Aa

Người Việt tin tưởng đồ... “ngoại” hơn khi lựa chọn sản phẩm cho trẻ nhỏ

Thứ Hai, 11/12/2017 - 21:25

Theo khảo sát của Nielsen, người Việt có thói quen chọn các nhãn hàng trong nước khi lựa chọn sản phẩm tiêu dùng như mì ăn liền, trà, cafe, thịt, hải sản hay giấy vệ sinh. Tuy nhiên, khi lựa chọn sản phẩm dành cho trẻ em như tã giấy, sữa bột, thức ăn,... các bậc cha mẹ Việt lại tìm đến các nhà sản xuất đa quốc gia thay vì các sản phẩm trong nước.

Báo cáo mới đây của Công ty đo lường toàn cầu - Nielsen Việt Nam cho hay, mặc dù nền kinh tế đang có nhiều biến động, kèm theo đó là sự chuyển đổi của các mô hình tiêu dùng nhưng cơ hội tăng trưởng vẫn hiện hữu ở tất cả các ngành hàng và chia đều cho tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường - bất kể quy mô lớn hay nhỏ, doanh nghiệp Việt Nam hay đó là các doanh nghiệp đa quốc gia.

Và đáng chú ý hơn cả là tại thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp nội địa vẫn giữ vững được vị thế của mình và có những tăng trưởng tích cực trong năm qua.

Cụ thể, trong năm 2016, trong khi các doanh nghiệp đa quốc gia cho thấy sự trì trệ trong tăng trưởng khi chỉ đạt được 2% tăng trưởng giá trị (so với 5% trong năm 2014), thì các doanh nghiệp nội địa tại Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng rất tích cực: 7% tăng trưởng giá trị (so với tỉ lệ 5% hai năm trước) và đóng góp đến 42% trong tổng số doanh thu của toàn ngành hàng FMCG.

Xét về thị phần, các doanh nghiệp nội địa vẫn đang chiếm ưu thế trong ngành hàng thực phẩm và nước giải khát với tỉ lệ lần lượt là 69% và 45%.

Mặc dù các doanh nghiệp đa quốc gia vẫn chiếm thị phần lớn trong ngành hàng ngành hàng chăm sóc nhà cửa và chăm sóc cá nhân, nhưng xét về tốc độ tăng trưởng thì các doanh nghiệp nội địa đang hoạt động trong hai ngành này lại thể hiện sự tăng trưởng ấn tượng trong năm 2016 với mức tăng là 13% và 9%.

Ngoài ra, để tìm hiểu sâu hơn về sở thích cũng như thái độ của người tiêu dùng đối với các sản phẩm được sản xuất bởi các nhà sản xuất nội địa và các doanh nghiệp đa quốc gia, trong năm 2016 Nielsen đã thực hiện nghiên cứu “Nguồn gốc của các nhãn hàng”.

Theo đó, người tiêu dùng Việt Nam vẫn đặc biệt yêu thích sử dụng các sản phẩm từ sữa (48% - sữa/bơ/phô mai/yogurt) và bánh kẹo (44% - bánh quy/snack/bánh cookie) được sản xuất từ các doanh nghiệp nội địa.

Các ngành hàng khác cũng nhận được sự ủng hộ từ người tiêu dùng Việt đó là: trà/café (41%), Thịt/hải sản đông lạnh (37%), Mì ăn liền (36%), Các sản phẩm về giấy (khăn giấy, giấy vệ sinh - 29%).

Ở khía cạnh khác, người Việt sẽ có xu hướng mua các sản phẩm tã giấy (13%), sữa bột/thức ăn dành cho trẻ em được sản xuất bởi các nhà sản xuất đa quốc gia.

Trong thời đại toàn cầu hóa và sự kết nối trở thành điều không thể thiếu trong cuộc sống mỗi ngày, người tiêu dùng hiện nay đang đối diện với nhiều sự lựa chọn sản phẩm hơn bao giờ hết.

Và điều đáng nói là tại nhiều thị trường trong khu vực, các doanh nghiệp đa quốc gia đang gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ của các doanh nghiệp nội địa trên nhiều phương diện như chất lượng, giá cả cạnh tranh cũng như các chiến lược marketing tập trung đến các phân khúc khách hàng mục tiêu cụ thể hơn.

Tuy nhiên, miếng bánh thị phần này tại thị trường Việt đang khá ổn định khi mà các doanh nghiệp nội địa vẫn chiếm được lòng tin của người dùng.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Trưởng Bộ phận Dịch vụ đo lường bán lẻ, Nielsen Việt Nam chia sẻ: “Nhìn chung, hiện tại các doanh nghiệp nội địa đang cung cấp cho người tiêu dùng những sản phầm với chất lượng ngày càng được cải tiến cùng với mức giá cạnh tranh trên thị trường.

Và nhờ hệ thống phân phối rộng khắp và được duy trì liên tục trong thời gian dài, sản phẩm của họ luôn sẵn sàng để tiếp cận người tiêu dùng không chỉ ở các thành phố lớn mà còn ở cả các khu vực vùng sâu vùng xa để thúc đẩy sự tăng trưởng.”

Khảo sát của Nielsen thực hiện dựa trên nghiên cứu đối với Top 100 doanh nghiệp FMCG đang hoạt động tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trên 4 nhóm ngành lớn: Thực phẩm, nước giải khát, sản phẩm chăm sóc nhà cửa và sản phẩm chăm sóc cá nhân.

Đây là những doanh nghiệp đang chiếm đến 85% tổng doanh số ngành hàng FMCG trong khu vực trong năm 2016.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top