Aa

Nhân viên và sếp có cần hợp tuổi nhau không?

Thứ Tư, 27/03/2019 - 06:01

Kỳ trước chúng tôi đã giới thiệu bài “Cách tự xem tuổi hợp nhau trong làm ăn, kinh doanh”. Vậy sếp và nhân viên có cần hợp tuổi nhau không?

 

Sếp cần chọn người thân tín hợp tuổi

Trong làm ăn, kinh doanh, buôn bán, chọn được người cộng tác tin cẩn là rất quan trọng. Bởi trong công việc rất cần sự bàn bạc, chia sẻ. Vì vậy, người cộng sự của sếp thường là nắm được rất nhiều thông tin, kể cả những bí mật, bí quyết của công ty. Lại còn những chuyện “nội tình”, những mối quan hệ tế nhị nhưng hết sức quan trọng nhiều khi sếp cũng cần người bàn bạc và thực hiện. Không những thế, những điểm mạnh, điểm yếu hay kế hoạch, đường đi nước bước của doanh nghiệp mà nếu lộ ra đối thủ có thể lợi dụng để kiềm chế, thậm chí triệt hạ nhau đều là những thông tin mà không phải chỉ có mình sếp biết. Vì vậy, việc lựa chọn người tin cậy là tối quan trọng đối với chủ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong một doanh nghiệp có đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn, chục nghìn người làm việc thì làm sao sếp có thể chọn được tất cả đều là người… hợp với sếp. Ngay như đội ngũ quản lý cũng hết sức đông đúc thì phải làm thế nào?

Câu trả lời ở đây, cả theo phong thủy và trên thực tế là sếp chỉ cần chọn một số người thân tín, cộng sự đắc lực, gần gũi mình cả trong công việc và cuộc sống là được. Đó là những người giúp việc thân cận nhất, là cán bộ ở những vị trí then chốt, quan trọng của doanh nghiệp, nắm những thông tin, bí mật mang tính sống còn đối với công ty.

Trên thực tế ta cũng thấy, đối với cơ quan nhà nước thì đó là trợ lý, thư ký của sếp, rồi người phụ trách nhân sự và tài chính. Và một nhân vật tưởng như “không là gì” nhưng lại rất quan trọng, đó chính là… người cầm lái. Đối với lĩnh vực kinh tế cũng thế, ngoài những nhân sự trên thì còn kể đến người nắm lĩnh vực phát triển thị trường, xây dựng kế hoạch, trong đó có các ý tưởng…   

(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

Xét về khía cạnh phong thủy thì sự hòa hợp hay xung khắc chỉ bộc lộ khi các yếu tố tương tác với nhau. Những nhân vật giữ vị trí then chốt ngoài việc nắm những vấn đề quan trọng thì cũng là người thường xuyên làm việc, tiếp xúc với sếp nên sự hòa hợp là hết sức cần thiết.

Còn trên thực tế, những người nắm giữ cương vị chủ chốt nếu phản bội lại ông chủ thì không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, tài chính có thể đong đếm được mà còn có những thiệt hại vô hình không dễ gì bù đắp.

Đó là việc sếp chọn cộng sự. Còn chiều ngược lại, đối với nhân viên thì sao? Tốt nhất bạn cũng cần có sự hòa hợp với sếp, nhưng là sếp trực tiếp phụ trách, còn sếp cấp cao hơn nếu hợp thì tốt, còn không cũng chẳng ảnh hưởng gì lớn vì “gần lửa” mới “rát mặt”. Cái quan trọng hơn là sự hòa hợp với những đồng nghiệp cùng cấp với mình. Bởi đây mới là người có lợi ích, mục tiêu, mục đích giống nhau nên mới có sự cạnh tranh, đôi khi đến khốc liệt. Tuy nhiên không phải ở đâu, lúc nào cũng chọn được tất cả các đồng nghiệp hợp nhau. Vấn đề mấu chốt ở đây là khi biết không hợp tuổi nhau thì phải có cách ứng xử khéo léo, tránh va chạm để không bùng nổ mâu thuẫn là được.

Còn đối với nhân viên thì để… sếp trên lo

Qua phân tích ở trên thì bạn cũng đã thấy, chọn người cộng tác hợp nhau là cần thiết, nhưng không phải là chọn tất cả mọi người, mà chỉ cần chọn người ở những vị trí quan trọng. Ngoài ra, nếu là người hợp tuổi thì tốt, còn không cũng không phải là vấn đề gì lớn. Cụ thể là đối với người lãnh đạo, chỉ cần chú ý chọn đến tầng thứ hai, trong tầng thứ hai cũng chỉ cần chú ý đến một số vị trí chủ chốt là đủ. Vì vậy, có không ít sếp giao hẳn tầng thứ ba cho cán bộ tầng thứ hai chọn, bởi đó chính là nhân sự có quan hệ, ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến nhau trong công việc và cuộc sống hằng ngày, và chính họ mới cần có sự hòa hợp với nhau hơn là với sếp. 

Từ quan hệ đó suy ngược lại, nhân viên cũng không cần quan tâm đến việc có hợp hay không hợp với sếp sòng. Bởi đối với đơn vị lớn, nhân sự đông, thậm chí đến tên nhân viên hay phòng ban nhân viên đó làm việc, sếp nhiều khi còn chẳng biết, chẳng nhớ thì làm sao mà còn phải lo hợp hay không hợp. Mặt khác, sếp mới sợ tay chân phản bội, chứ nhân viên có gì để sếp… phản bội đâu, có chăng cùng lắm cũng chỉ là sự hứa rồi để đấy, hoặc thiếu ưu ái, không quan tâm một chút mà thôi. Bạn hãy để thời gian quan tâm đến cách ứng xử với đồng nghiệp, rồi đến sếp trực tiếp, còn sếp trên nữa thì để sếp trực tiếp của mình… lo./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top