Aa

Nhiều ngân hàng gom vốn chuẩn bị cho những "trận đánh lớn"

Thứ Năm, 19/07/2018 - 06:00

Nửa đầu năm, bên cạnh huy động tiền gửi từ khách hàng, nhiều nhà băng đã tìm đến nguồn vốn huy động từ phát hành trái phiếu và vay các định chế tài chính nước ngoài với giá trị hàng nghìn tỷ đồng.

Các ngân hàng ngày càng có nhiều lựa chọn hơn trong việc tìm kiếm nguồn vốn phục vụ hoạt động phát triển kinh doanh của mình. Tại một số ngân hàng, trong khi tín dụng tăng nhanh khiến các hệ số an toàn theo quy định bị ảnh hưởng, giải pháp phát hành trái phiếu hoặc tìm kiếm nguồn vốn tài trợ từ các định chế tài chính quốc tế đang rất được ưa chuộng.
 
VietinBank ngày 29/6 đã phân phối 2.435 tỷ đồng trong số 4.000 tỷ đồng trái phiếu đăng ký chào bán. Đây là loại trái phiếu phát hành ra công chúng, không chuyển đổi, kỳ hạn 10 năm, mệnh giá 10 triệu đồng. Đồng thời, ngân hàng cũng phát hành riêng lẻ trái phiếu kỳ hạn 2 năm với giá trị lên tới 5.000 tỷ đồng. Cộng với 2 đợt phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2 với giá trị 980 tỷ đồng hôm 13/6 và 21/6, ngân hàng này đã huy động được hơn 8.400 tỷ đồng từ kênh trái phiếu chỉ riêng trong tháng 6 vừa rồi.
 

VietinBank là một trong những ngân hàng ưa thích gọi vốn bằng phát hành trái phiếu trong 2 năm trở lại đây. Năm ngoái ngân hàng này cũng đã huy động được 4.200 tỷ đồng qua phát hành trái phiếu và giải ngân ngay trong năm 2017, chủ yếu rót vốn vào ngành thép.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

HDBank cũng là nhà băng đã huy động lượng vốn khủng qua kênh trái phiếu từ đầu năm đến nay. Ngân hàng này đã phát hành thành công 6.000 tỷ đồng trái phiếu theo hình thức phát hành riêng lẻ, kỳ hạn trái phiếu 2 năm và 3 năm.

VIB cũng đang lấy ý kiến cổ đông phê duyệt phương án phát hành trái phiếu, tổng giá trị phát hành tối đa là 200 triệu USD hoặc tương đương 4.500 tỷ đồng. Ngân hàng cho biết, mục đích là để tăng vốn cấp 2 đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu CAR (đến 30/4/2018, CAR của ngân hàng này ở mức 12,25%). Trước đó, hồi tháng 1/2018, VIB cũng đã đợt thông báo phát hành riêng lẻ 2.800 tỷ đòng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, mệnh giá 1 tỷ đồng.

Không chỉ tìm kiếm vốn bằng kênh phát hành trái phiếu, nhiều nhà băng cũng đã tìm đến nguồn vốn tài trợ thương mại từ các định chế tài chính nước ngoài, điển hình là các khoản vay từ IFC (International Finance Corporation).

Mới đây, IFC cho biết sẽ cung cấp một khoảng vay hợp vốn trị giá 100 triệu USD cho TPBank. Gói tài trợ này dự kiến sẽ giúp TPBank mở rộng các hoạt động cấp vốn dài hạn cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME) và các khách hàng cá nhân thông qua các dịch vụ tài chính số. Gói tài trợ trong 5 năm này bao gồm 60 triệu từ IFC, 22,5 triệu USD từ chương trình Danh mục Đầu tư Đồng Cấp vốn được quản lý (Managed Co-Lending Portfolio Program - MCPP) do IFC quản lý và 17,5 triệu USD từ Ngân hàng Công Thương Trung Quốc, chi nhánh Hồng Kông.

Năm ngoái, nhiều ngân hàng cũng tích cực tìm kiếm nguồn vốn theo cách này. Như VPBank nhận khoản vay 100 triệu USD từ Deutsche Bank cho FE Credit, nhận 122 triệu USD từ IFC, 41 triệu USD từ Credit Suisse. ABBank cũng nhận được 150 triệu USD khoản vay hợp vốn từ IFC hồi cuối năm 2017.

Theo các ngân hàng, nguồn vốn huy động được qua kênh phát hành trái phiếu hoặc vay các định chế tài chính nước ngoài bổ sung đáng kể cho nguồn vốn một cách nhanh chóng, phục vụ giải ngân cho các khoản vay dài hạn. Nhờ đó, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ được giảm xuống, đảm bảo quy định dưới 45% của NHNN.

Không những vậy, kỳ hạn trái phiếu thường dài nên giúp các ngân hàng tăng vốn tự có, từ đó cải thiện hệ số CAR. Như Vietinbank đang có hệ số CAR khá thấp nhưng không có nhiều phương án để tăng vốn cấp 1 bởi cổ phiếu CTG thường xuyên ở tình trạng kín room ngoại, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước cũng đã giảm xuống dưới 65%...; thế nên trong 2 năm gần đây, nhà băng này phải tăng vốn cấp 2 chủ yếu dựa vào phát hành trái phiếu.

Trong khi đó, nhận được nguồn vốn vay ngoại tệ từ các định chế tài chính lớn nước ngoài không chỉ giúp ngân hàng bổ sung nguồn vốn mà còn có cơ hội gia tăng lợi nhuận, khi mà NHNN tiếp tục gia hạn cho vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp xuất khẩu đến hết năm 2018 và huy động ngoại tệ hiện không dễ dàng với lãi suất 0% theo quy định của NHNN.

Việc linh hoạt sử dụng nhiều hình thức khác nhau để huy động vốn giúp ngân hàng có thể đạt được nhiều mục đích, không chỉ kịp thời bổ sung nguồn vốn phục vụ cho vay dài hạn, nhất là các dự án lớn, cho vay với các đối tượng ưu tiên và đặc biệt là nhóm doanh nghiệp SME, mà còn cải thiện tỷ lệ an toàn vốn cho ngân hàng. Bên cạnh đó, phát hành trái phiếu thành công hay vay được các khoản tài trợ lớn từ nước ngoài cũng chứng tỏ được uy tín và sức khỏe của chính nhà băng đó.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top