Aa

Người tiêu dùng có thể khởi kiện Khaisilk?

Thứ Sáu, 27/10/2017 - 23:22

Nhiều chuyên gia pháp lý nhận định, tập đoàn Khaisilk nhập lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc rồi dán mác xuất xứ Việt Nam có dấu hiệu của hành vi buôn bán hàng giả và lừa dối khách hàng cần phải xử lý thật nghiêm minh để bảo về quyền lợi người tiêu dùng.

Những ngày gần đây, dư luận đang xôn xao trước thông tin một lô hàng gồm 60 khăn lụa của thương hiệu Khaisilk có một chiếc khăn mang thương hiệu này gắn tới hai nhãn mác: “Khaisilk made in Vietnam” - “Made in China” và 59 chiếc khăn còn lại trong lô hàng mua có dấu hiệu bị cắt tem.

Dấu vết còn lại trên những chiếc khăn này là mẩu vải thừa khá nham nhở cùng màu với tem "Made in China" và chỉ còn lại tem “Khaisilk Made in Vietnam”.

Ông chủ của tập đoàn này đã đứng ra thừa nhận nhập hàng từ Trung Quốc rồi gắn mác Việt Nam.

Người tiêu dùng có thể khởi kiện Khaisilk?

Ông chủ của Tập đoàn Khaisilk Hoàng Khải thừa nhận một phần sản phẩm được bán ra thị trường có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc

Liên quan tới vấn đề trên, PV Báo Công lý đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Quốc Hòe (Trưởng Văn phòng luật sư Interla – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) để nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý một cách khách quan nhất.

PV: Thưa luật sư, ông có nhìn nhận như thế nào trước thông tin trên về sản phẩm, cũng như thương hiệu của Khaisilk?

Luật sư Trương Quốc Hòe: Việc xây dựng lòng tin của khách hàng có sức ảnh hưởng lớn tới việc phát triển của một thương hiệu, lòng tin của khách hàng càng lớn sẽ càng giúp cho thương hiệu có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Khaisilk là một thương hiệu uy tín bậc nhất trong lĩnh vực tơ tằm và dệt thủ công của Việt Nam, là thương hiệu tiên phong đưa sản phẩm tơ lụa của nước ta ra thị trường quốc tế.

Gốm Bát Tràng và Lụa Khaisilk là một trong những món quà đặc biệt - nói lên bản sắc dân tộc Việt Nam với bạn bè năm châu. Vì vậy, chất lượng, hình ảnh của sản phẩm này không chỉ có ý nghĩa đối với công ty mà còn có ý nghĩa đối với hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của nước ta trên thị trường quốc tế.

Từ vụ gian luận của tập đoàn Khaisilk nhập lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc rồi dán mác xuất xứ Việt Nam đã khiến người tiêu dùng bức xúc. Sự việc trên không chỉ ảnh hưởng tới hình ảnh của thương hiệu này mà còn ảnh hưởng tới hình ảnh hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của nước ta với người tiêu dùng thế giới, cũng như gây hoang mang trong dư luận, đánh mất niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt Nam, đặc biệt là khi chúng ta đang tiếp tục đẩy mạnh khẩu hiệu người Việt dùng hàng Việt.

Sau khi sự việc bị phanh phui, Chủ tịch tập đoàn Khaisilk đã lên tiếng thừa nhận sai lầm cũng như xin lỗi người tiêu dùng và hứa sẽ có các biện pháp giải quyết, bồi thường cho người tiêu dùng.

Tại thời điểm này thì việc làm của ông Khải là rất đúng đắn. Tuy nhiên, vụ việc đã gây ra hoang mang trong dư luận, không chỉ gây thiệt hại cho khách hàng, mà còn làm mất đi uy tín mà thương hiệu đã gây dựng được trong thời gian qua.

Phải mất một thời gian dài để Khaisilk có thể lấy lại được uy tín và sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong việc gây dựng lại niềm tin của khách hàng trong và ngoài nước – những người đã luôn tin tưởng, yêu thích sản phẩm của Khaisilk.

Đây cũng là bài học đối với tất cả các công ty Việt Nam trong việc tạo dựng và giữ vững niềm tin của người tiêu dùng. Hiện nay, khi chúng ta đang đẩy mạnh khẩu hiệu người Việt dùng hàng Việt, các doanh nghiệp cần phải trung thực, thiện chí trong việc sản xuất, cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng.

Người tiêu dùng có thể khởi kiện Khaisilk?

Luật sư Trương Quốc Hòe

PV: Luật sư có thể cho biết, pháp luật có quy định như thế nào về hành vi trên? Khaisilk có thể bị xử phạt như thế nào?

Luật sư Trương Quốc Hòe: Như Chủ tịch tập đoàn Khaisilk đã thừa nhận thì họ có nhập lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc và thực tế doanh nghiệp này đã đặt hàng may tơ lụa Trung Quốc về bán với thương hiệu Khaisilk mà không làm rõ xuất xứ hàng hóa.

Mặc dù phía Khaisilk khẳng định: “Dù là hàng nhập từ Trung Quốc nhưng lụa bán tại cửa hàng không phải là sản phẩm kém chất lượng” nhưng hành vi nhập hàng Trung Quốc rồi dán mác xuất xứ Việt Nam là trái quy định pháp luật.

Bởi căn cứ theo Điều 15 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định về xuất xứ hàng hóa thì “tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các Hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết”

Bên cạnh đó, dù Khaisilk khẳng định số hàng nhập từ Trung Quốc không phải là sản phẩm kém chất lượng, tuy vậy với việc số hàng được nhập từ Trung Quốc lại bán với nhãn hiệu hàng Việt Nam, cơ quan chức cần phải kiểm định về chất liệu mẫu khăn để làm rõ vụ việc.

Trong trường hợp kết quả giám định của cơ quan có thẩm quyền chứng minh chất lượng mẫu khăn chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn thì đã vi phạm theo Điểm b, Khoản 8, Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP sửa đổi bổ sung tại Nghị định 124/2015/NĐ-CP quy định về hàng giả: Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;”.

Đối chiếu với quy định của pháp luật, Khaisilk có thể bị xử phạt hành chính đối với hành vi buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng quy định tại điểm a, b, c và d khoản 8 Điều 3, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 50.000.000 đồng tùy thuộc vào giá trị của hàng hóa theo quy định tại Điều 11 Nghị định 185/2013/NĐ-CP.

Ngoài ra, Khaisilk còn có thể bị xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật vi phạm, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm và yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi. Và có thể bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 30.000.000 đồng tùy thuộc vào trị giá hàng thật quy định tại Điều 13 Nghị định 185/2013/NĐ-CP đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa.

PV: Đối với những khách hàng đã bỏ tiền để mua sản phẩm của Khaisilk và bị thiệt hại về chất lượng sản phẩm có thể khởi kiện Khaisilk thưa luật sư?

Luật sư Trương Quốc Hòe: Những khách hàng đã bỏ tiền để mua khăn lụa Khaisilk bị xâm hại quyền lợi hoàn toàn có quyền khởi kiện yêu cầu công ty có trách nhiệm bồi thường, đảm bảo quyền và lợi ích cho bản thân.

Ngoài ra, những nhà cung cấp hàng cho Khaisilk suốt 30 năm vừa qua cũng có quyền khởi kiện Khaisilk vì tập đoàn này đã không cung cấp đầy đủ thông tin hàng hóa của họ đến người tiêu dùng. Những làng nghề trước đây Khaisilk lấy hàng cũng có quyền khởi kiện vì họ đã bị lấy danh tiếng, nhãn mác suốt mấy chục năm qua.

Có thể xử lý hình sự tội lừa dối khách hàng

Ths. Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, việc gian dối của tập đoàn Khaisilk là trong suốt một thời gian dài, hành vi lừa dối người tiêu dùng có dấu hiệu cấu thành tội lừa dối khách hàng theo quy định tại Điều 162 Bộ luật Hình sự. Mặt khác, nếu cơ chức năng chứng minh được Khaisilk có hành vi buôn bán hàng hóa không phải là hàng hóa thật, xâm phạm đến trật tự quản lý việc buôn bán hàng giả và chống hàng giả trong việc quản lý trật tự kinh tế thì có thể xử lý hình sự về tội “Buôn bán hàng giả” theo Điều 156 BLHS.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top