Aa

Nhà ở ngày càng là giấc mơ xa vời với người nghèo đô thị

Chủ Nhật, 01/09/2019 - 13:32

Thị trường bất động sản bước vào giai đoạn trầm lắng, nguồn cung nhà ở giá rẻ đang sụt giảm trong khi nhu cầu vẫn tiếp tục tăng cao. Trước thực tế này, các chuyên gia đánh giá, người thu nhập thấp ngày càng khó mua nhà.

Các đánh giá thị trường cho thấy, nhu cầu nhà ở bình dân ngày càng bức thiết nhất là khi xu hướng các gia đình trẻ, gia đình tách hộ... gia tăng. Đó là chưa kể Việt Nam có tốc độ đô thị hoá nhanh, ước tính khoảng một triệu dân cư đô thị mới tăng lên mỗi năm.

Theo tính toán của Bộ Xây dựng, đến năm 2020, các khu vực đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở.

Để đáp ứng nhu cầu này, cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ nhà ở giá rẻ. Trong khi đó, thị trường đang thiếu sản phẩm nhà ở thương mại loại vừa và nhỏ có giá vừa túi tiền, thiếu nhà ở xã hội, nhà cho thuê giá thấp.

Theo con số từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2019, chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại (mới) được Sở Xây dựng đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố công nhận chủ đầu tư với quy mô diện tích chỉ có 2ha và 924 căn hộ, giảm 16 dự án (giảm 84,2%) so với cùng kỳ năm 2018. Đồng thời cũng chỉ có 24 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, với tổng số 7.313 căn, giảm 10 dự án (giảm 29,4%), giảm 2.336 căn (giảm 24,2%) so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, căn hộ bình dân giảm 34,7%. Điều đáng quan tâm là quý 2/2019, không có dự án nhà ở bình dân, vừa túi tiền được đưa ra thị trường.

Người thu nhập thấp ngày càng khó mua nhà.

Đánh giá về nguồn cung sụt giảm mạnh tại Hà Nội và TP.HCM, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, do các các thủ tục hành chính khiến nhiều dự án dù đã hoàn thành các quy định nhưng vẫn đang đợi được phê duyệt để mở bán. Mặc dù có vài đại dự án bung hàng ra nhưng khách hàng có nhu cầu không chỉ ở một địa điểm mà còn phải lựa chọn trên nhiều tiêu chí khác như công việc, đi lại,....

Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản cũng khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nguồn vốn khác thay thế một phần nguồn vốn tín dụng.

Về mặt pháp lý, các dự án nhà ở thương mại đang bị ách tắc vì thủ tục hành chính. Dù đã có quyết định chủ trương đầu tư, nhưng Sở Quy hoạch Kiến trúc không nhận hồ sơ đề xuất quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, do Luật Quy hoạch đô thị quy định chủ đầu tư đề xuất đồ án quy hoạch 1/500, trong lúc Luật Đầu tư quy định ghi tên nhà đầu tư dự án nhà ở đã được giải phóng mặt bằng.

Từ ngày 01/07/2015 (Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực), các dự án nhà ở thương mại mới có quỹ đất ở, đất nông nghiệp, xen cài đất rạch, bờ đất, đường thuộc diện Nhà nước quản lý thường chiếm khoảng trên dưới 10% diện tích dự án đều bị ách tắc thủ tục công nhận chủ đầu tư do Luật Nhà ở quy định dự án nhà ở thương mại phải có 100% đất ở.

Các chuyên gia nhận định, hiện tại Nhà nước chưa có chính sách tín dụng phù hợp hỗ trợ người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị tạo lập nhà ở cũng như cơ chế chính sách hữu hiệu nhằm khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các dự án nhà ở cho thuê để giải quyết nhu cầu chỗ ở của sinh viên, công nhân, lao động, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư. Bởi vậy, thị trường bất động sản nhà ở, nhất là phân khúc bình dân trong 2019 – 2020 có thể gặp khó khăn và thu hẹp hơn nhiều so với giai đoạn vài ba năm trước.

Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản đề nghị các địa phương cần triển khai xây dựng, điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở làm cơ sở cấp phép đầu tư cho các dự án nhà ở. Đồng thời, rà soát, bổ sung quy hoạch để có quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội. Ngoài ra, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cũng cần sớm cân đối nguồn vốn bù lãi suất, đưa chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội và nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp khu vực đô thị.

Các địa phương như Hà Nội, TP.HCM nên có các chính sách, động thái tích cực để đưa ra các giải pháp củng cố, đẩy nhanh tốc độ phê duyệt dự án, ổn định lại thị trường. Đối với các dự án phát hiện thấy sai phạm thì dừng lại còn những dự án mới nên cần được thúc đẩy triển khai. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top