Aa

Nhận định mới về vụ khởi kiện sở hữu kỳ nghỉ

Thứ Ba, 15/08/2017 - 20:01

Nhận định về vụ khởi kiện của Công ty Vịnh Thiên Đường đối với luật sư Trương Anh Tú, luật sư Nguyễn Phú Thắng, Hãng Luật Intercode, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng: “Nếu như mọi lập luận, chứng cứ cung cấp chỉ dừng lại

PV: Dưới góc độ luật sư, ông nhìn nhận thế nào về việc Chủ dự án Alma khởi kiện đơn vị trợ giúp pháp lý cho khách hàng ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ với công ty này?

Luật sư Nguyễn Phú Thắng: Thông tin báo chí những ngày qua cho thấy Tòa án nhân dân TP Nha Trang đã tiếp nhận Đơn khởi kiện của Công ty TNHH Khu du lịch Vĩnh Thiên Đường kiện ông Trương Anh Tú, Luật sư Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú với khá nhiều yêu cầu, nhưng đáng kể nhất là yêu cầu luật sư Tú bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số tiền hơn 82 tỷ đồng.

Trước hết, việc khởi kiện một tổ chức, cá nhân ra tòa theo thủ tục tố tụng dân sự là chuyện bình thường khi người khởi kiện cho rằng hành vi của tổ chức cá nhân đó là trái pháp luật đồng thời xâm phạm đến quyền nhân thân, quyền tài sản, quyền lợi hợp pháp khác đã xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra cơ xảy ra tác động của hành vi đó. Điều mới lạ ở đây có chăng là người bị kiện là một Luật sư hành nghề chuyên nghiệp.

Hai là, như thông báo của luật sư Trương Anh Tú trên truyền thông, tính đến cuối tuần trước, luật sư Tú vẫn chưa nhận được một văn bản tố tụng nào của Tòa án liên quan đến Đơn khởi kiện của Công ty Vịnh Thiên Đường. Như vậy, có thể tạm nhận định đây mới là giai đoạn Tòa án phân công thẩm phán, xem xét đơn khởi kiện, hoặc Tòa án có thể đã ban hành một trong các quyết định như yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện hoặc chuyển Đơn cho Tòa án có thẩm quyền…

Thứ ba, đây là vụ kiện hy hữu, người khởi kiện sau khi cân nhắc thận trọng đã chủ động tấn công pháp lý vào người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho những khách hàng đã ký hợp động Sở hữu kỳ nghỉ với Công ty Vịnh Thiên Đường. Kết quả vụ kiện là khó đoán định, song bước đầu có thể nhận định nhiều khoản không thuyết phục trong các yêu cầu về bồi thường thiệt hại, hay là việc gỡ bài, đề nghị gỡ bài, cải chính nội dung các bài viết, bình luận, phát biểu sẽ khó được Tòa án chấp nhận.

PV: Những lý do và trách nhiệm mà Vịnh Thiên Đường đưa ra để khởi kiện cũng như yêu cầu Văn phòng luật sư Trương Anh Tú đền bù, theo ông có hợp lý không? 

Luật sư Nguyễn Phú Thắng.

Luật sư Nguyễn Phú Thắng.

Luật sư Nguyễn Phú Thắng: Thứ nhất, việc đánh giá tính hợp pháp, có căn cứ của Đơn khởi kiện và các chứng cứ kèm đơn do Tòa án thực hiện và quyết định thông qua việc thụ lý hay không thụ lý đơn.

Thứ hai, người khởi kiện cũng thông qua luật sư viện dẫn một số quy định tại Luật Báo chí, Luật tố cáo, Luật cạnh tranh, Luật công nghệ thông tin, Luật luật sư, Luật bảo vệ NTD, rồi Quy tắc đạo đức ứng xử nghề luật sư..

Bước đầu tôi cho rằng việc viện dẫn một số quy định trong các văn bản nêu trên để làm căn cứ khởi kiện là chưa chính xác, chẳng hạn như Luật tố cáo không điều chỉnh những hành vi của người bị kiện; Luật cạnh tranh không can thiệp vào hoạt động nghề nghiệp của luật sư hay như Luật báo chí cũng vậy. Nếu viện dẫn Luật báo chí, thì chính xác hơn anh phải khởi kiện tờ báo đầu tiên đăng tải thông tin, những tổ chức, cá nhân khác sẽ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.  

Thứ ba, nếu như mọi lập luận, chứng cứ cung cấp chỉ dừng lại như trong Đơn khởi kiện của Công ty Vịnh Thiên Đường thì rất có thể yêu cầu khởi kiện của họ sẽ bị Tòa án bác.

PV: Trên thực tế, đã có trường hợp luật sư bảo vệ quyền lợi cho khách hàng bị kiện chưa, thưa luật sư?

Luật sư Nguyễn Phú Thắng: Thực tế đã có một số luật sư bị khởi kiện ra Tòa án theo thủ tụng tố tụng dân sự. Tuy nhiên kết quả cũng khác nhau và thông thường thì các bên ngồi lại với nhau để thương lượng. Ai cũng có thể nhận thấy trong vụ này, mục đích của việc khởi kiện luật sư Trương Anh Tú không phải là đạt được những nội dung yêu cầu trong Đơn khởi kiện hoặc ít nhất không phải là đạt được toàn bộ yêu cầu.

Trong vụ việc này, Công ty Vịnh Thiên Đường và luật sư của họ thừa hiểu và nhận thức được động cơ cũng như đích đến của việc kiện tụng sẽ dẫn tới đâu. Đây rất có thể là một nước cờ có tính toán nhằm loại bỏ các cản trở phát triển kế hoạch làm ăn của Công ty Vịnh Thiên Đường.

Bên ngoài dự án ALMA.

Bên ngoài dự án ALMA.

PV: Ông có cho rằng, Chủ đầu tư dự án Alma đang quá tập trung vào việc "đổ lỗi" cho luật sư - đơn vị chỉ ra những hành vi sai phạm của doanh nghiệp mình mà quên rằng doanh nghiệp đã và đang mắc phải những sai phạm nghiêm trọng trong quá trình đầu tư, gây thiệt hại cho khách hàng? 

Luật sư Nguyễn Phú Thắng: Một số khách hàng ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ với Vịnh Thiên Đường cũng đã làm việc với tôi. Nhiều người rất am tường pháp luật, nắm giữ nhiều thông tin quan trọng và đang đấu tranh với Vịnh Thiên Đường khá hiệu quả bằng phương pháp riêng của họ.

Tôi không muốn nói về những sai phạm về góc độ hồ sơ pháp lý của công ty này, cũng như thông tin thiếu trung thực công ty này truyền tải tới khách hàng vì mọi người đã biết. Song tôi cho rằng: việc không nhìn nhận tính bất bình đẳng, tính không tự nguyện trong việc giao kết hợp đồng sơ hữu kỳ nghỉ và các phụ lục hợp đồng đã rút ngắn tuổi thọ của những bản hợp đồng này. Vậy nếu Vịnh Thiên Đường muốn tránh khiếu nại, khiếu kiện, buộc phải thay đổi nội dung hợp đồng và cách giao kết hợp đồng;

Điều khoản bảo mật thông tin trong hợp đồng sẽ mất hiệu lực và trở nên vô nghĩa trong trường hợp công ty vi phạm nghĩa vụ cơ bản của hợp đồng. Tôi nhấn mạnh "Nghĩa vụ cơ bản" có nghĩa là việc vi phạm dẫn đến mục đích giao kết của hợp đồng không đạt được. Rơi vào tình huống này, nếu mọi nỗ lực đàm phán không kết quả, quyền cung cấp thông tin cho báo chí và bên thứ ba (cho luật sư chẳng hạn) không phụ thuộc vào ý chí của công ty này, đồng thời khách hàng không phải lo lắng về trách nhiệm pháp lý khi tiết lộ thông tin.

Quy định bảo mật thông tin chỉ phát sinh hiệu lực khi hai bên tuân thủ hợp đồng và một bên vô tình hay hữu ý tiết lộ thông tin không được sự đồng ý của bên kia đồng thời việc tiết lộ này gây thiệt hại cho bên không tiết lộ.

Ngoài ra, việc Vịnh Thiên Đường “đổ lỗi” cho luật sư mà không ghi nhận và phản hồi ý kiến khiếu nại của khách hàng hoặc có ghi nhận phản hồi nhưng không công khai là “chiến thuật” của họ. Việc Vịnh Thiên Đường hạn chế việc thành lập các câu lạc bộ, nhóm khách hàng để chia sẻ thông tin là ví dụ tiêu biểu thể hiện “kế hoạch kinh doanh” của họ.

Thay vì thanh minh, giải thích hoặc thay đổi phương thức kinh doanh, Vịnh Thiên Đường tổ chức tấn công pháp lý về phía luật sư được khách hàng mời bảo vệ là cách làm của họ. Song có vẻ cách làm này sẽ không hiệu quả và có thể tình hình sẽ mất kiểm soát khi phải giải quyết tại Tòa án.

Cuối cùng, theo tôi việc khởi kiện luật sư ra Tòa án có thể là “con dao hai lưỡi” nếu không biết cách sử dụng quyền tố tụng luật định.

Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top