Aa

Nhân quả luôn hiện diện

Chủ Nhật, 26/05/2019 - 06:00

Nhân quả là một điều ai cũng có thể kiểm chứng được. Bằng cuộc đời của những người xung quanh. Và bằng chính cuộc đời mình.

Hồi Tết vừa rồi tôi xuống chơi nhà ông bạn thân. Bác sĩ Nguyễn Chí Chương, Giám đốc Bệnh viện Mắt Bắc Ninh.

Bởi vì thân nhau từ bé nên việc qua lại dịp nọ kia nó cũng là cái sự thường, chả mấy khi để ý đến. Thế nhưng lần này, vô tình tôi lại gặp cả mấy đứa em trai ruột của ông bạn, vốn đi làm việc sinh sống các nơi nên mình cũng ít gặp. Thật là tình cờ mà đủ cả bốn nam, “tứ tử trình làng”! Ngồi nói chuyện hỏi han việc đời những năm qua của các chú em này thấy nhiều cái hay.

Nhưng thú vị hơn cả là ngồi hầu chuyện các cụ ông. Nghe chuyện cụ vỡ ra được nhiều điều, biết thêm được nhiều việc khác.

Cụ Nguyễn Chí Tẩm, thân sinh ông bạn tôi năm nay 87 tuổi. Ở cái tuổi ấy mà vẫn minh mẫn dõng dạc như cụ thật hiếm. Thật ra thì tôi biết về cụ Nguyễn Chí Tẩm nhiều không phải là qua ông bạn mình hay qua lời kể của cụ. Thỉnh thoảng có dịp hầu chuyện, cụ ít kể về mình mà thường hay kể cho tôi nghe chuyện làng quê xưa, làng Mão Điền lừng danh thiên hạ.

Tôi biết nhiều chuyện về cụ là do dịp nhà trường phổ thông trung học nơi chúng tôi từng học tổ chức kỷ niệm 50 năm thành lập. Tôi được mời vào ban tổ chức. Và quá trình phục dựng lại tư liệu, hình ảnh về hoạt động của nhà trường qua nửa thế kỷ, tôi thấy hiện lên hình bóng của ông bố bạn mình.

Cụ Nguyễn Chí Tẩm và các con trai

Cụ Nguyễn Chí Tẩm và các con trai

Hồi những năm 60 của thế kỷ trước khi nhà trường cấp 3 đầu tiên của huyện thành lập là một thời kỳ cực khó khăn. Miền Bắc khi ấy vừa qua một cơn bão mang tên “cải cách ruộng đất” tàn phá hầu như mọi nguồn lực phát triển. Ngay trong gia đình cụ Tẩm khi ấy cũng điêu đứng trăm bề khi bên nội, bên ngoại dù chỉ là những người làm ăn chân chính do chăm chỉ mà có cuộc sống khá giả hơn chút, cũng bị họ quy cho là địa chủ. Mất nhà, mất ruộng. Thậm chí bố vợ còn chết luôn trong tù mà chả có một phiên tòa xét xử.

Thế nhưng gác lại mọi oán hận, bố mẹ ông bạn tôi dồn sức vào chăm lo cho con cái và đặc biệt chú trọng việc học hành. Bởi các cụ xác định, chỉ có học là con đường duy nhất để mở mặt ra với đời. Trường cấp 3 thành lập, anh con lớn của cụ là Nguyễn Chí Phô đi học. Cụ Tẩm được các thày trong trường mời làm Hội trưởng Hội phụ huynh. Cho đến tận bây giờ, sau 50 năm, các thày cô giáo cũ của trường thời ấy vẫn nhắc, thật hiếm có một ông Hội trưởng Phụ huynh nào nhiệt tình như cụ. Không đủ phòng học, cụ vận động các phụ huynh khác đi vào các làng xóm xung quanh trường, xin tre chặt vác về, xin rơm rạ về tự tay dựng lớp học. Các thày cô giáo thời bao cấp mọi thứ tem phiếu phân phối lương thực thực phẩm hiếm hoi, cụ tự đi liên hệ với các hợp tác xã chăn nuôi quanh vùng xin thêm lợn gà về cải thiện đời sống...

Cứ như vậy, thân sinh ra ông bạn tôi, cụ Nguyễn Chí Tẩm đã vừa làm ruộng, vừa tham gia những việc xã hội tự nguyện không công, lần hồi nuôi các con ăn học trưởng thành. Anh Nguyễn Chí Phô là cả, học xong tham gia bộ đội chống giặc trên biên giới phía Bắc và hy sinh năm 1979. Một chị gái nghỉ học lấy chồng sớm ở làng nhưng nay con cái cũng rất trưởng thành, chị có một cô con gái tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội nay công tác ngoài đó. Ông bạn tôi cùng tuổi Tân Sửu, đúng là “tân biến vi toan”, ngẫu nhiên đóng vai anh cả! Dưới còn 3 em trai nữa...

Câu chuyện về cuộc đời ông bạn tôi, bác sĩ nhãn khoa lừng danh Nguyễn Chí Chương cũng là một câu chuyện hay, đáng viết thành một cuốn tiểu thuyết! Hết phổ thông thi vào được Đại học Y Hà Nội. Đã từng đỗ đầu kỳ thi tuyển bác sĩ nội trú khét tiếng của trường Y khi đó. Nội trú ngay tại Viện Mắt trung ương.

Thế rồi cuộc đời đưa đẩy bầm dập đến có lúc tưởng như trắng tay. Thế nhưng nhờ có bàn tay vàng và một trí tuệ uyên bác, ông bạn tôi vẫn giành được chỗ đứng xứng đáng trong xã hội. Khi mà bạn tôi mở ra phòng khám chữa bệnh về mắt đầu tiên của cả vùng, dân nghèo được nhờ nhiều lắm. Đơn cử thí dụ một ca mổ thiên đầu thống, nếu mổ ở chỗ bạn tôi thì chi phí chỉ bằng 1/10 so với ra Viện Mắt trung ương!

Đến người con kế sau ngay ông bạn tôi là Nguyễn Trí Tuệ cũng là cả một câu chuyện có tính trường thiên tiểu thuyết! Cái thời mà Tuệ lặn lội đi học đi làm ít người biết. Gian nan vất vả khôn xiết. Mà giờ người ta chỉ nhìn thấy ông Tiến sĩ Luật mũ cao áo dài, đương kim Phó Chánh án Tòa án Tối cao, kiêm Giám đốc Học viện Tòa án.

Nhưng với tư cách đàn anh, tôi mừng nhất là cả một quá trình công tác trong ngành tòa án từ tỉnh Bắc Ninh rồi ra trung ương, tôi không thấy có điều tiếng xấu gì về Tuệ. Mà dịp gần đây, thỉnh thoảng thấy Tuệ lên tiếng xử lý những vụ việc gây bất bình trong dư luận, thấy mừng! Mừng vì ông em Nguyễn Trí Tuệ vẫn giữ được tiếng tăm xưa.

Em thứ ba, Nguyễn Chí Hoan, là Cục phó Thi hành án tỉnh Bắc Ninh.

Em thứ tư, Nguyễn Chí Cảnh, Trưởng phòng giao dịch Ngân hàng Agribank phố Hồ, Thuận Thành.

Mùa xuân xuống nhà ông bạn ngồi ngắm hoa đào, hoa hồng, hoa lan các loại trồng quanh nhà đang nở tưng bừng, ngồi hầu chuyện với cụ thân sinh ra ông bạn thân, cụ Nguyễn Chí Tẩm. Ngắm vóc dáng dung nhan của một lão niên xấp xỉ tuổi chín mươi, cái tuổi mà người ta gọi là đại thọ, chợt thấy hình như quy luật của đất trời, của cuộc đời luôn hiển hiện.

Ở hiền thì gặp lành. Gieo nhân nào thì gặt quả ấy. Trong cuộc đời mình, cụ Nguyễn Chí Tẩm không những đã cần mẫn gieo hạt trên cánh đồng của làng Mão Điền, mà còn hầu như dành cả cuộc đời gieo ươm hạt mầm những con chữ vào tâm hồn trí tuệ các con của mình. Và giờ đây, như một sự tất nhiên, các con của cụ đang được gặt hái thành quả!

Tôi không phỏng vấn.

Cụ cũng không kể gì thêm.

Thế nhưng mọi người xung quanh đều cảm thấy, đúng là luật trời luôn hiện diện trong cuộc đời này. Mọi lúc, mọi nơi.

Đời cha gieo hạt đức và đời con đang được gặt quả lành. Nhân quả là một điều ai cũng có thể kiểm chứng được. Bằng cuộc đời của những người xung quanh. Và bằng chính cuộc đời mình.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top