Aa

Nhà ở xã hội rao bán chênh hàng trăm triệu đồng

Thứ Bảy, 19/05/2018 - 14:01

Nhà ở xã hội rao bán chênh hàng trăm triệu đồng; Vì sao nên “gỡ quy hoạch” các “khu đất vàng”?; Đắng cay vì bỏ tiền tỷ mua “niềm tin”, khách hàng vây trụ sở chủ đầu tư; Quản lý thị trường nội thất: Khó như lên trời ... là những tin tức nổi bật về bất động sản 24 giờ qua.

Nhà ở xã hội rao bán chênh hàng trăm triệu đồng

Trong vai một người cần mua nhà, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản được một nhân viên của Nhadepgiagoc.vn mời chào liên tục để mua NOXH dành cho cán bộ chiến sĩ Bộ Công an (43 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Theo các thông tin mà môi giới cung cấp, hiện các căn ở dự án này có mức giá gốc dao động từ 15 - 16,5 triệu đồng/m2. Giá chênh cho từng căn dao động trong khoảng từ 215 - 330 triệu đồng/căn.

Cụ thể, tại căn 1203 CT4, mức giá gốc là 15,15 triệu đồng/m2; giá chênh 280 triệu đồng; giá bán căn hộ (gồm cả VAT, giá gốc và chênh) là hơn 1,39 tỷ đồng. Căn 10-09 CT2, giá gốc là 16,386 triệu đồng/m2; chênh 295 triệu đồng; tổng giá bán căn hộ là gần 1,5 tỷ đồng.

Hay căn 0501 CT2, mức giá gốc là 15,975 triệu đồng/m2; chênh 330 triệu đồng; giá bán căn hộ  hơn 1,5 tỷ đồng. Các căn hộ này đều có diện tích 69,8 m2.

Các giao dịch kiểu sang ngang, bán suất đang diễn ra phổ biến tại nhiều dự án NOXH. Ảnh: Thanh Huyền.

Các giao dịch kiểu sang ngang, bán suất đang diễn ra phổ biến tại nhiều dự án NOXH. Ảnh: Thanh Huyền.

Nhân viên môi giới này cho biết, hiện dự án đang cất nóc và dự kiến bàn giao vào tháng 10 năm nay.

Để sở hữu một căn NOXH của dự án này, người mua sẽ chọn căn rồi vào cọc, phía Nhadepgiagoc.vn sẽ liên hệ chủ nhà lấy căn, làm hợp đồng và đóng tiền với chủ nhà. Người mua sẽ phải đóng 70% giá trị căn hộ và tiền chênh. Sau khi vào cọc từ 7 - 10 ngày sẽ làm hợp đồng để khóa cọc. Hai bên sẽ ký hợp đồng ủy quyền, khi có sổ thì vào tên trực tiếp.

Nhân viên này cho biết, Công ty sẽ hỗ trợ từ A đến Z về mặt thủ tục. Nếu đã có hộ khẩu Hà Nội thì chỉ cần cung cấp chứng minh thư và sổ hộ khẩu, không cần KT3 và sổ bảo hiểm.

“Khi anh chị mua nhà thì sẽ được cầm giấy tờ công chứng, giấy tờ liên quan đến căn hộ nên có thể hoàn toàn yên tâm”, môi giới này nhấn mạnh.

Xem chi tiết tại đây.

Quản lý thị trường nội thất: Khó như lên trời

Theo thống kê của Nội thất 24h, giá trị sản xuất đồ nội thất tại Việt Nam dự kiến sẽ vượt 1 tỷ USD vào năm 2020, với sự tham gia của hơn 7.000 doanh nghiệp sản xuất và cung ứng. Với số lượng lớn như thế, các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng đồ nội thất đã đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Việt Nam.

Chỉ cần gõ cụm từ “mua nội thất” trên mạng, chỉ trong vòng 0,61 giây, đã có gần 7,5 triệu kết quả tìm kiếm với đầy đủ các loại sản phẩm, mẫu mã, từ thương hiệu nổi tiếng, đến những hãng bình dân nhất, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, cũng do số lượng doanh nghiệp sản xuất, cung ứng quá lớn, với sự đa dạng về mẫu mã, chủng loại và xuất xứ sản phẩm nội thất, nên việc quản lý thị trường này rất khó khăn với các cơ quan quản lý. Điều này dẫn đền tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng trôi nổi kém chất lượng vẫn có đất sống trên thị trường, ảnh hưởng tới lợi ích của người tiêu dùng và xã hội nói chung.

Việc xử lý hàng giả, hàng nhái rất khó khi không có đơn vị khiếu kiện.

Việc xử lý hàng giả, hàng nhái rất khó khi không có đơn vị khiếu kiện.

Chia sẻ với phóng viên, anh Trường, một chủ cửa hàng kinh doanh đồ nội thất lâu năm tại quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ, hiện nay, trên thị trường, không ít các cửa hàng nội thất nhỏ lẻ tại Hà Nội, hay TP.HCM giới thiệu là nhà phân phối của nhiều hãng lớn, nhưng khi khách hàng đưa ra các yêu cầu về chứng nhận sản phẩm, thì không cung cấp được, hoặc yêu cầu xuất hóa đơn VAT, không ít các đơn vị này cũng không thể cung cấp.

Ở một góc độ khác, ông Phạm Ngọc Cường, Giám đốc Kinh doanh Công ty cổ phần Xây dựng nội thất Nhà Xinh nhận định, thực ra, để phân biệt được hàng nội thất thật giả hiện nay, người trong nghề còn khó, chứ đừng nói đến người tiêu dùng. Bởi nội thất có nhiều loại sản phẩm, công năng khác nhau, cách nhận biết khác nhau và không ai am hiểu hết tất cả các sản phẩm.

Xem chi tiết tại đây.

Đắng cay vì bỏ tiền tỷ mua “niềm tin”, khách hàng vây trụ sở chủ đầu tư

Ngày 16.5, hàng chục khách hàng mua sản phẩm tại dự án Everluck Residence (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) đã kéo đến số 260C Lạc Long Quận, quận 11, TP.HCM, trụ sở chính của Công ty TNHH XD-DV-TM-ĐT bất động sản Tường Phong (Công ty Tường Phong - chủ đầu tư dự án Everluck Residence) để căng băng rôn đòi “sổ đỏ”.

Nội dung băng rôn xoay quanh vấn đề mấu chốt là tố cáo Công ty Tường Phong có nhiều dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng vì trong 10 năm không thể triển khai dự án.

Các khách hàng cho biết, từ năm 2007 - 2009 họ đã đặt mua đất nền trong tổng số 987 lô tại dự án Everluck Residence. Theo điều khoản hợp đồng, thì chủ đầu tư phải giao sổ đỏ cho người mua. Mỗi nền dao động với mức giá từ 450.000 – 1 tỷ đồng.

Vì

Vì "trót tin" vào chủ đầu tư, các khách hàng mua dự án Everluck Residence (Long An) có nguy cơ mất trắng tài sản.

Tuy nhiên, đến thời điểm bàn giao sổ đỏ thì chủ đầu tư liên tục khất hẹn. Điều này gây ra sự bất an và phẫn nộ cho các khách hàng. Họ đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư giải quyết rất nhiều lần nhưng không có “tín hiệu”, hoặc các thông tin trả lời... cho có.

Đến năm 2013, sự hy vọng “nhen nhóm” lên khi mà chủ đầu tư có văn bản bàn giao nền và thông báo nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhưng lại xuất hiện điểm lạ là công ty Tường Phong đã đóng băng dự án khi không tiếp tục triển khai hạ tầng cho Everluck Residence.

Theo tìm hiểu của PV, vào thời điểm bán cho khách hàng, công ty Tường Phong đã thế chấp dự án này cho ngân hàng SEA Bank. Đến tháng 7.2015 lại tiếp tục thế chấp cho ngân hàng Quốc Dân, vì thế không thể cấp chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất cho khách hàng. Điều đáng nói là việc thế chấp, vay vốn của Tường Phong không nhằm mục đích phục vụ cho dự án Everluck Residence. Và dĩ nhiên, khách hàng cũng không hề biết gì về việc này.

Xem chi tiết tại đây.

Vì sao nên “gỡ quy hoạch” các “khu đất vàng”?

Không chỉ những "khu đất vàng" tọa lạc tại trung tâm TP.HCM mà một số dự án có quy mô lớn như khu đô thị đại học quốc tế ở Hóc Môn, khu công viên Mũi Đèn Đỏ và khu nhà ở với tên gọi Saigon Peninsula (quận 7) quy mô 118ha cũng trong tình trạng "im hơi lặng tiếng" nhiều năm qua.

Đáng chú ý có trường hợp "dự án vàng" khu đô thị sinh thái Thanh Đa - Bình Quới (quận Bình Thạnh), được phê duyệt quy hoạch từ năm 1992, với quy mô hơn 400ha, tích hợp đầy đủ chức năng về nhà ở, thương mại, vui chơi giải trí... theo tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại, dành cho dân số khoảng 40.000 - 50.000 người.

Còn nhớ, tại kỳ họp thứ 17, HĐND TP.HCM Khóa 7 (tháng 12/2009), vấn đề giải quyết tình trạng "quy hoạch treo" của khu đô thị sinh thái Thanh Đa - Bình Quới đã được các đại biểu liên tục chất vấn nhưng đến nay, dự án vẫn chưa "trở mình", người dân không thể xây nhà kiên cố, bộ mặt đô thị ít nhiều bị ảnh hưởng.

Được biết, đến cuối năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai) được UBND TP.HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án khu đô thị Thanh Đa - Bình Quới, với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng, nhưng sau đó, nhà đầu tư ngoại cũng nói lời chia tay.

Theo rà soát của Sở Xây dựng TP.HCM (tiến hành trên các dự án đã được cấp phép từ 2004 - 2014), chỉ tính riêng khu vực trung tâm Thành phố (quận 1, 3), đã có 44 dự án được cấp phép xây dựng nhưng chậm triển khai (30 dự án chưa triển khai xây dựng nhưng giấy phép xây dựng đã hết hiệu lực khởi công và 14 dự án đã triển khai nhưng ngưng xây dựng, còn dở dang).

Xem chi tiết tại đây.

Dự án Usilk City: Khối "ung nhọt” của thị trường bất động sản Hà Nội

Không ai có thể ngờ rằng, dự án gồm 9 khối nhà chung cư cao tầng với 2.800 căn hộ chung cư cao cấp, có tổng số vốn đầu tư lên đến 10.000 tỷ đồng, hứa hẹn mang đến cho khách hàng một không gian sống đẳng cấp, thời thượng nhưng thực tế, trong quá trình triển khai, chủ đầu tư dự án lại đẩy hàng nghìn khách hàng vào cảnh khó khăn, lao đao triền miên.

Nhiều năm qua, những tòa nhà Usilk 101, 102, 103 - là nơi ở của rất nhiều hộ dân nhưng hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) chưa được hoàn thiện.

Theo anh Nguyễn Tiến (phòng 1409 – 103 Usilk City), mới đây Sở Cảnh sát PCCC Thành phố có xuống kiểm tra hệ thống cháy nổ của tòa nhà. Theo đó, phía lực lượng PCCC đề nghị “đóng cửa” hầm gửi xe cũng như toàn bộ các tòa nhà vì lí do không đủ điều kiện an toàn. Trước sự việc đó, vì bị người dân phản ứng khá gay gắt nên lực lượng PCCC cho lắp biển cảnh báo và một số bình chữa cháy “lèo tèo”... theo kiểu đối phó, "xong chuyện".

Xem chi tiết tại đây.

Chủ tịch VCCI: Thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng và phát triển ổn định

Dự báo thị trường bất động sản năm nay, Chủ tịch VCCI cho rằng, sẽ là năm thị trường bất động sản tiếp tục có sự tăng trưởng và phát triển ổn định. Để bảo đảm cho sự phát triển ổn định của thị trường bất động sản, Chính phủ đã có những công cụ đồng bộ để quản lý và giám sát. Bên cạnh đó, điều quan trọng hơn là đã và đang có những thay đổi về chính sách giúp thị trường bất động sản Việt Nam ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.

“Điều này có thể thấy qua việc dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước vào bất động sản đang ngày càng tăng. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc đang quan tâm đến và họ cần cơ chế cởi mở, thông thoáng để đầu tư. Tại TP.HCM, có một số dự án đang hợp tác đầu tư thành công. Theo các số liệu thống kê được các tổ chức quốc tế công bố, thị trường bất động sản Việt Nam thu hút gần nửa tỷ USD từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay và chiếm 12,8% tổng vốn FDI của cả nước trong giai đoạn này”, TS Lộc cho biết.

Giai đoạn 2018 - 2020, theo dự báo và yêu cầu phát triển thị trường bất động sản tiếp tục có sự điều chỉnh lớn để giải quyết tình trạng lệch pha cung - cầu hiện nay, giúp thị trường trở lại hướng phát triển lành mạnh, bền vững hơn. Ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM đang tập trung phát triển hệ thống hạ tầng đô thị tạo ra dư địa lớn cho các doanh nghiệp đầu tư, phát triển thị trường bất động sản cả trong trung hạn và dài hạn.

Xem chi tiết tại đây.

Mua nhà lãi suất 4,8%/năm: Dân Sài Gòn chia nhau 50 tỷ

Theo HoREA, giữa năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản gửi Chính phủ, về phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, đồng ý bổ sung 2.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Trong đó dành một phần bổ sung để thực hiện chính sách NOXH.

"Trong nguồn vốn nêu trên, có khoảng 1.260 tỷ đồng được phân bổ để thực hiện chính sách NOXH. Tuy nhiên năm 2017, Ngân hàng Chính sách xã hội chưa giải ngân cho các đối tượng thụ hưởng NOXH . Đến tháng 05/2018, Ngân hàng Chính sách xã hội TP.HCM công bố vừa được phân bổ 50 tỷ đồng. Nguồn vốn quá ít ỏi để thực hiện cho vay mua, thuê mua NOXH trên địa bàn thành phố", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhận định.

Với thực trạng đó, HoREA vừa có kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội, tùy theo điều kiện ngân sách nhà nước, mà hàng năm bố trí khoảng 1.000 - 2.000 tỷ đồng, để thực hiện trong giai đoạn 2018 - 2020. Đồng thời Hiệp hội cũng đưa ra 4 kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng NOXH.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top