Aa

Nhiều dự án BOT "cưỡng bức" dân

Thứ Năm, 15/09/2016 - 19:40

Nhiều dự án BOT được lập trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo và khi trạm thu phí mọc lên, khách hàng không có sự lựa chọn nào khác, ngoài việc chấp nhận qua trạm thu phí. Đây là hình thức cưỡng bức sử dụng dịch vụ gây bức xúc, phản đối kéo dài trong thời gian qua.

Tại cuộc hội thảo khoa học do Kiểm toán Nhà nước tổ chức ngày 15/9, đại kiện Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) đã phê phán gay gắt việc thu phí BOT quá cao, cũng như việc buông lỏng quản lý đối với các dự án BOT đường bộ thời gian vừa qua. 

Tước đoạt quyền sử dụng của dân

Tính đến tháng 7/2016, Bộ Giao thông Vận tải đã huy động được tổng vốn đầu tư hơn 212 ngàn tỉ đồng cho 79 dự án giao thông, thực hiện theo hình thức BOT. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện BOT đã và đang xảy ra nhiều bất cập, thiếu sót.

“Thực trạng công tác thu phí hoàn vốn còn nhiều bất cập, thiếu sót và chưa hoàn thiện. Mức thu phí cao gây bức xúc dư luận, có thể dẫn đến bóp méo, làm sai lệch chủ trương đúng đắn của Đảng về phát triển hạ tầng giao thông”, đại diện Bộ KH&ĐT nhận xét.

Trạm thu phí Bến Thuỷ. Ảnh: Interner

Trạm thu phí Bến Thuỷ. Ảnh: Interner

Thực tế trong thời gian qua, Bộ KH&ĐT đã tiến hành thanh tra 11 dự án BOT trên quốc lộ 1A và quá trình thanh tra cũng đã chỉ ra những bất cập, thiếu sót trong công tác thu phí hoàn vốn này.

Nhiều dự án BOT được lập trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo và khi trạm thu phí mọc lên, khách hàng không có sự lựa chọn nào khác, ngoài việc chấp nhận qua trạm thu phí. Đây là hình thức cưỡng bức sử dụng dịch vụ gây bức xúc, phản đối kéo dài trong thời gian qua.

Người dân đã đóng thuế và Nhà nước có nghĩa vụ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu đảm bảo nhu cầu đi lại cho người dân. Những tuyến đường độc đạo này trước đây được xây dựng dựa trên tiền thuế của người dân; được duy tu, bảo dưỡng dựa trên tiền phí của người dân (qua Quỹ bảo trì đường bộ).

Bây giờ, nhà đầu tư vào lập dự án BOT (một số đoạn chỉ là thảm lại bề mặt) và thu phí, lập luận rằng nhà đầu tư đang bán phần giá trị gia tăng, nhưng thực chất là đã tước đoạt đi quyền sử dụng của người dân đối với một tiện ích vốn thuộc về họ.

"Cõng" phí cho vài dự án khác

Ngoài ra, do chưa có quy định về việc trạm thu phí phải nằm trong phạm vi dự án, nên một số trạm thu phí được đặt ở vị trí không hợp lý, công trình một nơi - thu phí một nơi, tạo sự bất bình đẳng và gây bức xúc dư luận. Đại diện Bộ Kế hoạch- Đầu tư chỉ rõ, trạm thu phí của Dự án BOT hầm đường bộ Phước Tượng, Phú Gia lại đặt ở Km894 trên QL1 trước hầm Hải Vân. Điều này khiến người dân ở thị trấn Lăng Cô khi đi lại, giao dịch với thành phố Đà Nẵng không hề sử dụng hầm đường bộ Phước Tượng, Phú Gia mà vẫn phải trả phí.

Thậm chí có trường hợp được coi là “lẩu thập cẩm” như việc nhà đầu tư sử dụng trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 và trạm thu phí cầu Bến Thủy 2 để hoàn vốn cho các dự án: dự án tuyến tránh TP.Vinh, dự án Nam Bến Thủy - tuyến tránh TP.Hà Tĩnh, dự án nút giao QL46 và dự án Cầu Yên Xuân.

Từ đó, những người dân ở các huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn và thị xã Hồng Lĩnh của tỉnh Hà Tĩnh nếu chỉ đi qua cầu Bến Thủy 1 và 2 có thể không ngờ được rằng mình đang cõng phí cho vài dự án khác ở đâu đó bên tỉnh Nghệ An.

Ngược lại, những người dân ở Nghệ An nếu không đi qua cầu Bến Thủy 1 và 2 để sang Hà Tĩnh, thì có thể yên tâm sử dụng miễn phí tuyến tránh TP.Vinh, cầu vượt nút giao QL46 với đường sắt Bắc - Nam và cầu Yên Xuân. Sự bất bình đẳng về phí này gây thiệt thòi cho người dân chỉ đi qua cầu Bến Thủy 1 và 2, mà không sử dụng dịch vụ của các công trình BOT khác kể trên.

Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, tính trên hệ thống các tuyến quốc lộ, có tới 32 trên tổng số 88 trạm thu phí (tương đương 36%) không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70 km. Mặc dù theo quy định tại điểm b khoản 2 điều 2, Thông tư 159/2013/TT-BTC, có thể bố trí khoảng cách giữa các trạm nhỏ hơn 70 km nếu Bộ Giao thông Vận tải thống nhất ý kiến với UBND cấp tỉnh và Bộ Tài chính.

Việc có quá nhiều trường hợp đặc biệt như vậy được chấp thuận, đang khiến mật độ trạm thu phí trở nên dày đặc và ngột ngạt. Cá biệt, có trường hợp khoảng cách giữa các trạm thu phí chỉ trên dưới 15 km, như: trạm thu phí Hầm Đèo Ngang đặt tại Km590 trên QL1 chỉ cách gần 15 km với trạm thu phí của dự án BOT QL1 đoạn Km597+549 - Km605+000 và đoạn Km617+000 - Km641+000 đặt tại Km604+700 trên QL1.

Hầu hết các dự án BOT không phải xây dựng tuyến mới, chỉ là nâng cấp, cải tạo trên các tuyến đường hiện hữu vốn có nhiều giao cắt đồng mức. Do đó, chỉ có thể áp dụng hình thức thu phí hở (thu phí theo lượt), không thể áp dụng hình thức thu phí kín (thu phí theo chiều dài quãng đường thực đi). Hình thức thu phí hở này vừa không đảm bảo kiểm soát được lưu lượng thực tế, vừa gây khó khăn cho địa phương nơi trạm thu phí được lắp đặt.

Trên thực tế, người dân sống gần trạm thu phí là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất do họ có xu hướng bị nộp phí nhiều hơn và gánh chịu chi phí hàng hóa đắt đỏ hơn. Vì vậy, cần có giải pháp đối với người dân địa phương sống gần trạm thu phí để tránh những bức xúc như hiện nay.

Phó chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch & Đầu tư Lê Quốc Đạt cũng nêu vấn đề thu phí trùng phí hiện nay gây bức xúc cho người dân. Theo ông, các phương tiện hầu hết đã phải trả phí sử dụng đường bộ nhưng ví dụ khi lưu thông trên Quốc lộ 1 lại phải trả phí BOT vì không còn sự lựa chọn nào khác để đi. "Cứ ra đường là mất tiền, nếu không chỉ có cách bay vì không còn đường song hành nào khác", ông nói. 

Không thể độc quyền

Ông Ngô Văn Quý - Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV - đơn vị được giao kiểm toán các dự án BOT cũng đề cập tới việc "độc quyền" của các nhà BOT trên những tuyến đường quốc lộ chính.

Theo ông, muốn hiệu quả phải lựa chọn đầu tư BOT với những dự án đường xây mới chứ không phải độc quyền như hiện nay để cho người dân có quyền lựa chọn đi hoặc không đi. "Nếu đường theo dự án BOT làm tốt, họ lựa chọn, không thì thôi, họ đi con đường khác. Có vậy nhà đầu tư mới tìm mọi cách để làm với chi phí thấp nhất nhằm thu hút phương tiện giao thông thay vì độc quyền con đường như hiện nay", ông Quý nói.

Vị đại diện Kiểm toán Nhà nước này cũng thẳng thắn nêu bất cập trong việc lựa chọn nhà đầu tư. Các dự án chủ yếu theo hình thức chỉ định chứ không đấu thầu, theo ông Quý, chỉ vì lý do muôn đời là "nhu cầu cấp bách". Ông và các chuyên gia cho rằng Nhà nước nên tham gia ngay từ đầu khâu nghiên cứu tiền khả thi và khả thi, sau đó mới lựa chọn nhà đầu tư thay vì phó mặc hết các tư nhân như vậy. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top