Aa

Nhà nghiêng 'doạ' sập giữa Thủ đô: Thần đèn khẳng định có thể nắn thẳng, đẹp đẽ trong 90 ngày

Thứ Sáu, 19/08/2016 - 07:31

'Thần đèn' Đỗ Quốc Khánh đề xuất ý tưởng nắn ngôi nhà nghiêng đe doạ sập trên ngõ Quan Thổ (Hà Nội), ông Khánh khẳng định có thể “nắn” lại ngôi nhà 4 ngôi nhà liền kề chỉ trong vòng 90 ngày.

Sau vụ sập nhà ở 43 Cửa Bắc (quận Ba Đình, Hà Nội) làm 2 người chết, nhiều hộ dân sống gần nhà số 177, ngõ Quan Thổ 1, phường Ô Chợ Dừa, Hà Nội cũng thon thót giật mình vì ngôi nhà 4 tầng gần đó nghiêng, lún, nứt có nguy cơ đổ xuống bất cứ lúc nào.

Ngôi nhà được xây dựng từ năm 2000 hiện đang nghiêng hẳn về phía ngôi nhà số 161 ở ngay bên cạnh. Người dân cho biết, nếu như ngôi nhà này nếu đổ không chỉ đổ trực tiếp vào ngôi nhà 161, mà còn chắn lối đi duy nhất của 7 hộ dân khác. Sợ hãi trước sự nguy hiểm của ngôi nhà này, chủ nhân đã đóng cửa bỏ đi nơi khác sống từ lâu. 

Theo tìm hiểu, bên cạnh nhà 177 là các nhà 179, 181 và 183. Nhà 177 và 179 lại chung một móng, nhà 181 và 183 cũng một móng. Vì vậy giờ nếu muốn tháo dỡ nhà số 177, sẽ phải xử lý cả 3 ngôi nhà liền kề. Tuy nhiên, chủ nhà số 181 kiên quyết không chịu tháo dỡ dẫn đến việc không thể tìm ra phương án giải quyết ngồi nhà đe doạ sập số 177.

Ngôi nhà nghiêng gần 1m giữa phố Hà Nội - Ảnh: VTC News

Ngôi nhà nghiêng gần 1m giữa phố Hà Nội - Ảnh: VTC News

Mới đây, trao đổi với PV Dân trí, Thạc sĩ Đỗ Quốc Khánh - chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước về xử lý lún nghiêng và di dời nhà - cho biết, để xử lý sự cố ngôi nhà số 177 phường Ô Chợ dừa bị nghiêng gần 1m nói trên, có 2 phương án: Nắn chỉnh hoặc tháo dỡ theo phương pháp truyền thống.

Nếu thực hiện theo phương pháp nắn chỉnh, ông Khánh cam kết có khả năng “nắn” ngôi nhà số 177 và 3 ngôi nhà liền kề thẳng đứng chỉ trong vòng 90 ngày.

“Tôi cũng đã xuống xem thực tế độ nghiêng của ngôi nhà 177, thực sự nhà này đã ở mức độ nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng đến các hộ dân xung quanh. Nếu muốn xử lý ngôi nhà bằng phương pháp nắn chỉnh thì phải được sự đồng thuận của 3 nhà kế bên. Chúng tôi sẽ nắn chỉnh, gia cố an toàn, đẹp đẽ cho cả 4 nhà này trong vòng 90 ngày” – ông Khánh khẳng định.

Thông tin trên VTV, ông Khánh chỉ ra kế hoạch cụ thể:"Bước đầu tiên là phải thực hiện văng chống tạm ngang từ nhà 177 sang nhà 161. Bước thứ hai là phải chỉnh thẳng được 90 độ toàn bộ 2 ngôi nhà này. Bước thứ ba là phải tiến hành việc gia cố móng, tạo ra một khung bê tông cốt thép bổ sung và liên kết với móng cũ, sau đó tiến hành hạ cọc bê tông xuống để đảm bảo một sự ổn định vĩnh viễn. Bước thứ tư là nhà 177 - 179 sẽ phải nâng lên vào cỡ từ 50 - 70cm, nhà 181 - 183 sẽ phải nâng lên tối thiểu từ 20 - 30cm thì mới đảm bảo được nền nhà cao hơn mặt đường. Cuối cùng là bước hoàn thiện bao gồm: ốp lại gạch chân tường, lát lại nền, làm lại bậc tam cấp hoặc nhị cấp, sau đó ốp lát lại khu vệ sinh và các gian bếp".

Trên báo Xây dưng, ông Đỗ Quốc Khánh cho biết, tổng chi phí cho việc “nắn thẳng” ngôi nhà số 177 ngõ Quan Thổ 1chỉ bằng 30 - 50% số tiền xây mới, chưa kể các chi phí nếu phải phá dỡ. Duy chỉ có điều khó khăn là các hộ xung quanh phải cùng ủng hộ phương án xử lý, bởi nếu một ngôi nhà 4 - 5 tầng bị sập thì những ngôi bên cạnh sẽ khó an toàn.

Tuy nhiên, trả lời trên báo Dân trí, bà Phạm Đỗ Thanh Thùy (chủ nhà số 177) cho biết, gia đình bà không muốn nắn chỉnh nhà mà muốn phá bỏ ngôi nhà đi xây lại vì tường nhà nhiều chỗ đã xuống cấp nghiêm trọng, không an toàn.

Vào một ngày cuối năm 2003, cả 9 thành viên của Hội đồng khoa học về lĩnh vực xây dựng ở Hà Nội đã nhất trí đề nghị Quỹ sáng tạo khoa học - công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) xét thưởng cho một công trình chưa hề xuất hiện trong giới khoa học xây dựng. Lời đánh giá quả là quý báu và khích lệ: “Đây là công trình công nghệ thực tiễn có tính mới, tính sáng tạo, độc đáo, táo bạo… Hội đồng khoa học đánh giá cao tính sáng tạo, giá trị thực tiễn và sự thành công trong việc xử lý sự cố lún, nghiêng cho hơn 30 công trình xây dựng”. Thế là mọi sự thần bí của “thần đèn đất Bắc” Đỗ Quốc Khánh đã được phơi bày cặn kẽ dưới những chiếc kính lúp của các nhà khoa học.

Theo quan điểm của ông, công trình xây dựng là một vật thể không biệt lập, luôn luôn nằm trong một hệ thống của những mối quan hệ tương tác với môi trường, như nền đất, gió bão, các công trình phụ cận. Quá trình tương tác đó biểu hiện qua sự chuyển hóa năng lượng và được biểu lộ ra ngoài bằng các tín hiệu trên bề mặt công trình và phát tán ra môi trường xung quanh. Và đó là điểm tựa cho các giải pháp xử lý cho mỗi công trình khi xảy ra sự cố. (Thông tin trên báo Xây dựng)

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top