Aa

Nhiều dư địa cho địa ốc cố đô

Thứ Bảy, 29/06/2019 - 07:02

Thị trường bất động sản Thừa Thiên - Huế đang có những bước tiến khá mạnh mẽ trong thời gian gần đây thông qua sự hiện diện của nhiều nhà đầu tư lớn, cũng như những dự án mới...

Bước ngoặt mới

Thời gian gần đây, bất động sản tỉnh Thừa Thiên - Huế phát triển khá sôi động với nhiều dự án mới được cấp chủ trương đầu tư. Đáng chú ý, Dự án Laguna Lăng Cô vừa qua đã điều chỉnh tăng vốn thêm 1,125 tỷ USD, nâng tổng vốn đăng ký của dự án là 2 tỷ USD, đồng thời xin bổ sung hạng mục casino vào dự án.

Quy hoạch đô thị mới An Vân Dương đang góp phần thu hút nhiều nhà đầu tư đến với thị trường bất động sản Thừa Thiên - Huế

Quy hoạch đô thị mới An Vân Dương đang góp phần thu hút nhiều nhà đầu tư đến với thị trường bất động sản Thừa Thiên - Huế

Cũng trong quý I/2019, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cấp quyết định chủ trương đầu tư mới cho 7 dự án với tổng mức đầu tư là 13.105,5 tỷ đồng.

Trong đó, lĩnh vực bất động sản với 3 dự án bao gồm Dự án Khu du lịch sinh Biển Hải Dương (2.107 tỷ đồng), Dự án Khách sạn, dịch vụ du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng và khu vui chơi giải trí tổng hợp (4.168 tỷ đồng), Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng phát triển thể chất kết hợp vui chơi, thể thao Lộc Bình tại xã Vinh Hiền và xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế (3.066 tỷ đồng).

Một điểm nhấn khác của thị trường bất động sản Thừa Thiên - Huế đó là sự kiện ra mắt Hiệp hội Bất động sản tỉnh Thừa Thiên - Huế. Sự kiện đánh dấu bước ngoặt mới của bất động sản địa phương này khi chuyển từ giai đoạn “bước nhanh thì bước một mình”, sang giai đoạn “bước cùng nhau để tiến xa”.

Hiệp hội Bất động sản Thừa Thiên - Huế chính thức ra mắt

Hiệp hội Bất động sản Thừa Thiên - Huế chính thức ra mắt

Theo đó, Hiệp hội Bất động sản Thừa Thiên - Huế là tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản của tỉnh Thừa Thiên - Huế và các cá nhân, tổ chức có liên quan, tự nguyện thành lập, nhằm mục đích hợp tác, liên kết hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau, góp phần vào việc xây dựng, phát triển bền vững ngành, lĩnh vực bất động sản tại Thừa Thiên - Huế.

Hiệp hội đóng vai trò đại diện, làm đầu mối, tổng hợp ý kiến của các hội viên để tham gia, kiến nghị với các cơ quan nhà nước về các chủ trương, chính sách liên quan đến ngành, lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội theo quy định của pháp luật; bảo vệ quyền lợi hợp pháp và tạo điều kiện để các đơn vị, tổ chức là hội viên tiếp cận với các tổ chức trong và ngoài tỉnh…

Ông Phan Thiên Định, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, Hiệp hội Bất động sản Thừa Thiên - Huế ra đời là rất cần thiết, tạo ra cầu nối giữa doanh nghiệp và chính quyền để cùng chung tay tạo nên một thị trường bất động sản phát triển vững mạnh trên địa bàn. Qua đó, sẽ tạo ra bước chuyển mình cho thị trường bất động sản tỉnh Thừa Thiên - Huế theo hướng minh bạch, có kiểm soát, năng động và hiệu quả.

Đồng thời, sự ra đời của Hiệp hội sẽ giúp việc kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh đoàn kết, lành mạnh, không lợi dụng kẽ hở của chính sách, thổi giá, đẩy giá, tung tin thất thiệt làm người tiêu dùng hiểu sai bản chất thị trường, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội.

Ông lớn hội tụ

Không chỉ với những dự án mới được cấp chủ trương đầu tư, hiện nay, nhiều ông lớn trong lĩnh vực bất động sản đang xem Thừa Thiên - Huế là điểm đến mới khi đề xuất đầu tư những dự án lớn. Cụ thể, Tập đoàn Việt Hưng nghiên cứu đầu tư Dự án Quần thể sân golf và làng du lịch sinh thái phong cảnh Việt Nam với quy mô khoảng 567ha tại phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy.

Một dự án khác là Dự án Khu Du lịch dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí Ecopark Huế với quy mô trên khoảng 138ha tại khu D - Khu đô thị mới An Vân Dương cũng được Tập đoàn Việt Hưng nghiên cứu khảo sát đầu tư.

Trong khi đó, Tập đoàn FLC hiện đang nghiên cứu khảo sát đầu tư dự án khu du lịch nghỉ dưỡng tại xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang với diện tích khoảng 220ha và một dự án khác là tổ hợp thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí tại Khu A - Đô thị mới An Vân Dương.

Đáng chú ý, FLC cũng đã đề xuất đầu tư dự án khu tổ hợp nghỉ dưỡng sinh thái, thể thao và giải trí tại xã Phong Hòa và xã Phong Thu, huyện Phong Điền với quy mô khoảng 700ha.

Hiệp hội Bất động sản Thừa Thiên - Huế ra đời là dấu móc quan trọng của thị trường bất động sản cố đô

Hiệp hội Bất động sản Thừa Thiên - Huế ra đời là dấu móc quan trọng của thị trường bất động sản cố đô

Đối với Vingroup, ngoài Dự án Tổ hợp Vincom (TP. Huế) đã hoàn thành và đưa vào hoạt động, đơn vị này cũng đang nghiên cứu đầu tư khu thương mại dịch vụ kết hợp shophouse (diện tích 8.123m2) tại thị trấn Phú Bài, thị xã Hương Thủy.

Tập đoàn Sovico của nữ tỷ phú đô la Nguyễn Thị Phương Thảo cũng nghiên cứu đầu tư 2 dự án lớn đó là Khu du lịch và nghỉ dưỡng Lập An - Lăng Cô và Khu đô thị tại khu E - Đô thị mới An Vân Dương…

Tập đoàn Sun Group cũng nghiên cứu đầu tư 2 dự án là Dự án Khu đô thị Thủy Biều và Dự án Khu du lịch Lăng Cô - đầm Lập An (Lăng Cô). Một tên tuổi lớn khác là Văn Phú Invest cũng đã quyết định bỏ vốn vào đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại khu vực xã Vinh Hiền và xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc với tổng vốn đầu tư 3.066 tỷ đồng.

Tại khu vực quy hoạch Đô thị mới An Vân Dương, khu vực trọng điểm của thị trường địa ốc Huế hiện nay, nhiều nhà đầu tư cũng đang đề xuất các dự án mới bên cạnh nhiều dự án đã hiện hữu và đi vào hoạt động.

Cụ thể, Công ty cổ phần Aryana Việt Nam và Công ty cổ phần Đầu tư Việt Anh nghiên cứu đầu tư khu dân cư tại một số vị trí tại khu A; Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư Hoàng Nhất Nam, Công ty cổ phần Đất xanh Miền Trung, Công ty cổ phần Xây dựng điện Việt Nam đề xuất khu đô thị hai bên đường Chợ Mai - Tân Mỹ, thuộc khu C…

Ông Trần Anh Quốc Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản Thừa Thiên - Huế đang hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần khi có lợi thế là gần Đà Nẵng, nằm trên vành đai phát triển mạnh mẽ về du lịch - bất động sản tại miền Trung là Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Bình, có sân bay Phú Bài, có đầy đủ hệ thống đường sắt, đường bộ, đường sông, cảng biển,… nên sẽ được cộng hưởng tốt từ sự phát triển du lịch và kinh tế - xã hội, cũng như cộng hưởng tiềm năng từ thu hút đầu tư.

Ngoài ra, Huế còn có lợi thế nhờ có nền tảng lịch sử, văn hóa xã hội khi hơn 200 năm là kinh đô của cả nước, chỉ cần khai thác tốt các yếu tố này để xây dựng một Thừa Thiên - Huế “xanh - sạch - đẹp”, là đô thị di sản, trung tâm văn hóa, y tế, du lịch của cả nước, thì trong tương lai gần, bất động sản Huế sẽ được nâng cao giá trị rất nhiều để trở thành một thị trường bất động sản trọng điểm mới của cả nước.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top