Aa

Nguyên tắc đặt ban thờ theo thuyết Âm Dương, Ngũ hành để đón tài lộc

Thứ Năm, 07/06/2018 - 06:01

Như kỳ trước chúng tôi đã giới thiệu, về ngũ hành thì ban thờ thuộc hành Hỏa (có một chút thuộc cả hành Mộc), tuy nhiên trường khí của ban thờ lại mang tính Âm. Vì vậy, tiếp theo việc xác định hướng ban thờ theo tuổi gia chủ mà chúng tôi đã giới thiệu, bạn phải căn cứ vào tính chất này để chọn vị trí đặt ban thờ sao cho được tài lộc tốt nhất.

Về vị trí đặt ban thờ thì phong tục mỗi nơi một khác, tuy nhiên thời trước đây ở các vùng nông thôn trong cả nước, hầu hết các gia đình đều đặt ban thờ tổ tiên tại gian chính. Trong căn nhà cấp 4 thời trước thì đây được coi là nơi trang trọng nhất nên việc chọn gian chính để đặt ban thờ cũng là điều hợp lý và dễ hiểu. Gian chính lại cũng là nơi tiếp khách, nên phía ngoài ban thờ thường kê bộ tràng kỷ, có gia đình khá giả thì kê sập gụ, còn đơn giản là bộ bàn ghế tiếp khách. Từ nguyên do đó, nhiều người đồng nhất không gian thờ cúng và phòng khách làm một.

Thời đổi mới, các gia đình đều khấm khá lên, có của ăn của để xây dựng lại nhà to đẹp hơn, không phải nhà trệt mà lên tầng… nhưng nhiều người theo thói quen vẫn để ban thờ ở phòng khách.

Việc đặt ban thờ ở gian chính trong ngôi nhà cũng có những những mặt tiện lợi. Chẳng hạn như tạo không gian ấm cúng, gần gũi, kết nối các thế hệ trong gia đình và giữ nền nếp, gia phong; giáo dục con cháu lòng biết ơn tổ tiên, uống nước nhớ nguồn; mặt khác cũng thuận tiện việc hương khói thường xuyên…

Bài trí ban thờ theo âm dương ngũ hành

Bài trí ban thờ theo thuyết Âm Dương, Ngũ hành để đón tài lộc. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, vì ban thờ là không gian tâm linh và thuộc âm nên nếu có điều kiện vẫn nên có gian thờ riêng biệt.

Theo các nhà phong thủy và các kiến trúc sư thì việc xác định nơi đặt ban thờ nên được tính toán ngay từ khi vẽ thiết kế để chủ động chọn được hướng, vị trí và không gian ưng ý. Muốn vậy, ta cần nắm được một số nguyên tắc cơ bản của không gian thờ cúng nói chung và vị trí đặt ban thờ như sau:

1/ Ban thờ là không gian tâm linh nên phải chọn nơi trang trọng, tránh xa sự ô uế. Vì vậy không được đặt ban thờ trong phòng ngủ.

Nếu là nhà nhiều tầng mà chọn đặt ban thờ ở tầng 1 (tầng trệt) thì phía trên ban thờ (tầng trên) không được kê giường ngủ hay tủ quần áo; càng không được đặt ban thờ dưới phòng vệ sinh.

Cũng không nên bố trí ban thờ cạnh phòng bếp và vệ sinh.

Nếu đặt phòng thờ ở tầng trên cùng thì ở sân thượng bên trên không nên làm nơi phơi quần áo; dân gian còn kiêng không chăng dây phơi quần áo ở giữa theo chiều dọc ngôi nhà, vì theo quan niệm của tiền nhân thì đường dọc theo nóc nhà có thể coi như “trục tâm linh” (gần giống như “đường Hoàng đạo”) nên làm như thế sẽ ngăn cản sinh khí lưu chuyển.

2/ Như trên đã nói, không gian thờ cúng thuộc âm, vì vậy ban thờ cần đặt nơi yên tĩnh, kín đáo nhưng lại không được ẩm thấp hoặc tối tăm.

Nhiều người còn khuyên không gian thờ cúng nên tạo sự kín đáo với người ngoài và tạo sự gần gũi với người trong gia đình.

Đặc biệt cần tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp chiếu vào (lộ dương) vì ánh sáng mặt trời thuộc dương sẽ làm tan mất linh khí thuộc âm.

Cũng không nên đặt ban thờ phía trên cửa ra vào hoặc trên cửa sổ.

Không đặt ban thờ tựa lưng vào vách kính, vì vách kính vẫn cho ánh sáng mạnh chiếu vào vì như thế cũng bị lộ dương.

3/ Ban thờ thuộc Hỏa, vì vậy cần tránh những gì thuộc Thủy, vì Thủy khắc Hỏa sẽ khiến cho linh khí không những không tụ được mà còn gây tổn hại về âm phúc cho con cháu.

Điều này có nghĩa là phía trên ban thờ không được để những gì thuộc về Thủy; ví dụ như nếu đặt ban thờ được đặt ở tầng trên cùng thì phía trên không được đặt bồn nước, hoặc không đặt đường ống nước (cả cấp và thoát nước) chạy dưới ban thờ…

4/ Ban thờ thuộc tĩnh nên cần tránh xa sự ồn ào, tránh sự phô trương, cũng cần tránh các luồng gió thổi trực tiếp.

Đây chính là điều các nhà phong thủy khuyên không nên đặt ban thờ ở phòng khách, vì như thế người ngoài đi từ cửa vào nhà đã nhìn thấy ngay ban thờ, hình ảnh tổ tiên của gia chủ và sẽ đón nhận nhiều sát khí từ ngoài vào hoặc khi có gió thổi sẽ làm động bát hương… Mặt khác, nếu đặt ban thờ đối diện cửa chính khi gia chủ đứng khấn sẽ quay lưng ra cửa tạo cảm giác bất an và khó tập trung tư tưởng khi khấn, làm mất tính trang nghiêm.

Cũng chính vì điều này nên nhiều gia đình ở nông thôn xây nhà thờ riêng và dù có đặt ban thờ ở gian chính nhưng thường đóng cửa chính lại và đi cửa phụ hai bên là như thế. Hoặc nếu đặt ban thờ ở gian chính giữa kiêm không gian tiếp khách thì cũng thường xây hậu lâu để tạo không gian tĩnh nơi đặt bát hương.

Căn cứ vào những nguyên tắc cơ bản trên đây, nếu tính toán bố trí các không gian riêng trong ngôi nhà theo từng công năng, trong đó có không gian thờ cúng (và cả không gian bếp cũng như các phòng chức năng khác) ngay từ khi bắt đầu thiết kế, gia chủ sẽ hoàn toàn chủ động và dễ dàng chọn được vị trí phù hợp cho gian thờ, nơi đặt ban thờ hợp lý, không phạm phải những điều cấm kỵ để sau phải sửa chữa rất khó khăn mà nhiều khi vẫn không hoàn toàn ưng ý.

Tuy nhiên, việc này chỉ có thể áp dụng với người tự xây nhà trên mảnh đất riêng của mình. Còn đối với các căn hộ chung cư mà chủ đầu tư đã xây sẵn theo thiết kế chung thì việc đáp ứng được tất cả các yêu cầu trên là rất khó khăn. Mặc dù vậy, bạn vẫn nên chọn vị trí thích hợp nhất trong căn hộ, đáp ứng được nhiều nhất các nguyên tắc trên để đặt ban thờ. Còn những điểm khác chưa đáp ứng được sẽ tìm giải pháp thích hợp và một số cách hóa giải mà chúng tôi sẽ giới thiệu ở phần sau cùng một số điều lưu ý khác khi đặt ban thờ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top