Aa

Nhận diện nguyên nhân chậm giải ngân vốn nước ngoài

Thứ Hai, 30/09/2019 - 13:30

Qua 9 tháng, giải ngân vốn nước ngoài mới đạt hơn 23% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn rất nhiều tỷ lệ giải ngân chung vốn ngân sách nhà nước.

Ngoài những nguyên nhân chung làm chậm giải ngân đầu tư công, thì vốn vay còn có những vướng mắc đặc thù.

Không giải ngân hết, nhiều đơn vị xin giảm vốn

Theo số liệu của Bộ Tài chính, giải ngân vốn ngoài nước 9 tháng được 10.543,082 tỷ đồng, mới đạt 18,8% kế hoạch Quốc hội giao và 23,09% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết thêm, từ tháng 9/2018 đến nay, Phó Chủ tịch nước đã ký 45 hiệp định thương mại với giá trị khoảng 7,5 tỷ USD, trong đó vốn vay chiếm khoảng 73%, còn lại là viện trợ không hoàn lại và vốn đối ứng. 

Nhưng trong 45 hiệp định đã ký kết thì việc ký gia hạn và sửa đổi đã chiếm đến 47%, trong đó có gia hạn từ 6 tháng, 1 năm đến 5 năm. Điều này cho thấy tốc độ giải ngân còn rất chậm. Phó Chủ tịch nước lấy ví dụ tại một dự án xây dựng trường đại học, hiệp định ký từ tháng 11/2011, dự kiến kết thúc tháng 12/2016, nhưng đến nay vẫn chưa biết bao giờ hoàn thành, hiệp định phải gia hạn thêm 5 năm nữa.

Lường trước không có khả năng giải ngân hết vốn nước ngoài được giao, nhiều bộ, ngành, địa phương đã đề xuất điều chỉnh giảm vốn. Trong báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công diễn ra ngày 26/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, Bộ đã nhận được đề xuất của 4 bộ (Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Y tế) và 8 địa phương (Lào Cai, Phú Thọ, Lai Châu, Đắk Lắk, Kon Tum, Hà Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn) đề nghị điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2019 với tổng số vốn là 9.947,386 tỷ đồng.

Ngay tại Hội nghị, thêm Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất điều chuyển vốn do không giải ngân hết với số vốn 280 tỷ đồng.

Nguyên nhân đặc thù

4/7 dự án đường sắt đô thị đang trong giai đoạn thực hiện điều chỉnh tổng mức đầu tư, dẫn đến việc bố trí vốn giải ngân bị đình trệ. Ảnh: Lê Tiên

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chỉ ra, do công tác chuẩn bị dự án sơ sài, một số dự án sử dụng vốn nước ngoài phải thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn hiệp định vay, nên dù đã lựa chọn xong nhà thầu cũng chưa được phép ký kết hợp đồng thực hiện, có khối lượng hoàn thành nhưng không thể giải ngân hoặc không đủ căn cứ pháp lý để bố trí hay bổ sung kế hoạch vốn. Riêng nhóm các dự án đường sắt đô thị với tổng vốn vay đã ký kết gần 4,5 tỷ USD thì có 4/7 dự án đang trong giai đoạn thực hiện điều chỉnh tổng mức đầu tư, dẫn đến việc bố trí vốn giải ngân bị đình trệ.

Trong khi nhiều bộ, ngành, địa phương đề nghị điều chỉnh giảm vốn vay nước ngoài, thì có rất nhiều bộ, cơ quan trung ương, địa phương đề xuất bổ sung vốn. Cụ thể, Bộ KH&ĐT đã nhận được đề xuất của 3 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương đề nghị bổ sung với tổng số vốn là 4.791,995 tỷ đồng. “Bộ đã báo cáo Chính phủ xin chủ trương cho phép điều chuyển kế hoạch giữa các đơn vị bộ, ngành, địa phương tại Báo cáo số 6220/BC-BKHĐT ngày 29/8/2019 tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Nguyên nhân lớn nữa là tính sẵn sàng của dự án còn thấp. Trong nhiều trường hợp, mặc dù dự án được bố trí đủ kế hoạch vốn nhưng công tác triển khai rất chậm. 

“Điều này cho thấy, công tác chuẩn bị dự án còn nhiều bất cập. Đặc biệt, các vấn đề liên quan đến tư vấn thiết kế, giải phóng mặt bằng, tái định cư, định mức đơn giá xây dựng chậm được cập nhật... là các nguyên nhân chính làm kéo dài khâu chuẩn bị đầu tư, xác định tổng dự toán, thiết kế chi tiết, do đó dẫn đến chậm triển khai dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Theo Bộ KH&ĐT, vướng mắc về thủ tục cho vay lại cũng tác động rất lớn đến tiến độ giải ngân vốn nước ngoài. Trong đó nổi lên vướng mắc liên quan đến quy định về tài sản bảo lãnh cho các hợp đồng vay lại. 

Theo quy định tại Nghị định số 97/2018/NĐ-CP về cho vay lại vốn vay ODA, các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp (bên vay lại) phải có tài sản bảo đảm mới có thể ký được hợp đồng vay lại. Trong khi đó, theo Khoản 5, Điều 54 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì đơn vị sự nghiệp công lập không được sử dụng tài sản công để thế chấp hoặc làm tài sản bảo đảm cho khoản vay lại trong dự án.

Ngoài ra, rất nhiều dự án chậm giải ngân do thiếu vốn đối ứng để giải phóng mặt bằng, trả thuế VAT cho nhà thầu; vướng mắc về thủ tục kiểm soát chi, giải ngân, rút vốn…

Lấy ví dụ Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao (KCNC) Hòa Lạc, Ban Quản lý KCNC Hòa Lạc cho biết, thời gian từ nghiệm thu đến khi nhà thầu nhận tiền vào khoảng 2,5 tháng. Cụ thể, từ khi nghiệm thu được tư vấn phê duyệt (2 tuần), đệ trình lên kho bạc kiểm soát chi trước (2 tuần), chuyển lên Bộ Tài chính (1 tuần), JICA Việt Nam (2 tuần), JICA Nhật Bản (2 tuần).

Để thúc đẩy giải ngân vốn nước ngoài, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các đơn vị tập trung giải quyết các vướng mắc về đấu thầu mua sắm, thuế, giải phóng mặt bằng; đôn đốc các chủ dự án khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để ký kết hợp đồng cho vay lại; khi có khối lượng hoàn thành cần làm ngay thủ tục kiểm soát chi, gửi đơn rút vốn để Bộ Tài chính kịp thời gửi nhà tài trợ. Đồng thời, theo dõi sát tiến độ từng dự án để kịp thời có đề xuất điều chuyển, điều chỉnh kế hoạch vốn cho phù hợp...

Đặc biệt nhấn mạnh nguyên nhân chậm giải ngân vốn nước ngoài do phân cấp phân quyền còn chồng chéo, không biết ai chịu trách nhiệm, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị Chính phủ rà soát lại việc phân công, phân cấp, ủy quyền, nêu rõ trong Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top