Aa

Người Hải Hậu đi cà kheo, đánh trống cà rùng đón Quốc khánh

Thứ Bảy, 02/09/2017 - 21:40

Ngoài đi cà kheo và đánh trống cà rùng, múa sư tử, múa lân, múa rồng, kèn đồng... đã trở thành một đẹp văn hóa hàng năm của vùng biển Hải Hậu (Nam Định), chào mừng Quốc khánh 2/9.

Sáng nay (2/9), Ngày hội văn hóa thể thao (VH-TT) truyền thống huyện Hải Hậu chào mừng Kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 được tổ chức sôi động. Ngày hội thực sự đã giữ gìn và kế thừa một cách xứng đáng truyền thống văn hóa cội nguồn của mảnh đất giàu truyền thống văn hóa Hải Hậu.

Ngày hội VH-TT truyền thống huyện Hải Hậu có sự tham dự của hàng ngàn cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện. Các hoạt động diễn ra trong ngày hội bao gồm hội diễn văn nghệ quần chúng và thi đấu TDTT.

Hội diễn văn nghệ quần chúng với các tiết mục ca, múa, nhạc, sân khấu tiêu biểu của các xã, thị trấn, các trường học với nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương, đất nước; tổ chức biểu diễn kèn đồng.

Hoạt động thi đấu thể dục thể thao gồm tổ chức giải vô địch bóng chuyền, thi đấu bóng đá thanh niên khối các cơ quan, doanh nghiệp và các trường THPT trong huyện; thi đấu bóng bàn nam, nữ; thi đấu cầu lông nam, nữ; thi đấu tennis giữa các CLB; thi bơi chải nam, nữ; thi bơi thanh, thiếu nhi; thi đấu cờ tướng, thi kéo co...

Đặc biệt là phần tổ chức biểu diễn múa sư tử, múa lân, đi kheo, đánh trống cà rung, kèm đồng, múa rồng... thu hút hàng vạn người con Hải Hậu và các khách xa gần về tham dự.

Từ năm 1984 đến nay, Hải Hậu đã tổ chức thành công Ngày hội VH-TT truyền thống kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, thu hút hàng nghìn người dân địa phương về tham dự. 

 Là người con của Hải Hậu, ai ai cũng tự hào về truyền thống quê hương – một vùng quê Văn hóa – Anh hùng – Nông thôn mới. 

Ngày hội VH-TT truyền thống vào dịp 2/9 hàng năm là một nét văn hóa rất riêng của huyện ven biển Hải Hậu. 
 

Ngay từ 7h sáng ngày 2/9, các đoàn đại biểu, vận động viên, các đoàn hội diễu hành về khu vực sân chính của Nhà văn hóa huyện Hải Hậu để tổ chức lễ khai mạc Ngày hội VH-TT.  

Có thể nói, ngày hội văn hóa thể thao truyền thống dịp Quốc khánh đối với người Hải Hậu còn vui hơn Tết. Lễ hội thường tổ chức 3 ngày chính từ 30/8 đến mùng 2 - 9 hàng năm. 

Màn sếp hình chào mừng Quốc khánh 2-9 của khối học sinh trên địa bàn huyện.  

Đại hội Thể dục thể thao huyện Hải Hậu lần thứ 8. 

Học sinh huyện Hải Hậu cũng xếp hình Hải Hậu 2017 - Hình ảnh thể thiện một Hải Hậu đổi mới, phát triển... 

Những màn biểu diễn không thể bỏ qua của các em học sinh. 

Một Hải Hậu gắn kết yêu thương...  

Là một huyện có nhiều xã ven biển, nghệ thuật đi cà kheo luôn được gìn giữ...  
 
Những hình ảnh đặc trưng của vùng quê Hải Hậu. 
 

Cà kheo là một dụng cụ mưu sinh gắn liền với các ngư dân miền biển. Và chắc chắn không thể thiếu trong các ngày hội lớn của huyện Hải Hậu. 

Một trong những nét văn hóa đặc trưng ở Hải Hậu là tiếng trống cà rùng. 
 
Trống cà rùng thường được sử dụng trong các ngày lễ lớn của người công giáo. Nhưng, trong các ngày lễ lớn của huyện Hải Hậu, tiếng trống cà rùng vẫn được vang lên, kết nối tinh thần đoàn kết người dân, tôn giáo trong toàn huyện. 
 

Đội trống chùa Phúc Sơn, xã Hải Trung. 

Năm nay, sự xuất hiện của các đội trống múa lân cũng làm cho không khí Ngày hội sôi động hơn. 

Những màn múa lân độc đáo của chính con em người dân Hải Hậu thực hiện. 
 

Đặc biệt, sự xuất hiện của đội múa trống nữ.   

Thành viên của đội múa trống nữ chính là những người con của huyện Hải Hậu.  

Một trong những điều không thể thiếu khi nhắc đến Hải Hậu đó là đội kèn đồng. 
 

Những người phụ nữ thường ngày lao động với đồng ruộng, biển khơi... thì trong ngày hội này họ lại trở thành những người nghệ sĩ chuyên nghiệp.   

Tham gia ngày hội VH-TT năm 2017, Hải Hậu có gần 3 nghìn diễn viên, vận động viên của 35 xã, thị trấn và cơ quan đại diện cho các tầng lớp nhân dân tham gia đua sức, tranh tài. Trong ảnh là hàng vạn người dân đang đứng quanh dòng sông Múc anh hùng, cổ vũ cho giải đua thuyền truyền thống. 
 

Những cuộc thi đấu bơi chải gay cấn trên dòng sông Múc trong ngày hội của huyện và cả dân tộc.  

Hải Hậu - mảnh đất giàu truyền thống văn hóa. Ngay từ buổi đầu lập đất, cư dân lấn biển đoàn kết dưới sự tổ chức, hướng dẫn của các Dinh điền sứ - những nhà trí thức, những nhà kinh tế - văn hóa tài năng. Khi xã Quần Anh đầu tiên ra đời (1511) đã nổi tiếng là đất “Quần Anh văn vật”. Dưới triều Nguyễn, năm 1862 được triều đình phong sắc “Mỹ tục khả phong” rồi “Thiện tục khả phong” (năm 1867) cho vùng đất này.

Ngày nay, Đảng bộ và nhân dân Hải Hậu đang nỗ lực phấn đấu, ra sức phát huy những giá trị truyền thống văn hóa cách mạng, xây dựng huyện giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng - an ninh, trở thành một “Vùng biển sáng” về văn hóa của cả nước. Từ năm 1978 đến nay, 39 năm liền Hải Hậu là điển hình văn hóa - thông tin cấp huyện của cả nước. Suốt mấy chục năm qua, Hải Hậu được người dân cả nước biết đến không chỉ là nơi có gạo Tám Xoan ngon nức tiếng mà còn là một vùng đất điển hình văn hóa; một vùng quê được Trung ương chọn là một trong 5 huyện làm điểm xây dựng Nông thôn mới và xây dựng thành công huyện nông thôn mới trong tốp đầu của toàn quốc, được nhiều địa phương khắp nơi về tham quan học tập mô hình.

Việt Hải  

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top