Aa

Nghịch lý đô thị thông minh và chiếc khẩu trang

Minh Minh
Minh Minh lienlien.media@gmail.com
Chủ Nhật, 13/10/2019 - 06:30

Đô thị thông minh ở Việt Nam vẫn là giấc mơ vời khi người dân hàng ngày đang phải đối mặt với quá nhiều vấn đề phát sinh: ô nhiễm không khí ở mức báo động, tắc nghẽn giao thông, quy hoạch lộn xộn...

“Thành phố thông minh” không còn là khái niệm hay một xu hướng, mà đã trở thành mục tiêu cụ thể nằm trong Nghị quyết số 52 được Bộ Chính trị ban hành.

Hiện có khoảng 30 tỉnh, thành phố của Việt Nam đang triển khai hoặc khởi động các đề án về đô thị thông minh. Các chuyên gia đánh giá, việc xây dựng đô thị thông minh là đúng, là xu thế tất yếu nhưng phải hiểu cặn kẽ vấn đề để tìm ra hướng đi phù hợp, còn hiện tại chúng ta đang thiếu quy chuẩn chung, mỗi nơi thực hiện theo một hình thức khác nhau dẫn đến việc xây dựng đô thị thông minh vẫn là một bài toán khó. 

Người dân đô thị đang phải đối mặt với một loạt các vấn đề ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày.

Phát biểu tại hội thảo "Xây dựng đô thị thông minh trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia” trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 (Industry 4.0 Summit 2019) do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông - Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh, xây dựng đô thị thông minh là xu hướng tất yếu hiện nay để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ môi trường sống tiện ích, thân thiện và an toàn của người dân trong bối cảnh bùng nổ của các đô thị.

Tuy nhiên, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, việc xây dựng các thành phố thông minh hiện còn gặp rất nhiều khó khăn do hạ tầng kỹ thuật chưa theo kịp đà phát triển của đô thị, dẫn đến những hậu quả như: Tắc nghẽn giao thông, thiếu nước sinh hoạt, ngập úng nước thải, nước mưa, rác thải, ô nhiễm môi trường… Ngoài ra, chi phí triển khai lớn, nguy cơ thiếu hụt nhân lực về công nghệ thông tin cũng là những hạn chế đang cản trở quá trình này.

Ông Đặng Vũ Tuấn, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hà Nội cho biết, TP. Hà Nội là một siêu đô thị với gần 10 triệu dân, 600.000 ô tô và 6 triệu xe máy, nhưng chỉ số hạ tầng thấp, giao thông yếu, nên gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thành phố thông minh. Những vấn đề về các siêu đô thi hiện nay là vấn đề phát triển nóng, quá trình đô thị hóa và tăng dân số cơ học cao… Đặc biệt, vấn đề khó khăn lớn nhất chính là nguồn lực chất xám cao cấp và chi phí.

Phát triển thành phố thông minh được cho một giải pháp để giải quyết các vấn đề đô thị nhưng vẫn là bài toán khó.

Về vấn đề này, KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, Việt Nam cần phải tập trung vào việc thông minh hóa đô thị trước khi nói đến đô thị thông minh: “Tại sao lại là thông minh hóa đô thị? Công tác quản lý về giao thông, quy hoạch đô thị của chúng ta còn rất kém, do đó, cần phải chú trọng vào việc đưa các công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và sự kết nối dữ liệu chính xác vào công tác quản lý giao thông, làm quy hoạch và quản lý quy hoạch. Phải có quy hoạch thông minh mới có thể tiến tới quản trị thông minh. Còn chúng ta đòi hỏi những người quản trị đô thị phải nắm được kĩ thuật số từ công nghệ đám mây, công nghệ 4.0 để áp dụng vào trong quản lý đô thị trong khi chưa có quy hoạch thông minh thì đây là bài toán không tưởng, dù tốn kém thế nào cũng là không tưởng”.

Cũng theo KTS Phạm Thanh Tùng, đô thị thông minh rồi tiến tới đô thị 4.0 thì mục đích đều xoay quanh lõi là con người, để làm sao cho con người được sống tốt và tài nguyên được giữ gìn, môi trường không bị ô nhiễm.

“Đô thị phải là nơi mà người ta có thể sống thoải mái thay vì sự ngột ngạt, khó chịu để khi đi xa còn muốn trở về. Đô thị thông minh phải gắn liền với đô thị hạnh phúc, con người không phải lo cháy nổ, trộm cướp, hay phải mất cả mấy tiếng đồng hồ chịu khói bụi, tiếng ồn ngoài đường mới về được nhà”, KTS Phạm Thanh Tùng cho hay.

Kinh nghiệm của Singapore cho thấy, khi phát triển đô thị thông minh đó là phải hiểu người dân muốn gì, rồi từ đó mới xác định đâu là yếu tố cốt lõi cần phát triển để phục vụ cho lợi ích của người dân. Trong đó, bao gồm cả những yếu tố “cứng” như hạ tầng giao thông đô thị đến những yếu tố “mềm”như nhu cầu về nhà ở, năng lượng, giáo dục, y tế và môi trường sống trong lành đều phải đảm bảo một cách tối đa và công bằng.

Câu chuyện người dân Hà Nội, TP.HCM hoảng hốt vì những chỉ số ô nhiễm không khí được đưa ra trong thời gian qua đã cho thấy, thành phố thông minh trước hết phải là thành phố sạch và an toàn, trong đó, chất lượng cuộc sống của người dân phải được đặt lên hàng đầu.

Các chuyên gia cho rằng, hàng loạt vấn đề đô thị hiện nay đang được xem là một trong những mối bận tâm toàn cầu. Việc xây dựng đô thị thông minh đều hướng đến mục tiêu là phát triển bền vững để sống trong đô thị không còn là gánh nặng mà sẽ trở nên hấp dẫn và đáng sống hơn, nhân văn hơn: "Vấn đề là phải làm thế nào để đô thị thông minh thực sự đúng nghĩa thông minh, vì sự phát triển bền vững, vì chất lượng cuộc sống tương lai của người dân chứ không phải vì một phong trào”, một chuyên gia đô thị nêu quan điểm. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top