSCI đánh giá rất tích cực trong xếp hạng thị trường cận biên”, Luật sư Thắng khẳng định.

PVCL là công ty như thế nào? Có liên quan gì đến "đại gia" xăng dầu Trịnh Sướng mới bị khởi tố? Reatimes sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc./.

Bộ luật Hình sự năm 2015 được Quốc hội ban hành quy định.

Điều 211. Tội thao túng thị trường chứng khoán

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;

b) Thông đồng với người khác đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo;

c) Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường;

d) Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán;

đ) Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó;

e) Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên;

c) Gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3.000.000.000 đồng trở lên;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top