Aa

Nghĩ trong ngày Doanh nhân

Thứ Năm, 13/10/2016 - 14:24

Có người đã nói rằng, để đánh giá là một người là doanh nhân hay “con buôn”, người ta không nhìn vào quy mô, vào tài sản do người ấy tạo dựng nên mà nhìn vào cách kiếm tiền của họ…

1. Cách đây chưa lâu, ngay trong phát biểu nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định quyết tâm về việc tạo lập một Chính phủ kiến tạo và phục vụ, trong đó có cam kết mạnh mẽ về việc tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, thành công tại thị trường trong nước và cả quốc tế.

Mới đây nhất, ngày 11/10, người đứng đầu Chính phủ lại một lần nữa trực tiếp tham lễ phát động phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập – Phát triển”. Tại đây, Thủ tướng tiếp tục đưa ra cam kết thực hiện “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” đối với doanh nghiệp.

Kể vậy để thấy, Đảng – Nhà nước đã và đang có quyết tâm rất cao trong việc hỗ trợ phát triển hệ thống doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân nước nhà.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao cúp Thánh Gióng tặng các doanh nhân tiêu biểu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao cúp Thánh Gióng tặng các doanh nhân tiêu biểu.

Đó là điều vô cùng đúng đắn! Bởi lẽ, không thể phủ nhận những đóng góp to lớn mà giới doanh nhân đã làm cho Đất nước, cho xã hội. Chính họ đã góp công đầu bước chuyển mình lịch sử mang tên Đổi mới. Và ngay cả bây giờ, họ vẫn được coi là nhưng người lính tiên phong trên mặt trận kinh tế.

Không phải là xưng tụng mà cần khẳng định, doanh nhân chính là những người tiên phong trên mặt trận kinh tế. Chưa một quốc gia nào trên thế giới có thể phát triển mà thiếu bóng các doanh nhân.

Ở Việt Nam, hình ảnh người doanh nhân cũng ngày càng được thừa nhận, được tôn trọng và tôn vinh. Chúng ta đang nỗ lực để hình thành một thế hệ doanh nhân mới với khát vọng mới, năng lực mới và văn hóa mới. Với mong muốn họ là những người tiên phong dẫn dắt những con thuyền doanh nghiệp Việt Nam khẳng định vị thế trên sân nhà và từng bước vươn ra biển lớn.

2. Một thế hệ doanh nhân mới, “làm giàu văn minh” bằng tài năng, đạo đức, khát vọng và văn hóa, đó cũng chính là những gì mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc muốn gửi gắm. Trong cuộc gặp gỡ với cộng đồng DN cuối tháng 4 vừa qua, ông đã thẳng thắn cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến hiệu quả kinh doanh của cộng đồng DN Việt Nam còn thấp chính là do thiếu sự đoàn kết, thiếu khả năng kết nối. Thủ tướng cũng đề nghị: DN phải xây dựng được chiến lược hội nhập của mình, xây dựng văn hóa hội nhập, văn hóa doanh nhân, liêm chính trong phát triển. Và trong phát biểu ngày 11/10 vừa rồi, ông nhắc lại: “Chính phủ mong các doanh nhân, doanh nghiệp nỗ lực làm giàu văn minh, phát huy tinh thần doanh nhân, tinh thần sáng tạo, trách nhiệm xã hội để xây dựng Việt Nam ta giàu có, thịnh vượng.” và “Mỗi doanh nghiệp, doanh nhân hãy phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, chung sức đồng lòng, đoàn kết…”.

Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng lại phải nhấn mạnh và gửi gắm thông điệp làm giàu văn minh, trách nhiệm xã hội và tinh thần đoàn kết với đội ngũ doanh nhân Việt?!

Cách đây đúng một năm, cũng trong dịp kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, bên cạnh việc chia sẻ rằng, đây là khó khăn nhất của doanh nghiệp kể từ sau Đổi Mới thì ông cũng đặt một câu hỏi đầy băn khoăn: “dường như hình ảnh doanh nhân đang xấu đi”?!

Nỗi lo của Thủ tướng và sự băn khoan của ông Lộc không phải là thiếu căn cứ nếu nhìn vào thực tế gần đây. Không phủ nhận là chúng ta đã và đang có ngày một nhiều những tấm gương doanh nghiệp, doanh nhân điển hình, thể hiện tốt trách nhiệm xã hội, làm giàu chính đáng; nhưng nhìn vào hàng loạt những vụ việc đại gia “xộ khám”, những nghị sĩ – doanh nhân bị bãi miễn, những “phi vụ” hủy hoại môi trường, làm giàu bất chấp luân lý… thì chúng ta cũng không khỏi buồn lòng.

Dường như, trong giai đoạn thị trường còn đầy sơ khai của Việt Nam hiện nay, chúng ta đã quá dễ dãi cho những người làm kinh doanh và một bộ phận không nhỏ đã “nhanh tay nhanh mắt” kiếm được lợi nhuận lớn, giàu lên nhanh chóng. Họ lấy mục tiêu làm giàu cho bản thân lớn hơn việc làm giàu cho đất nước. Họ dựa vào lợi thế có sẵn (khai thác tài nguyên, chênh lệch địa tô, lao động giá rẻ, chính sách nhiều lỗ hổng…) để làm giàu mà không cần sáng tạo, không cần quan tâm đến khách hàng, đến năng lực cạnh tranh, đến phát triển bền vững…

Và vì thế, người ta nói rằng, Việt Nam chúng ta có một đội ngũ doanh nhân “đông” nhưng “yếu”. Yếu cả về năng lực và đạo đức. Sự phá sản của hàng loạt doanh nghiệp trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay, ngoài lý do khách quan nền kinh tế thì lý do chủ quan chính là việc doanh nhân của ta yếu về chuyên môn, thiếu bản lĩnh và trí tuệ sáng tạo. Hàng loạt hiện tượng sa đọa, làm ăn chộp giật, vi phạm pháp luật bị phát giác gần đây cũng nói cái thiếu về đạo đức.

Một thực tế nữa cũng phải thừa nhận là cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam hoàn toàn không có sự liên kết với nhau. Nhiều người đã ví von, các doanh nghiệp, doanh nhân Việt không chỉ còn yếu lắm về năng lực cạnh tranh với nước ngoài mà còn cả ở sự đoàn kết trong quốc gia, cạnh tranh với nhau rất không lành mạnh. Họ chỉ như những chiếc thuyền thúng nhưng lại đang hăm hở hừng hực khí thế vươn ra biển lớn đầy sóng gió và bão tố.

3. Ông chủ cà phê Trung Nguyên, doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ đã nói một câu rất thú vị rằng: Một đất nước muốn giàu mạnh và phát triển phải biết yêu doanh nhân, và doanh nhân muốn được yêu phải biết nghĩ cho xã hội.

Chưa bàn đến vế thứ nhất của câu nói nói này, chúng ta hãy nói về vế thứ hai, về trách nhiệm doanh nhân. Hãy lấy sự “biết nghĩ cho xã hội” làm cảm xúc con người trong mỗi doanh nhân. Hãy lấy lòng nhiệt thành với con người và cuộc sống quanh ta, để thấy cuộc đời còn có nhiều ý nghĩa hơn các giá trị thuần vật chất. Hãy làm doanh nghiệp để tìm kiếm giá trị hiệu quả, thêm giá trị gia tăng, vun đắp các lợi ích cộng đồng và xã hội; đừng cứ chăm chú vào một mục tiêu duy nhất là lợi nhuận cho mình.

Trong nỗ lực chung ấy, sự nỗ lực tự thân của mỗi doanh nhân là điều kiện tiên quyết, là tối quan trọng. Và trong những “cái mới” cần có để hình thành nên một đội ngũ doanh nhân mới thì yếu tố đạo đức và văn hóa phải đặt lên hàng đầu. Để được xã hội tin tưởng và tôn trọng, thì trước hết người doanh nhân phải biết tôn trọng xã hội và tôn trọng chính mình.

Bản chất của doanh nhân là kiếm tiền. Nhưng nếu như khả năng kiếm tiền là thước đo năng lực thì việc trả lời câu hỏi “kiếm tiền thế nào?” là thước đo văn hóa.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top