Aa

Nguyên nhân sự khác biệt giữa mâm ngũ quả miền Bắc với miền Nam

Thứ Năm, 12/01/2017 - 14:13

Theo truyền thống, gia chủ thường dùng chiếc mâm bằng gỗ tiện, sơn son, có chân và được gọi là mâm bồng để bày ngũ quả. Mỗi mâm ngũ quả thường gồm 5 loại quả. Tuy nhiên, việc bày mâm ngũ quả ngày tết cũng có sự khác biệt nhất định giữa hai miền Bắc - Nam dựa trên một số quan niệm dân gian.

5 màu sắc trên mâm ngũ quả tượng trưng cho ngũ hành tương sinh.

5 màu sắc trên mâm ngũ quả tượng trưng cho ngũ hành tương sinh.

Mâm ngũ quả miền Bắc nhất định phải có chuối

Người miền Bắc bày mâm ngũ quả theo thuyết Ngũ hành trong văn hóa phương Đông là vạn vật dung hòa cùng trời đất. Vì thế, mâm ngũ quả cũng phải phối theo 5 màu: Kim màu trắng, Mộc màu xanh, Thủy màu đen, Hỏa màu đỏ, Thổ màu vàng. Cách bài trí, sắp xếp màu sắc từng loại quả xen kẽ với nhau để đẹp mắt, hợp phong thủy ngày Tết. Tuy không câu nệ nhiều hay ít, nhưng mọi người đều sắm đủ lễ, đủ loại, hoa quả phải thuận theo ý nghĩa để bày cúng.

Mân ngũ quả của người Bắc nhất định phải có nải chuối.

Chuối là loại quả không thể thiếu trên mâm ngũ quả người Bắc.

Trên mâm ngũ quả của người miền Bắc bao giờ cũng có 1 đến 2 nải chuối to và đẹp để làm "bệ đỡ" cho các lại quả khác. Đây là truyền thống lâu đời, cũng giống như cách bày biện trên bàn thờ ngày thường.

5 loại quả thường xuất hiện: chuối, Phật thủ hay bưởi, đào, quýt, táo. Nải chuối sẽ được đặt ở dưới cùng, ở giữa  như bàn tay hứng lấy những gì tinh túy nhất. Màu xanh của chuối tượng trưng cho sự tràn trề nhựa sống của mùa xuân. 

Nằm trong lòng sắc xanh ấy có thể là quả bưởi hoặc quả Phật thủ có sắc vàng. Lý do đặt Phật thủ ở giữa vì loại quả này có mười cánh múi chụm lên như 10 ngón tay, được trưng lên bàn thờ tổ tiên với niềm hi vọng cầu mong được bàn tay Phật trời ban phúc ban lộc. Nếu không tìm được Phật thủ thì có thể đặt quả bưởi vàng căng tròn, tràn đầy, hứa hẹn sự may mắn.

Tiếp sau đó là ba loại quả mang màu sắc khác nhau và tượng trưng cho những điều khác nhau. Nếu quả đào tượng trưng cho sắc hồng thể hiện sự thăng tiến, thành đạt, thì táo mang màu đỏ có nghĩa là phú quý, giàu sang, màu vàng thắm của quýt hi vọng năm mới đầy may mắn và đoàn tụ. 

Mâm ngũ quả miền Nam "cầu sung vừa đủ xài"

Trong khi người miền Bắc nhất định phải có nải chuối trên mâm ngũ quả thì người miền Nam lại rất kiêng loại quả này. Theo cách phát âm của người miền Nam, từ "chuối" đồng âm với từ "chúi" làm người ta dễ liên tưởng đến sự đi xuống hay làm ăn thất bát. Người miền Nam cũng nhất định không bày các loại quả như cam - cam chịu, lê - lê lết, sầu riêng, bom (táo)... và không chọn trái có vị đắng, cay.

Mâm ngũ quả của người miền Nam không nhất thiết phải đủ 5 màu.

Mâm ngũ quả của người miền Nam không nhất thiết phải đủ 5 màu.

Trên mâm ngũ quả của người miền Nam chuộng dừa, mãng cầu, bưởi, xoài, sung… Họ cũng dựa trên phát âm như: "dừa" hay "dưa" gần âm với "vừa"; đu đủ là "đủ", xoài gần âm với "xài" (tiếng Nam, có nghĩa là "dùng"), mãng cầu là "cầu", sung là "sung túc". Một mâm ngũ quả miền Nam có: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung đọc thành "cầu vừa đủ xài sung" hay "cầu sung vừa đủ xài". Người miền nam chọn đủ 5 loại quả này, không chọn "bừa" như người miền Bắc. 

Mâm ngũ quả hiện nay đã thay đổi rất nhiều, mang ý nghĩa trang trí cho không gian xuân nhiều hơn là ý nghĩa tâm linh. Dù có một số khác biệt giữa hai miền nhưng mâm ngũ quả trên bàn thờ ngày Tết vẫn là nơi hội tụ của hồn quả, hương cây, của nếp văn hóa dân tộc, của ý nguyện cầu hòa, an, đủ của người dân Việt. 

 

 

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top