Aa

Nghi án nhận lãi suất ngoài ở đại án Hà Văn Thắm: Cần khẩn trương làm rõ trách nhiệm pháp lý, xử lý kỷ luật ông Từ Thành Nghĩa

Thứ Hai, 30/04/2018 - 14:02

Đã hơn 8 tháng trôi qua kể từ ngày Cơ quan CSĐT C46 Bộ Công an khởi tố 3 vụ án hình sự lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (VSP), Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP). Riêng tại VSP, số tiền nhận lãi suất ngoài theo cơ quan điều tra lên tới hơn 24,27 tỷ đồng đến nay vẫn chưa làm rõ được số phận pháp lý của các lãnh đạo, trong đó có Tổng Giám đốc Từ Thành Nghĩa.

Cơ quan điều tra cáo buộc gì về Vietsovpetro?

Cơ quan Cảnh sát điều tra điều tra xác định: Thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Hà Văn Thắm về việc chi trả lãi ngoài huy động vốn cho khách hàng gửi tiền trên toàn hệ thống Oceanbank; trong thời gian từ năm 2010 đến ngày 31/11/2014, tổng số tiền Oceanbank đã chi trả lãi ngoài cho các khách hàng gửi tiền là 1.576 tỷ đồng, trong đó chi cho Vietsovpetro số tiền 24,27 tỷ đồng, Lọc dầu Bình Sơn (19,36 tỷ đồng).

Theo C46, việc nhận, sử dụng các khoản tiền ngoài lãi suất tại Vietsovpetro, Lọc dầu Bình Sơn, PVEP là hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu thỏa thuận, móc ngoặc giữa lãnh đạo các công ty với lãnh đạo Oceanbank trong việc đưa, nhận tiền và để ngoài sổ sách kế toán nhằm chiếm đoạt, phạm vào tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo Điều 280 - Bộ luật Hình sự.

Các bị cáo đã khai gì về ông Từ Thành Nghĩa?

Từ năm 2017 đến nay, đại án Hà Văn Thắm đã qua nhiều lần xét xử song nhiều lần các bị cáo Nguyễn Xuân Sơn – cựu TGĐ và Nguyễn Minh Thu – cựu Phó TGĐ Oceanbank cũng như những người liên quan đã nhắc đến ông Từ Thành Nghĩa trong sự việc. 

Ông Từ Thành Nghĩa

Ông Từ Thành Nghĩa, Tổng Giám đốc Liên doanh Dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro)

Tại phiên sơ thẩm vào tháng 9-2017, HĐXX hỏi, người đại diện có nghe lời khai của các bị cáo trong quá trình xét xử. Khoản tiền làm rõ nhất là do Nguyễn Xuân Thắng (em họ của Nguyễn Xuân Sơn) chuyển 100.000 USD cho bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết – đại diện của Vietsovpetro ở Hà Nội?.

Người đại diện vẫn khẳng định rằng Vietsovpetro không nhận tiền lãi ngoài. Trước câu trả lời, chủ tọa yêu cầu Nguyễn Xuân Sơn đứng lên chất vấn. Sơn khai có đưa tiền chi lãi ngoài cho Vietsovpetro. Trong quá trình làm việc tại Oceanbank, bị cáo có đến quan hệ với một số khách hàng. Bị cáo gặp đưa quà và tiền cho Kế toán trưởng của Vietsovpetro là Võ Quang Huy. Ngoài ra cũng đưa tiền cho Tổng giám đốc Vietsovpetro Nguyễn Hữu Tuyến.Tổng số tiền cụ thể bị cáo không nhớ cụ thể. Mỗi lần đến đưa 10.000 – 20.000 USD hoặc 200 -300 triệu đồng.Theo Sơn, bị cáo đưa khoảng 10 lần. 

 Nguyễn Minh Thu cũng là người thay Nguyễn Xuân Sơn đưa tiền lãi ngoài cho Vietsovpetro. Thu khai, mỗi lần bị cáo vào “chăm sóc” Vietsovpetro đều thông báo để Nguyễn Thị Kiều Liên – cựu Chi nhánh Vũng Tàu của Oceanbank liên lạc trước. Việc chi lãi ngoài cho Vietsovpetro được Hà Văn Thắm phê duyệt dựa trên số dư tài khoản của Vietsovpetro. Thu đưa tiền theo tỉ lệ, kế toán trưởng 70%, còn Tổng giám đốc là 30%. Việc thoản thuận với kế toán trưởng về tỉ lệ chi lãi ngoài bằng miệng, không có hợp đồng.  Bị cáo Thu xác định đưa tiền lãi ngoài cho các anh Võ Quang Huy và Nguyễn Hữu Tuyến. Sau ông Tuyến nghỉ hưu thì bị cáo đưa cho ông Từ Thành Nghĩa.

Tại phiên tòa ngày 1-9-2017, HĐXX thẩm vấn ông Võ Quang Huy, Kế toán trưởng VSP, ông Huy thừa nhận, Vietsovpetro có quan hệ gửi tiền tại Oceanbank. Số tiền gửi cả tiền USD và VND, thời điểm cao nhất là 100 triệu USD, tiền VND khoảng 1000 tỷ đồng. Song ông Huy khai không nhận khoản tiền chi lãi ngoài nào. Ông Huy cũng bác bỏ việc các bị cáo và đã khai đã chi lãi ngoài cho ông.

Còn ông Nguyễn Hữu Tuyến – nguyên Tổng giám đốc Vietsovpetro thời kỳ từ 3/2009 cho đến khi nghỉ hưu (1/7/2013), cũng khai không nhận bất kỳ khoản tiền nào.

Ông Từ Thành Nghĩa thời điểm được bổ nhiệm Tổng giám đốc

Ông Từ Thành Nghĩa thời điểm được bổ nhiệm Tổng giám đốc vào năm 2013

Khi tòa thẩm vấn ông Từ Thành Nghĩa - Tổng giám đốc Vietsovpetro, ông Nghĩa cho biết,  từ 7/2013 ông làm TGĐ Vietsovpetro và thừa nhận cũng hay ra Hà Nội họp và có gặp lãnh đạo và nhân viên của ngân hàng. Tòa hỏi: “”Có khi nào nhân viên của Oceanbank tại Vietsovpetro không?”. “HÌnh như là đầu năm 2014” – ông Nghĩa trả lời. “Một lần thôi, đúng vậy không?”.”Chắc là thế” – ông Nghĩa trả lời.

Tại phiên tòa cùng ngày, Nguyễn Xuân Sơn được tòa nhắc lại lời khai nhiều lần đến Vietsovpetro lên tận phòng làm việc giao lưu với cán bọ Vietsovpetro và chuyển tiền chi chăm sóc khách hàng cho lãnh đạo Vietsovpetro và yêu cầu bị cáo khai lại.

Bị cáo Sơn khai rõ là trong quá trình bị cáo làm TGĐ Oceanbank, nhiều lần đến Vietsovpetro gặp anh Huy và anh Tuyến tặng quà của ngân hàng. Trong khi đi có đi cùng lãnh đạo chi nhánh đi cùng, tặng quà cũng không nói là chi lãi ngoài, trong những dịp lễ Tết, 2 năm khoảng 8-10 lần. Chỉ tặng quà cho anh Huy và anh Tuyến. Có lần 10-20 nghìn USD hoặc 200-300 triệu đồng. Tòa đã hỏi 8-10 lần thì chi ít nhất khoảng 3 tỷ và được ông Sơn xác nhận.  Đồng thời cho biết chủ yếu đưa cho ông Võ Quang Huy.

Bị cáo Nguyễn Minh Thu khai mỗi năm đến Vietsovpetro và cùng GĐ CN Vũng Tàu, định kỳ khoảng 4 lần/năm.Đối với TGĐ, có quà cám ơn của ngân hàng. Còn đối với Kế toán trưởng, bị cáo có trao đổi anh Huy, ngân hàng có chính sách chăm sóc khách hàng như vậy với tỷ lệ Chủ tịch NH phê duyệt. Tỷ lệ 70:30 trên số tiền được Chủ tịch Thắm chi chăm sóc khách hàng là thật nhưng không phải thỏa thuận. Bị cáo đến thăm khách hàng lớn như Vietsovpetro, thực hiện việc chăm sóc khách hàng, vài sự kiện tổ chức tại Vũng Tàu, bị cáo cũng ghé qua.

Tòa hỏi: “Trong những lần bị cáo đến, bao nhiêu lần bị cáo gặp trực tiếp TGĐ Từ Thành Nghĩa?”. Bị cáo Thu khai,’’không nhớ rõ, từ 2-3 lần. Anh Nghĩa làm TGĐ từ đầu năm 2013, anh Nghĩa rất bận nên phải đến trước tết năm 2014 bị cáo mới gặp được”.

Bị cáo Thu còn khai đã đưa cho lãnh đạo Vietsovpetro, tổng cộng khoảng 22,7 tỷ đổng, trong đó kế toán trưởng nhận từ 15-16 tỷ, còn lại là Tổng giám đốc nhận. Sở dĩ bị cáo lại nhớ được chính  xác như vậy vì các số liệu đã cung cấp cho cơ quan điều tra, các này đều có xác nhận.

Tuy nhiên, khi t gọi ông Từ Thành Nghĩa, ông Nghĩa chỉ nói ngắn gọn: Có gặp Nguyễn Minh Thu nhưng chỉ chào hỏi xã giao vài phút và khẳng định chỉ gặp một lần, không nhận bất cứ tiền hay vật chất gì.

Trách nhiệm pháp lý của ông Từ Thành Nghĩa ra sao?

Mặc dù ông Võ Quang Huy và ông Từ Thành Nghĩa đều phủ nhận mọi cáo buộc nhưng theo Tiến sỹ, luật sư Lê Văn Thiệp- Trưởng văn phòng luật sư Toàn Cầu, Đoàn luật sư Hà Nội khi trả lời báo chí thì nếu làm nghiêm, làm đến cùng, số phận pháp lý của các ông: Từ Thành Nghĩa- Tổng Giám đốc Liên doanh Dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro); ông Nguyễn Hữu Tuyến- cựu Tổng Giám đốc Vietsovpetro, Võ Quang Huy Kế toán trưởng Vietsovpetro là rất mong manh. Có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý về tội danh Nhận hối lộ theo quy định tại Điều 279 Bộ luật Hình sự.

• Ông Từ Thành Nghĩa (phải) và ông Võ Quang Huy

Ông Võ Quang Huy (trái) và ông Từ Thành Nghĩa (phải)

Các yếu tố như: Quyền, chức vụ, thực tế Vietsovpetro là khách hàng gửi số lượng tiền rất lớn tại OceanBank, có nhận lãi theo quy định. Hơn nữa việc chi lãi ngoài “chăm sóc khách hàng” của OceanBank là hệ thống xuyên suốt thì việc chi lãi ngoài chăm sóc khách hàng cho lãnh đạo Vietsovpetro là hoàn toàn chứng minh được.

“Từ các lời khai đồng nhất và chứng cứ về hệ thống cơ quan bảo vệ pháp luật hoàn toàn có thể xem xét xử lý trách nhiệm pháp lý của những người trên”- luật sư Thiệp nói.

Tội nhận hối lộ được cấu thành do lỗi của người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào. Tội nhận hối lộ thuộc tội phạm về tham nhũng.

Ở đây, cần nhớ một chi tiết, trả lời HĐXX, bị cáo Hà Văn Thắm và bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đều khẳng định, việc chi lãi suất ngoài cho khách hàng Vietsovpetro là chủ trương của họ và thực tế đã chi thường xuyên trong nhiều năm, từ khi ông Tuyến là Tổng Giám đốc, sau này ông Nghĩa là Tổng Giám đốc và cả hai đời Tổng Giám đốc này thì ông Huy đều giữ vai trò Kế toán trưởng.

Như vậy, với vụ án này, đến nay cơ quan CSĐT đã khởi tố hơn 8 tháng nhưng chưa khởi tố được bị can nào cũng là một câu hỏi cần phải sớm làm sáng tỏ. Trong đó, cần phải tiếp tục điều tra cụ thể, cặn kẽ những lời khác của các đối tượng liên quan, xác định rõ trách nhiệm của ông Võ Quang Huy và ông Từ Thành Nghĩa.

Có thể xử lý kỷ luật trước khi có kết luận điều tra

Riêng đối với ông Từ Thành Nghĩa, dù chưa có kết luận điều tra, nhưng nếu xét về trách nhiệm người đứng đầu, không thể không chịu trách nhiệm cho dù người nhận lãi suất ngoài là ai. Riêng vụ án tại VSP cũng rất cần cơ quan điều tra sớm làm rõ vì đây là đơn vị liên doanh quốc tế, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Việt Nam trong kinh tế đối ngoại, vụ việc chậm làm rõ có thể ảnh hưởng đến tính minh bạch của Việt Nam khi liên doanh với các đối tác nước ngoài.

Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức ngày 27/4/2018 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh, cần sớm kết thúc điều tra, xử lý giai đoạn II các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, trong đó có vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm. Tổng Bí thư cho rằng, tiến độ điều tra một số vụ vẫn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, về mặt chủ quan, cũng cần xem đã hết lòng hết sức chưa, còn chỗ nào vương vấn nữa không? Yêu cầu chung là cần phải làm nghiêm minh, cố gắng đúng tiến độ, trừ trường hợp bất khả kháng... Vì vậy, tại vụ án này, rất cần sớm điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh sự việc.

Mặt khác, theo quy định của Nghị định số 107/2006/NĐ-CP, Nghị định 211/2013/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một điều tại Nghị định 107 về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách thì ngoài việc thực hiện theo các nguyên tắc xem xét xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức còn cần phải xác định mức độ chịu trách nhiệm trực tiếp hoặc trách nhiệm liên đới. Điều 7 của Nghị định 211/2013/NĐ-CP về hình thức xử lý kỷ luật nêu rõ: “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, nếu để xảy ra vụ, việc tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách thì tùy theo tính chất, mức độ của vụ, việc sẽ xử lý kỷ luật từ khiển trách đến cách chức.

Khi vụ việc đã bị khởi tố thì Tập đoàn PVN cũng cần làm rõ, xử lý trách nhiệm của ông Từ Thành Nghĩa trên cương vị người đứng đầu, kỷ luật theo trách nhiệm công vụ trước khi có kết luận của cơ quan CSĐT. Ngoài ra, còn có thể xử lý trách nhiệm của ông Tuyến và ông Nghĩa theo Quy định số 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Các ông Nguyễn Hữu Tuyến, Từ Thành Nghĩa đã có dấu hiệu vi phạm Điều 16 và Điều 18 của Quy định 102 với các nội dung: Vi phạm các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, buông lỏng lãnh đạo, quản lý để xảy ra tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, đơn vị, tổ chức do mình trực tiếp phụ trách nhưng không chủ động phát hiện, xử lý và vi phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng làm trái một trong những quy định về quản lý, sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước; về thu lãi, trả lãi, thu lệ phí, hoa hồng, tiền phạt; thiếu trách nhiệm trong kiểm tra hoặc không tiến hành kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay theo quy định...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top