Aa

Người mua tự chịu rủi ro khi ngân hàng bắt tay doanh nghiệp bán trái phiếu?

Chủ Nhật, 25/08/2019 - 06:15

Các doanh nghiệp phát hành trái phiếu thường có sẵn khoản dư nợ tại ngân hàng nên muốn tận dụng kênh ngân hàng để bán sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp, duy chỉ có số phận người mua bị phó mặc trước các rủi ro...

Ngân hàng được phép mua, bán trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Trái phiếu doanh nghiệp là doanh nghiệp tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm...

Theo quan sát của Reatimes, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bình quân trong nửa đầu năm nay vào khoảng 9,5 - 11%/năm, trong đó gần 90% khối lượng trái phiếu phát hành có lãi suất dưới 11%/năm. Một số đợt phát hành với lãi suất 13 - 14%/năm và chỉ một doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất 14,5%/năm.

Như vậy, so với lãi suất vay vốn trung dài hạn của ngân hàng phổ biến là 9 - 11%/năm, bình quân lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp bằng hoặc cao hơn 0,5%/năm. Tuy nhiên, phần lớn ngân hàng thương mại cho vay kỳ hạn dưới 3 năm, trong khi kỳ hạn phát hành trái phiếu doanh nghiệp phổ biến là 5 năm, cho thấy phần lợi thế hoàn toàn nghiêng về nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Tuy nhiên theo giới công tác trong ngành quỹ, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu thường có sẵn khoản dư nợ tại ngân hàng nên muốn tận dụng kênh ngân hàng để bán sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp. Do đó, phần lớn các trái phiếu doanh nghiệp được ngân hàng “bán hộ”, rất ít đợt phát hành được ngân hàng "gom sỉ" hay bảo lãnh.

Bởi có một thực tế là khi các doanh nghiệp đua nhau phát hành trái phiếu với lãi suất cao, thậm chí có thể cao gấp đôi lãi suất huy động của các nhà băng, điều tất yếu đưa kênh này trở thành hấp dẫn rất có lợi cho nhà băng tuy nhiên ở diễn biến ngược lại thì rủi ro lại chỉ dồn về nhà đầu tư.

Theo TS. Nguyễn Minh Sáng, Đại học Ngân hàng TP.HCM, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh có mặt tích cực là sẽ giúp đa dạng hóa kênh truyền tải vốn của nền kinh kế. Thay vì chỉ dựa vào kênh tài chính gián tiếp thông qua các ngân hàng thương mại và trung gian tài chính, các doanh nghiệp có thể huy động vốn trực tiếp của chủ thể thừa vốn trong nền kinh tế. Việc phát triển thị trường trái phiếu cũng góp phần khơi thông dòng chảy vốn của nền kinh tế, giảm chi phí do bớt các khâu trung gian...

Tuy nhiên, chỉ có công ty chứng khoán mới có nghiệp vụ tư vấn, bảo lãnh... phát hành chứng khoán cho doanh nghiệp. Do đó, các ngân hàng hiện nay đang chào mời khách hàng cá nhân được hiểu là đang bán... hộ, bởi khó có thể ngân hàng đứng ra bảo đảm cho trái phiếu doanh nghiệp. Như vậy sẽ chỉ an toàn nếu các doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực sự minh bạch, được xếp hạng tín nhiệm và được kiểm toán định kỳ, ông Sáng nhận định.

Ông Sáng cho rằng, việc các doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất quá cao sẽ khiến cho áp lực trả lãi và gánh nặng tài chính gia tăng, gây bất ổn đến tính bền vững và sự ổn định của nền kinh tế.

Hầu hết các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đều chưa được xếp hạng tín nhiệm, bản cáo bạch phát hành trái phiếu lại quá phức tạp. Do đó, rủi ro với nhà đầu tư khi các doanh nghiệp phát hành trái phiếu bị phá sản, trái phiếu không có tài sản đảm bảo, không có tổ chức bảo lãnh... là hiện hữu. 

Do đó ông Sáng khuyến cáo, một rủi ro nữa là về thanh khoản, bởi thị trường thứ cấp (mua đi bán lại) của các trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam chưa phát triển khiến rủi ro của người nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp gia tăng.

Bên cạnh đó, ngoài việc quan tâm đến năng lực tài chính của doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư cần tìm hiểu chi tiết về kế hoạch sử dụng vốn và kế hoạch trả nợ trong bản cáo bạch của các đợt phát hành, xem trái phiếu có tài sản đảm bảo hay có tổ chức nào bảo lãnh có uy tín hay không...

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cũng bày tỏ lo ngại khi cho rằng trên thị trường hiện chỉ có một công ty định giá tín nhiệm và chưa có quy định nào bắt buộc doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu doanh nghiệp phải có xếp hạng tín nhiệm. Do đó, việc nhà đầu tư không thể biết sức khỏe của doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp như thế nào, đang lỗ hay lãi, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Trong một cuộc họp mới đây, một lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đã bày tỏ lo ngại trước thực trạng là pháp luật hiện hành chưa bắt buộc doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp hoặc huy động vốn trên thị trường phải có xếp hạng tín nhiệm. Tuy nhiên, nhằm phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư, tại dự án Luật Chứng khoán sửa đổi đang được trình Quốc hội, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định đối với phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng, doanh nghiệp bắt buộc phải được xếp hạng tín nhiệm.

Sau khi dự luật này được thông qua, dự báo sẽ xuất hiện các công ty xếp hạng tín nhiệm tham gia lĩnh vực này. Trong khi chờ có quy định rõ ràng, nhà đầu tư phải tự cân nhắc khi mua trái phiếu doanh nghiệp.

"Nguyên tắc huy động vốn thông qua trái phiếu doanh nghiệp là doanh nghiệp tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm. Do đó, trước khi mua trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư cần đánh giá năng lực tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành", vị này nói.

Sắp tới chỉ phát hành cho các nhà đầu tư có tổ chức?

Trước thực trạng này, phát biểu tại phiên chất vấn Thường vụ Quốc hội chiều 15/8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ tinh thần của Chính phủ là bắt buộc phải phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp để giảm gánh nặng cho ngân hàng nhưng cần kiểm soát chặt chẽ.

Hiện nay trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu phát hành riêng lẻ, do các công ty chưa giao dịch trên sàn chứng khoán phát hành, do đó chưa được đánh giá tín nhiệm. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, 6,1% người giao dịch là nhà đầu tư cá nhân không có điều kiện đánh giá tín nhiệm. Điều này gây ra rủi ro về thanh khoản và rủi ro cho chính người mua.

Phó Thủ tướng cho biết đang đề xuất kiểm soát nghiêm ngặt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong Luật Chứng khoán (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội thông thông qua trong kỳ họp tới. "Chỉ phát hành cho các nhà đầu tư có tổ chức. Sẽ có quy định khung ở luật này và quản lý chặt chẽ trong Luật Doanh nghiệp về việc phát hành của nhà đầu tư không đại chúng", Phó Thủ tướng nói.

Cùng với đó, doanh nghiệp thường chỉ huy động trái phiếu với lãi suất chỉ cao hơn lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại trong trung và dài hạn 0,5 - 1 điểm % nhưng cá biệt có doanh nghiệp bất động sản huy động lãi suất tới 14,5%. Điều này gây ra rủi ro phá vỡ đường cong lãi suất giữa trái phiếu chính phủ, ngân hàng thương mại và trái phiếu doanh nghiệp.

Trong 6 tháng đầu năm, cả nước phát hành 116.000 tỷ đồng (tương đương 5 tỷ USD) trái phiếu doanh nghiệp, tăng 74% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các ngân hàng thương mại phát hành 31%, doanh nghiệp bất động sản chiếm 19% (tức khoảng 1 tỷ USD), các công ty chứng khoán 3,5% và các doanh nghiệp khác.

Lãnh đạo Chính phủ cho biết sẽ tăng cường việc hỗ trợ thông tin, trong đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa thành lập cổng thông tin cung cấp cho cả nhà phát hành và người mua. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top