Aa

Người mẹ thứ hai

Thứ Năm, 14/03/2019 - 06:00

Những tưởng cái tổ chim non ấy sẽ bình yên và cứng cáp lên, trở thành tổ chim vui. Nhưng những đòn đánh của số phận là rất khắc nghiệt. Người mẹ của những đứa bé ấy không hiểu sao lại tự tử. Chỉ ít ngày sau đó, người bố suy sụp rồi cũng mất theo. Trong nửa tháng trời ,10 đứa con (một đứa đã mất từ trước), lại mồ côi...

Năm 2013, chúng tôi lên Lũng Luông. Một bản nằm sâu trong núi của Võ Nhai (Thái Nguyên).

Ngay trên sườn đồi gần trường tiểu học là một cái lán. Trong đó có sáu đứa trẻ. Hai đứa bé nhất mới chỉ 5, 6 tuổi. Những đứa còn lại lớn hơn. Nhưng học thì chỉ trong hai lớp. Những đứa lớn học lớp hai. Những đứa bé hơn lớp 1. Hai đứa nhỏ thì ở lớp Mầm non. Nhà chúng nó cách đó hàng chục cây số đường rừng. Cả nhà có tới 11 anh chị em. Những đứa này, bố mẹ chúng lấy cành cây, lá che cho ở, tự chăm lẫn nhau. Có cái lán phủ kín thế này là do các thanh niên đi làm từ thiện, lên đây, thấy chúng nó ở rét mướt quá, thương quá, mà tìm các tấm vải nhựa in để phủ lên che gió, che mưa tạm bợ.

Trong lán có một nhúm gạo đã mốc. Gói bột canh. Cái gọi là gường được ghép bằng cành cây. Quần áo cũ được ai đó cho. Các thày cô cũng thương, khi chúng không có gì ăn thì sẻ cơm cho chúng nó. Nhưng giữa núi rừng, cái rét cắt da, thì không thể cách gì giúp được.

Ngôi nhà và bữa ăn khi xưa của bọn trẻ.

Ngôi nhà và bữa ăn khi xưa của bọn trẻ.

Những người phụ nữ của Cơm Có Thịt dắt chúng ra ngoài, bắt chấy, vừa khóc vừa nhồi cho chúng nó đồ ăn mang theo.

Đến xế chiều thì bố mẹ chúng nó cắt rừng lên thăm con. Lên tay không, vì ở nhà cũng chẳng có gì ăn. Người bố gầy, đi liêu xiêu. Người mẹ thì khoẻ mạnh hơn. Nhưng 11 đứa con thì sáu đứa ở đây coi như có sự giúp đỡ của thày cô, của các tình nguyện viên, còn được coi là đầy đủ hơn những đứa ở nhà.

Một người trong số người lên hôm đó, là cô giáo H ở Hà Nội, sau chuyến đi, đã âm thầm nhận làm bà mẹ cho sáu đứa bé này. Đầu tiên, chị thường xuyên mang gạo lên cho chúng. Tiện xe thì gửi lên cả tạ. Dần dà, khi Cơm Có Thịt đã mua gỗ làm gian nhà nối mái đầu hồi lớp học, chị mua giường, tủ, đồ dùng cho chúng nó. Mỗi lần chúng tôi lên, thấy chúng nó được ăn, ngủ đủ hơn, sạch hơn. Tiền là một chuyện, công sức mới là cái phải bỏ ra nhiều. Thuở ấy lên Lũng Luông đường rất khổ. Mưa thì xe bán tải khoẻ cũng không đi nổi. Đã có lần chính tôi lên đến quá chân núi một đoạn, xe sa lầy, đành ngồi lại. Nhưng chị H. thì thường xuyên lặn lội lên, chăm cho chúng từng li, từng tý một.

Nghỉ hè, chị đem chúng về Hà Nội chăm. Chúng được tắm rửa sạch sẽ, đi chơi. Đứa bé nhất lần đầu trong đời xinh xắn trong chiếc váy bồng. Phổng phao ra, mạnh dạn hơn. Không còn dáng vẻ sợ sệt, co rúm như trước nữa.

Có lần, lên Lũng Luông đầu năm học, H nói với tôi: "Sau hai tháng hè, chúng nó về nhà, lại đói ăn, trở lại trường lại gầy đen như trước anh ạ. Cứ chăm nuôi thế, rồi lại về như cũ!".

Chị H dành tiền, bằng cách gì tôi cũng không biết, vì chị dạy học phổ thông. Từ hồi nuôi mấy đứa, chị chăm bán hàng trên mạng, rau quả, thịt sạch. Nhưng là lặt vặt, để gom tiền lẻ thôi. Vậy mà chị H vẫn làm được việc chị quyết làm: Mua một mảnh đất gần trường cho bọn trẻ, dựng cái nhà gỗ nhỏ nhưng ấm cúng.

Bọn trẻ lớn lên rất nhanh. Mỗi khi mẹ H lên, chúng chơi đùa, chạy thi trên con đường dốc dẫn lên trường. Thời gian trôi nhanh lắm. Cô chị lớn đã có trai bản hỏi làm vợ. Mẹ H cũng nài nỉ con đừng lấy chồng sớm. Nhưng phong tục trên đó như thế, nên cũng không ngăn được lâu. Ngày cô chị đi lấy chồng, mẹ H tặng cho hai vợ chồng con bò làm vốn.

Bọn trẻ và ngôi nhà gỗ.

Bọn trẻ và ngôi nhà gỗ.

Những tưởng cái tổ chim non ấy sẽ bình yên và cứng cáp lên, trở thành tổ chim vui. Nhưng những đòn đánh của số phận là rất khắc nghiệt. Người mẹ của những đứa bé  ấy không hiểu sao lại tự tử. Chỉ ít ngày sau đó, người bố suy sụp rồi cũng mất theo. Ông ta vốn liêu xiêu sẵn, có thể vì rượu, mà cũng có thể do gánh đời quá sức. Trong nửa tháng trời ,10 đứa con (một đứa đã mất từ trước), lại mồ côi.

Và cô giáo H bây giờ là mẹ duy nhất của chúng. Hơn năm năm qua, chúng gọi cô là mẹ. Bây giờ, chúng chỉ còn cô để gọi là mẹ.

Từ khi làm Cơm Có Thịt, tôi đã gặp không ít người như chị H. Họ tình cờ gặp những cảnh đời. Rồi họ không nỡ quên đi. Họ trở lại. Họ tự nhận lên mình một trách nhiệm không ai giao. Họ im lặng làm, họ cũng mệt mỏi, khó khăn không ít. Nhưng họ không bỏ được. Vì đã nhìn thấy, đã thương rồi, không quay lưng lại được...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top