Aa

Nguyên nhân của bệnh nhờn phép nước

Thứ Tư, 06/11/2019 - 06:30

Phẩm chất quan trọng hơn nhiều ở quan chức là sự nhạy cảm về nghĩa vụ và các chuẩn mực văn hóa, đạo đức trong ứng xử, hành động, phát ngôn và phải được rèn luyện đến mức trở thành một thứ “bản năng về lẽ phải”.

Thỉnh thoảng báo chí lại đưa những dòng tin rất khó tin, chung quanh mấy nội dung na ná nhau như sau:

- Một đoàn xe công kéo nhau đi dự đám cưới con quan chức, đi lễ chùa, đi ăn sáng…

Ai cũng biết xe công không được phép sử dụng vào mục đích cá nhân.

- Một cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý tổ chức đám cưới rình rang, kéo dài, kéo theo những đoàn quan chức nhỏ hơn bỏ việc đi đánh chén.

Ai cũng biết đã có những quy định về việc tổ chức cưới xin, ma chay, mà một quan chức phải chấp hành.

- Một cơ quan nào đó gửi công văn thông báo người thân của thủ trưởng từ trần, cưới hỏi…

Ai cũng biết đây là hành vi bị cấm.

- Một quan chức cao cấp thuộc hàng tướng lĩnh, thách thức, chửi bới công an giao thông.

Ai cũng biết vị tướng kia làm thế không chỉ vi phạm kỷ luật, mà còn thiếu đạo đức, thiếu nhân cách.

- Một cán bộ không cần giữ ý khi đổ lỗi cho người dân, về những sự cố xảy ra mà cơ quan, ngành mình chịu trách nhiệm quản lý.

Cả xã hội coi thường những hành vi kiểu như vậy

Không thể nào ngồi thống kê hết các loại vụ việc tương tự.

Câu chuyện đám tang giản dị của thân mẫu Tổng thống Hàn Quốc là một mẫu mực cho quan chức học theo.

Người viết bài này nói từ đầu về sự “khó tin” của những tin tức trên không phải vì độ chính xác của sự kiện, mà ở khía cạnh, đã có tới hàng chục văn bản cả bên Đảng lẫn bên chính quyền, từ mức nhắc nhở, quy định đến cấm đoán, đi kèm là các hình thức kỷ luật, cao nhất có thể cách chức, với mục đích rõ ràng là nhằm ngăn ngừa những hiện tượng lộng quyền, vi phạm đạo đức chính trị, văn hóa chính trị vừa kể, nhưng hiện tượng trên vẫn cứ liên tục tiếp diễn? Nó giống như chuyện bắt cóc bỏ đĩa. Nó giống như việc đổ nước vào đầu vịt, bao nhiêu cũng trôi tuột đi mất! Nhiều vụ gần đây còn đầy tính thách thức dư luận.

Vậy tổ chức, chính quyền từ trung ương đến địa phương bất lực, các quy định mang tính chế tài chưa đủ nghiêm khắc, chỉ để làm cảnh, hay quan chức các cấp đã ở mức nhờn phép nước?

Theo quan sát của tôi thì nguyên nhân thứ ba: Các quan chức nhờn phép nước, là nguyên nhân chủ yếu.

Giờ chúng ta hãy đi tìm những nguyên nhân nào dẫn đến nguyên nhân vừa nêu?

Phép nước không chỉ là luật pháp, các quy định, nghị định của Chính phủ, của các bộ ngành, mà nó là một chuẩn mực thiêng liêng bất thành văn nhưng đã là quan chức, đối tượng thực thi phép nước, đảm bảo tính hiệu lực của phép nước, thì càng phải cảm nhận được và tự nguyện tuân theo. Chuẩn mực đó hình thành từ văn hóa, từ đạo đức chính trị, từ nghĩa vụ không thể thoái thác với người dân vì bất cứ lý do gì một khi đã “tự nguyện” làm công bộc cho họ. Chẳng hạn không luật pháp, không quy định nào cấm một quan chức đi đánh golf vào ngày nghỉ khi một bộ phận đồng bào ở đâu đó đang gặp nạn mà việc quan chức đó ngồi nhà hay đến sân golf thì những đồng bào kia cũng chẳng đỡ rủi ro hơn. Nhưng một quan chức đúng nghĩa, một quan chức tử tế sẽ không đến sân golf trong trường hợp ấy.

Đáng tiếc là chúng ta mới chỉ đòi hỏi sự thuộc bài ở quan chức, đôi khi như một cái máy, coi đó là tiêu chuẩn để đánh giá phẩm chất, năng lực của ông hay bà ta, mà quên rằng, phẩm chất quan trọng hơn nhiều ở một quan chức là sự nhạy cảm về nghĩa vụ và các chuẩn mực văn hóa, đạo đức trong ứng xử, trong hành động, trong phát ngôn. Những thứ đó phải được rèn luyện đến mức trở thành một thứ “bản năng về lẽ phải”. Nghĩa là, ngay tức khắc một quan chức phải biết mình nên làm gì, mình cần làm gì, mình không được phép làm gì… khi xảy ra tình huống nào đó, dù tình huống đó có thể chẳng liên quan đến trách nhiệm của mình.

Nhưng có bao nhiêu quan chức đang làm việc trong bộ máy quyền lực đất nước, đáp ứng được đòi hỏi trên? Tôi nghĩ là rất ít!

Chính vì lơi lỏng, bỏ qua, coi thường yêu cầu này, mà rất nhiều vị quan chức nghiện quyền lực đến mức không biết mình là ai, không biết mình đang ở đâu, tự cho mình quyền coi những gì thuộc về mình là chuẩn mực, hoặc ngẫu hứng tạo ra các chuẩn mực rồi bắt người khác phải chấp nhận. Khi đó, việc coi nhờn phép nước, ngồi xổm lên phép nước, thay đổi phép nước theo ý mình… thậm chí còn là cảm hứng, là cách thức thể hiện quyền lực. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top