Aa

Nhà thờ Đức Bà: Đại trùng tu để bảo tồn trạng thái nguyên thủy

Thứ Ba, 24/10/2017 - 06:16

Để chuẩn bị trùng tu Nhà thờ Đức Bà, các vật liệu chính như xi măng, sắt thép, ngói, kính màu, chuông… đều được mang từ Pháp sang. Tòa tổng giám mục đã chủ động tìm cho được nơi sản xuất ngói, vật liệu ngày xưa.

Nhà thờ Đức Bà nhìn từ trên cao

Nhà thờ Đức Bà nhìn từ trên cao

Tổng giám mục tổng giáo phận Sài Gòn mới công bố khởi công trùng tu Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Sau 137 năm hiện diện (11.4.1880), Nhà thờ Đức Bà xuống cấp nghiêm trọng. Đây là cuộc đại trùng tu để đưa nhà thờ về trạng thái nguyên thủy. Dự kiến hoàn thành giữa năm 2020. Kinh phí ước tính hơn 100 tỷ đồng và hoàn toàn do chủ đầu tư là Tòa tổng giám mục vận động từ nguồn xã hội hóa.

Linh mục Inhaxiô Hồ Văn Xuân, Chánh sở Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn, Tổng đại diện giáo phận Sài Gòn, Trưởng ban trùng tu về cuộc đại trùng tu này đã có trao đổi với báo giới về dự án này.

Linh mục

Linh mục Inhaxiô Hồ Văn Xuân

Về những giá trị độc đáo của Nhà thờ Đức Bà

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn do KTS. J.Bourad thiết kế. Kiến trúc phương Tây độc đáo, kết hợp hài hòa giữa hai kiểu thức Roman – Gothic, với những kết cấu và vật liệu mới, phù hợp với các điều kiện xã hội và khí hậu bản xứ.

Kết nối với các con đường Lê Duẩn, Công xã Paris, Nguyễn Du, Nhà thờ là một công trình khá đặc biệt trong quy hoạch, một điểm nhấn trong không gian đô thị trung tâm quận 1. Nhà thờ không có hàng rào và khuôn viên xung quanh như các nhà thờ khác. Trước Nhà thờ có một vườn hoa nhỏ và tượng đài Đức Mẹ Hòa Bình.

Sau 137 năm, nhiều tấm tôn trên tháp chuông có thể rơi xuống đường bất kỳ lúc nào

Sau 137 năm, nhiều tấm tôn trên tháp

chuông có thể rơi xuống đường bất kỳ lúc nào

Mặt bằng Nhà thờ được thiết kế theo hình thánh giá, với sức chứa khoảng 1.200 người. Khi thiết kế mái ngói, kiến trúc sư đã thành công trong việc kết hợp hài hòa giữa kiểu mái ngói Việt với mái ngói Pháp. Chất liệu gạch rất đặc biệt, tuy trải qua hơn một thế kỷ mà vẫn hồng tươi, bề mặt không bị đóng rêu…

Dù được tham quan rất nhiều, nhưng có lẽ ít người biết tường tận những nét độc đáo của Nhà thờ Đức Bà: những bức tranh thánh thiêng bằng kính màu tuyệt đẹp, các góc cầu nguyện ở 20 bàn thờ nhỏ, các chặng đàng thánh giá tinh xảo, đặc biệt là bàn thờ dâng lễ ngày xưa và bộ chuông cùng với đồng hồ cổ rất độc đáo…

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn khác với Nhà thờ Chính tòa Paris là có hai tháp nhọn ở trên, cao khoảng 57m, do KTS. Fernand Gardes bổ sung 15 năm sau (1895). Cùng thánh giá cao 3,5m được lắp đặt trên đỉnh tháp, chiều cao công trình kể từ mặt đất đến đỉnh thánh giá là 60,5m. Để đỡ bộ chuông nặng gần 30 tấn, tường gác chuông được xây rất dày: 1,4m. Toàn bộ nhà thờ dài 91,5m, chiều ngang 35,6m.

Về quá trình chuẩn bị trùng tu suốt hai năm qua?

Các vật liệu chính như xi măng, sắt thép, ngói, kính màu, chuông… đều được mang từ Pháp sang. Tòa tổng giám mục đã chủ động tìm cho được nơi sản xuất ngói, vật liệu ngày xưa. Trong hai năm qua, thừa lệnh bề trên, tôi đến Roumazières-Loubert (Pháp) tham quan hãng ngói Monier và đặt ngói Marseille (ngói mũi tên) để lợp mái trên.

Tìm hiểu thì chỉ có công ty này mới sản xuất ngói giống như ngói nguyên thủy của nhà thờ. Hiện chúng tôi đã đưa 27.250 viên ngói về Việt Nam. Ngói này được bảo hành 30 năm. Tôi cũng đã đến Bray et Lü tìm hiểu về tấm kẽm lợp hai tháp nhọn phía trên hai tháp chuông. Công trình trùng tu sẽ sử dụng kẽm Azengar cho hai tháp nhọn và hệ thống máng xối của Công ty VMZINC thuộc tập đoàn Umicore.

Sau đó, tôi đến Hüllhorst (Đức) tham quan hãng sản xuất ngói Meyer-Holsen (1860) và đã mua ngói vảy cá để lợp mái dưới, đồng thời cũng nhờ Công ty Eurohaus đặt giúp ngói âm dương.

Về chuông, sau khi cân nhắc, chúng tôi chọn hãng Bollée thành lập năm 1715, hãng đã chế tác bộ chuông cổ cho Nhà thờ Đức Bà năm 1878. Bộ chuông gồm 6 quả chuông đồng lớn, được phối âm độc đáo. Hiện chuông còn tốt nhưng phải thay các phụ kiện đã hư hỏng; đồng thời chúng tôi sẽ nhập về thêm hai quả chuông nữa (nặng 1.000kg và 600kg) để tạo đủ bộ hợp âm trong việc tái tạo tiếng chuông đàn, gõ nhạc phát theo mùa, lễ…

Khi tôi sang Pháp trao đổi, các bên đã tham gia xây Nhà thờ trước đây cho biết họ rất hân hạnh được tham gia cuộc trùng tu này. Quá trình trùng tu phải kéo dài nhiều năm. Bởi kiến trúc của nhà thờ rất độc đáo, cách xây dựng khá tỉ mỉ, công phu và đạt độ chính xác cao, lại nằm giữa lòng phố xá đông đúc nên việc trùng tu đòi hỏi phải cân nhắc thật kỹ lưỡng, với sự tư vấn của nhiều công ty, tổ chức, cá nhân có chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm trong kiến trúc, văn hóa…

Về vấn đề bảo tồn và gìn giữ các di tích, giá trị tôn giáo trong bối cảnh hiện nay?

Tôi nghĩ, trong khi đô thị phát triển với tốc độ rất nhanh như hiện nay, bảo tồn hài hòa là vấn đề không đơn giản chút nào.

Các hạng mục cần trùng tu gồm: phục chế mái ngói gạch đất sét nung; sàn mái bằng, tháp chóp nhọn tấm kẽm, khung gỗ đỡ chuông, nền trong và ngoài nhà thờ, cung thánh, cầu thang gạch và sàn chiếu nghỉ xây gạch trên ray sắt, sàn xây gạch cuốn vòm trên thép chữ I, hệ thống cửa sắt và gỗ, cửa sổ và bông gió, hệ thống điện chiếu sáng và ánh sáng nghệ thuật; sửa chữa vòm trần xây gạch rỗng 6 lỗ; sửa chữa tường và trang trí tường trong và ngoài; thiết lập hệ thống điều áp và thông gió.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top