Aa

Nguy cơ tạo ra bong bóng bất động sản

Thứ Tư, 14/08/2019 - 06:28

Hệ lụy của thủ tục hành chính đã đặt ra những quan ngại về nguy cơ bong bóng của thị trường bất động sản sẽ có thể xảy ra trong thời gian tới.

Hệ lụy từ thủ tục hành chính chồng chéo

Báo cáo mới đây nhất của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã đặt ra những quan ngại đáng lo lắng về sự sụt giảm mạnh của thị trường bất động sản. Theo đó, nguồn cung tung ra thị trường trong 6 tháng đầu năm chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại mới được công nhận và 24 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai.

Thống kê cho thấy, Hà Nội trong 6 tháng đầu năm chỉ phê duyệt 6 dự án trong khi đó thành phố hiện có tới 10 triệu dân. Trước con số này, ông Nguyễn Quốc Hiệp Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc GPInvest đã phải cho rằng: “Con số đó cho thấy sự căng thẳng như thế nào”. Ông Hiệp cũng chỉ ra rằng, nguyên nhân của tình trạng này là do khâu thủ tục hành chính, luật dẫn tới bế tắc của thị trường bất động sản.

Đáng quan ngại hơn, giới quan sát cho rằng, việc thắt chặt thủ tục cấp phép dự án mới dẫn tới nguồn cung khan hiếm. Đây là động thái đẩy thị trường vào tình trạng mất cân đối cung cầu.

Như ông Hiệp đưa ra lo ngại, hàng ra là hết nhưng thị trường lại không có hàng. Trong khi đó, theo báo cáo của những tổ chức nghiên cứu thị trường chỉ ra rằng, mặc dù nguồn cung hạn chế song tỷ lệ hấp thụ của các sản phẩm vẫn ở mức cao, trên 60%. Nhiều dự báo cho rằng, thời gian tới, khi nguồn cung bị khan hiếm, giá sản phẩm sẽ có xu hướng gia tăng mạnh.

Thủ tục hành chính đang làm vướng chân doanh nghiệp địa ốc phát triển.

Như vậy, nếu tình trạng lượng cung bị “chặn”, cầu vẫn gia tăng, sự lệch pha cung cầu có thể đưa tới tình trạng đầu cơ, om hàng và đấy giá lên. Khi mức giá tăng quá mạnh thì nguy cơ bong bóng xảy ra là điều không thể tránh khỏi.

Đúng như nhận định của ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam: “Nhu cầu mua là có, nhu cầu giao dịch của thị trường có, nhưng nếu bị trói chân, doanh nghiệp không triển khai đươc dự án, dẫn đến số lượng hàng khan hiếm sẽ bị om và thành đầu cơ, tạo ra bong bóng bất động sản”.

Chưa kể, khi dự án là nguồn sống của doanh nghiệp nhưng lại bị “tắc” bởi thủ tục hành chính thì rõ ràng, nguy cơ phá sản sẽ gia tăng. Sự đổ vỡ hàng loạt của các doanh nghiệp trên thị trường chắc chắn sẽ tạo ra tâm lý bất ổn cho thị trường bất động sản nói chung và tâm lý khách hàng, nhà đầu tư nói riêng.

Vì sao đã sửa đổi nhưng doanh nghiệp vẫn đau đầu với thủ tục hành chính?

Thủ tục hành chính đã trở thành một cụm từ ám ảnh với nhiều doanh nghiệp. Thực tế, Chính phủ đã có chủ trương và chỉ thị rõ ràng về việc tiến hành tháo gỡ vướng mắc về hành chính cho doanh nghiệp. Nhưng dường như, khó khăn mà doanh nghiệp địa ốc đang phải đối mặt vẫn ngày càng trở nên chồng chất.

“Luật của mình đã tốt rồi nhưng quan điểm của tôi phải tăng chế tài và giải pháp bắt buộc thực hiện đúng điều lệ, đúng quy định. Chúng ta mới đang đi vào hình thức mà thiếu đi chế tài quy định”.

Chỉ ra mấu chốt của vấn đề này, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, trong quá trình sửa luật tại Việt Nam đều đi theo hướng tiến bộ. “Theo quy định trước đây, việc cấp giấy phép xây dựng cho doanh nghiệp chỉ trong vòng 30 ngày kể từ thời điểm hộp đủ hồ sơ. Nhưng bây giờ, thời gian chỉ là khoảng 20 ngày. Luật của mình có rất nhiều điểm tốt nhưng quá trình thực hiện lại không như vậy. Xin giấy phép xây dựng mà chỉ mất 30 ngày thì quá tốt, quá mừng, quá hạnh phúc. Nhưng thực tế lại phải mất tới 2 năm. Ở Mỹ, Canada, quy định 1 năm mới cấp giấy phép xây dựng nhưng rất rõ ràng, cứ đúng ngày là có. Còn ở mình quy định 30 ngày mà nói thật 60 ngày, 90 ngày cũng đã khó”.

Ông Nam cũng nhấn mạnh: “Luật của mình đã tốt rồi nhưng quan điểm của tôi phải tăng chế tài và giải pháp bắt buộc thực hiện đúng điều lệ, đúng quy định. Chúng ta mới đang đi vào hình thức mà thiếu đi chế tài quy định”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng và Phát triển đầu tư Hải Phòng, thủ tục hành chính phức tạp đến nỗi… khó chỉ ra cụ thể ai, trách nhiệm như thế nào. Chính bởi sự vòng vo trong trách nhiệm của các cơ quan thực hiện và xử lý hành chính cho doanh nghiệp, ông Thành đề nghị: “Pháp luật đã có chế tài với các nhà đầu tư rõ ràng nhưng chưa có chế tài với cơ quan có thẩm quyền thực hiện không đúng trách nhiệm”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top