Aa

Nhà văn Y Ban: "Người trẻ đang làm thay đổi định nghĩa về Tết cổ truyền"

Thứ Năm, 15/02/2018 - 15:00

Những ngày cuối tháng Chạp hối hả, nhà văn Y Ban tự thưởng cho mình chút thời gian thảnh thơi, thư giãn bên tách trà hoa cúc thơm dịu, cuộc trò chuyện với chị là những góc nhìn rất thực tế về Tết cổ truyền.

PV: Trong không khí hối hả và tất bật của những ngày giáp Tết, nhiều người vẫn thở dài: “Bao giờ cho đến ngày xưa” như một sự nuối tiếc cái Tết của những ngày xưa cũ, cảm nhận của chị như thế nào thưa nhà văn Y Ban?

Nhà văn Y Ban: Cái Tết càng nghèo bao nhiêu thì càng đậm trong ký ức bấy nhiêu. Tôi vẫn còn nhớ mãi ký ức của những ngày thơ bé, chỉ khi Tết đến mới dược diện một cái áo trắng mới, rất đẹp. Cả nhà cùng nhau từ Nam Định về Ninh Bình là quê của bố tôi để ăn Tết. Bố đi xe đạp, mẹ gồng gánh bao nhiêu thứ theo sau, nhưng cả nhà ai cũng háo hức mong chờ. Và với tôi, Tết tinh khôi như chiếc áo mới được diện.

Nhà văn Y Ban

Nhà văn Y Ban. Ảnh: Kháng Trần

Hương vị ngày Tết của những năm tháng ấy gói trọn trong chiếc bánh chưng. Người ta so nhau Tết nhà ai to hơn ở việc có bao nhiêu cái bánh chưng. Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh của một sáng 30 Tết, được bố đèo trên chiếc xe đạp qua tận bến Đò Quan (Nam Định) để tìm cho đủ lá dong gói bánh, vì năm ấy gia đình có việc nên chuẩn bị Tết muộn. Tay tôi bị cước, tê cứng vì nước lạnh nhưng vẫn háo hức rửa từng cái lá gói bánh một cách nâng niu, rồi phơi khô, lau sạch cẩn thận vì nếu chẳng may lá rách thì coi như mất Tết.

Thời ấy, đến Tết mới được ăn chiếc bánh đa nem nên dù nem có cứng ơi là cứng, miến thì khô không khốc nhưng hương vị vẫn thấy thơm ngon vô cùng. Và Tết đem đến niềm vui bất tận. Đến khi lớn hơn, ở cái tuổi lãng mạn, cảm xúc ngày Tết là niềm háo hức được cùng bạn bè đi ngắm chợ hoa, lúc đó, niềm vui cứ ngân dài, trái tim rộn ràng như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. 

Con trẻ không nghe những lời chúng ta rả rả nói mà chúng nhìn vào những hành động chúng ta làm để học theo, để hình thành tính cách và suy nghĩ theo năm tháng. Ngày Tết cổ truyền của dân tộc thiêng liêng như thế nào, khoảnh khắc giao thừa trời đất vần vũ ra sao, cũng bắt đầu chính từ sự linh thiêng trong mỗi nếp nhà.

PV: Phải chăng sự no ấm, đủ đầy đang làm cho Tết trở nên nhạt dần? 

Nhà văn Y Ban: Thực ra tôi nghĩ lúc này, câu chuyện ăn uống không thành vấn đề nữa, cái không khí chuẩn bị, sự tất bật, yếu tố tinh thần mới là quan trọng. Nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ Tết cổ truyền, nhưng tôi cho rằng chúng ta không thể bỏ dịp quan trọng này được đâu. Trong cuộc sống gấp gáp và hối hả này, chúng ta cần có một khoảng thời gian để sống chậm lại, như một bước nghỉ, dành thời gian cho gia đình, cho sum vầy, để nhớ lại những ký ức hay đơn giản chỉ là làm mới lại bản thân. Trong một năm tất bật, ai cũng cần có một khoảng thời gian như thế và đó chính là dịp Tết.

Điều quan trọng thứ hai mà tôi muốn nói đến là một thứ hơi trừu tượng, tôi gọi đó là hoóc môn nội sinh. Bạn đã bao giờ ngẫm, vì sao Tết cổ truyền của ngươi Việt vào đúng thời điểm mùa xuân? Không phải ngẫu nhiên mà người ta coi khoảnh khắc giao thừa là vô cùng thiêng liêng, đó là sự giao thời giữa mới và cũ, là thời điểm để vạn vật đều sinh sôi, cây cối đâm chồi, nảy lộc. Đó là thời điểm cho một cuộc chuyển hoá kỳ diệu. Và với con người cũng vậy, chúng ta có thể khép lại một năm cũ với bao nhọc nhằn, khó khăn để nghỉ ngơi và bắt đầu cho một niềm hy vọng mới. Vì thế, Tết nhạt hay không là ở trong tim mỗi người.

Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn háo hức với không khí của chiều 30, cả gia đình cùng nhau đi dạo ngắm chợ hoa ngày Tết. Hoa ngoài chợ chẳng hiểu sao vẫn thấy đẹp hơn hoa mang về nhà mình, dù lúc đó còn lấm lem bùn đất nhưng lại mơn mởn sức sống. Khi đó, ta đi mua không khí, cảm nhận không khí.

Nhà văn Y Ban chuẩn bị nồi cá kho cho ngày Tết

Nhà văn Y Ban chuẩn bị nồi cá kho cho ngày Tết

PV: Là một nhà văn luôn chia sẻ, thấu hiểu và tích cực trong công cuộc giải phóng phụ nữ, hẳn chị hiểu rằng, phụ nữ ngày nay sợ… Tết lắm?

Nhà văn Y Ban: Khi mọi người cảm thấy gánh nặng trên vai mình thì niềm vui Tết không còn nữa. Phụ nữ ngày nay vất vả lắm, bởi ngày Tết, không chỉ “thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh” là đủ. Cuộc sống quá đủ đầy về vật chất khiến người ta lại đòi hỏi cao hơn. Bữa đầu tiên có bánh chưng, dưa hành thì ngon, đến bữa thứ hai cũng dọn mâm cỗ ấy ra thì các “quan ngài” chẳng buồn ăn nữa. Chưa kể, nhiều thủ tục rườm rà, phức tạp “đè” lên đôi vai người phụ nữ. Mà có lẽ, nỗi ám ảnh nhất trong ngày Tết chính là việc đàn ông chìm đắm trong những bữa nhậu, cuối cùng không biết bao nhiêu gia đình rơi vào cảnh vợ con bơ vơ vì chồng ngộ độc rượu, dẫn đến tử vong. Nhưng theo tôi, dù có thể nào, thời gian có làm đổi thay những gì, thì có lẽ, hương vị ngày Tết nơi góc bếp vẫn là thứ không thể thay thế, đó cũng chính là cách để người phụ nữ giữ lửa gia đình.

PV: Theo chị, người phụ nữ thông minh nên làm thế nào để giữ lửa gia đình và bỏ bớt gánh nặng trên đôi vai mình vào dịp Tết?

Nhà văn Y Ban: Tôi nghĩ rằng, trước tiên nên có một kế hoạch sắp xếp hợp lý. Nếu biết tính toán và xác định việc ăn uống không quá quan trọng thì mọi việc sẽ rất nhẹ nhàng. Tôi vẫn nghĩ, hương vị ngày Tết không thể thiếu đi bát canh măng nấu với chân giò, một hương vị rất truyền thống. Tuy nhiên, sau khi ăn những món ăn đậm hương vị dân tộc trong ngày 30 và mùng 1 Tết, đến mùng 2 thì ai cũng lại thèm một bữa cơm quen thuộc rồi. Những người phụ nữ thông minh hãy chuẩn bị sẵn một nồi cá kho, thịt bò luộc ngâm dấm…, và đến ngày mùng 3 có thể chuẩn bị sẵn những món gỏi cuốn tôm thịt, bánh gối… Tôi vẫn gọi đùa là món ăn theo chủ đề. Như vậy, bạn có thể giữa được hương vị và cảm xúc trọn vẹn trong cả mấy ngày Tết.

Nhưng theo tôi, quan trọng nhất để giữ lửa ngày Tết vẫn cần có sự sẻ chia trong gia đình. Nếu như trong năm, chúng ta đã quá vội vã, quá gấp gáp, quá hối hả, tại sao trong dịp này, những người phụ nữ không tâm sự, chia sẻ với chồng để nhận được sự giúp đỡ, để cùng nhau chuẩn bị một bữa cơm ấm áp. Nếu cuộc sống có sự chia sẻ thì mọi điều sẽ tốt đẹp hơn. Phụ nữ đừng tự biến mình thành nô lệ trong 3 ngày Tết. Quan trọng nhất là tạo ra bữa cơm đầm ấm, sum vầy trong chiều 30 Tết.

Ảnh: Kháng Trần

Ảnh: Kháng Trần

PV: Nhà văn vừa nhắc đến bữa cơm chiều 30 gói trọn ý nghĩa sum vầy của ngày Tết, nhưng ngày nay, người ta thấy chiều 30 quán xá vẫn tấp nập, đông vui những người trẻ?

Nhà văn Y Ban: Chính các bạn trẻ ngày nay đang làm thay đổi định nghĩa về Tết cổ truyền. Ở thời điểm này, có thể các bạn ấy chỉ coi Tết là dịp để nghỉ ngơi và đi chơi thôi, nhưng khi xa rồi mới thấy ý nghĩa ngày Tết thiêng liêng, đáng trân trọng như thế nào. Cô con gái của tôi du học bên Pháp 9 năm, cũng đồng nghĩa với 9 cái Tết không được tham dự cùng gia đình. Và mỗi bữa cơm chiều 30 hay khoảnh khắc giao thừa, từ trời Tây vọng về chỉ biết khóc.

Các bạn trẻ khó nói lắm, nhưng đừng lo, đạo nhà như thế nào thì các bạn ấy sẽ theo như thế. Gia đình nào có trên có dưới, có nền nếp gia phong, thì con cái vẫn háo hức mong đến Tết để được ở bên ông bà, cha mẹ. Cả một xã hội không lo được cho một gia đình nhưng từng gia đình biết gìn giữ thì đạo nhà vẫn còn. "Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy". Con trẻ không nghe những lời chúng ta rả rả nói mà chúng nhìn vào những hành động chúng ta làm để học theo, để hình thành tính cách và suy nghĩ theo năm tháng. Ngày Tết cổ truyền của dân tộc thiêng liêng như thế nào, khoảnh khắc giao thừa trời đất vần vũ ra sao, cũng bắt đầu chính từ sự linh thiêng trong mỗi nếp nhà.

PV: Xin trân trọng cảm ơn nhà văn Y Ban!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top