Aa

Nhiều sai phạm trong cổ phần hóa tại Tổng Công ty Vận tải thủy

Khánh Hòa
Khánh Hòa khanhhoa.13590@gmail.com
Thứ Ba, 13/06/2023 - 14:15

Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều sai sót về việc chấp hành pháp luật trong cổ phần hóa, thoái vốn tại Tổng Công ty Vận tải thủy.

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kết luận Thanh tra số 657/TB-TTCP về việc chấp hành pháp luật trong cổ phần hóa, thoái vốn tại Tổng Công ty Vận tải Thủy. Theo Thanh tra Chính phủ, Tổng Công ty Vận tải thủy  tiền thân là Tổng công ty Đường sông Miền Bắc được thành lập theo Quyết định số 2125QĐ/TCCB-LĐ ngày 13/8/1996 của Bộ Giao thông vận tải, trên cơ sở tách 12 đơn vị sản xuất, kinh doanh của Cục Đường sông Việt Nam (nay là Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam).

Ngày 28/12/2011, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 2447/TTg-ĐMDN phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc Bộ Giao thông vận tải, trong đó có việc cổ phần hóa Tổng công ty Vận tải thủy (sau đây viết tắt là VIVASO).

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 8/1/2013, Bộ Giao thông vận tải có Quyết định số 49/QĐ-BGTVT phê duyệt danh sách doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa và Quyết định số 58/QĐ-BGTVT thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Công ty mẹ - VIVASO ngày 16/9/2013. Tiếp đó, Bộ Giao thông vận tải có Quyết định số 3181/QĐ-BGTVT ngày 14/10/2013 phê duyệt giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa tại thời điểm 30/6/2013 là 784.586 triệu đồng và giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là 327.737 triệu đồng.

Căn cứ Tờ trình số 1398/BCĐ ngày 31/10/2013 của Ban Chỉ đạo cổ phần hóa và Tờ trình số 12089/TTr-BGTVT ngày 11/11/2013 của Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 15/1/2014 phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ (VIVASO), qua đó quyết định phát hành 32.773.700 cổ phần: Nhà nước chiếm 49% vốn điều lệ; bán đấu giá công khai là 15.177.987 cổ phần, chiếm 46,31% vốn điều lệ; trong đó cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu là Nhà nước nắm giữ 49% vốn điều lệ; bán ưu đãi cho người lao động 4,69% vốn điều lệ.

Sau khi hoàn thành việc bán cổ phần theo phương án phê duyệt, ngày 19/6/2014, VIVASO được Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0100109480 (thay đổi lần thứ 6) chuyển từ Tổng công ty Vận tải thủy sang Tổng công ty Vận tải thủy - CTCP. Ngày 22/5/2015, Công ty mẹ (Tổng công ty Vận tải Thủy) và Tổng công ty Vận tải thủy - CTCP có biên bản bàn giao nguyên trạng toàn bộ tài sản, đất đai, nguồn vốn và các nguồn lực hiện có của công ty mẹ (Tổng công ty Vận tải thủy) cho Tổng công ty Vận tải thủy - CTCP tại thời điểm ngày 18/6/2014.

Từ tháng 6/2014 đến tháng 3/2016, Bộ Giao thông vận tải thực hiện 2 lần thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty Vận tải Thủy - CTCP (lần 1 thoái 6.554.740 cổ phần tương ứng 20% vốn điều lệ vào tháng 4/2015 và lần 2 thoái 7.349.131 cổ phần tương ứng 22,42% vốn điều lệ vào tháng 3/2016). Theo đó, từ tháng 4/2016 đến nay, Tổng Công ty Vận tải thủy - CTCP không còn vốn Nhà nước đầu tư và hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần được quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều thiếu sót tại Công ty Cổ phần Vận tải Thủy
TTCP chỉ ra nhiều sai phạm trong cổ phần hóa tại Tổng Công ty Vận tải thủy 

Tuy nhiên, qua kết luận Thanh tra phát hiện nhiều thiếu sót, sai phạm tại Tổng Công ty Vận tải thủy. Thứ nhất, về việc xây dựng phương án cổ phần hóa việc kiểm kê đối chiếu công nợ, trước khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá, VIVASO phải thực hiện việc xác nhận, đối chiếu công nợ và phải được khách nợ, chủ nợ ký biên bản, nhưng trong hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp VIVASO xác nhận, đối chiếu cả những khoản công nợ khi chưa được khách nợ, chủ nợ ký Biên bản đối chiếu là vi phạm quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư số 202/2011/TT-BTC ngày 30/12/2011 của Bộ Tài chính.

Thứ hai, Cảng Hà Nội không theo dõi khoản công nợ phải thu của Công ty TNHH Sao Nam Sông Hồng trên sổ sách kế toán với số tiền 16.388 triệu đồng là vi phạm quy định tại Khoản 3, Điều 7 Luật Kế toán số 03/2003/QH11 ngày 17/6/2003, dẫn đến việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá, thoái vốn sai mất vốn Nhà nước với số tiền 16.388 triệu đồng, cần phải được xử lý theo quy định. Việc xác nhận đối chiếu cả những khoản công nợ khi chưa được khách nợ, chủ nợ ký Biên bản đối chiếu thuộc trách nhiệm VIVASO; xác định giá trị 3 doanh nghiệp thiếu vốn, mất vốn Nhà nước 16.388 triệu đồng thuộc trách nhiệm Cảng Hà Nội, VIVASO.

Thứ ba, việc kiểm kê đối với cảng Việt Trì, cảng Ninh Phúc, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án Phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ nhưng không có phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, phương án khai thác sử dụng của dự án, vi phạm Khoản 1, Điều 69 Luật Xây dựng năm 2003; Điểm a, c, Khoản 3, Điều 6 Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 và Điểm a, c, Khoản 3, Điều 7 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ.

Thứ tư, Công ty Hợp danh Kiểm toán Việt Nam, VIVASO thực hiện kiểm kê, phân loại tài sản, thiếu danh mục cảng Việt Trì, cảng Ninh Phúc (dự án WB6); chưa xử lý dứt điểm tài sản với quyền sử dụng đất, vi phạm quy định tại Điều 4 và Điểm đ, Điều 9 Thông tư số 202/2011/TT-BTC ngày 30/12/2011 của Bộ Tài chính.

Ban chỉ đạo cổ phần hoá, Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa nhưng thiếu trách nhiệm không phát hiện hoặc cố tình không báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc không thể đồng thời thực hiện cổ phần hóa VIVASO và Công ty TNHH MTV Vận tải và Xếp dỡ đường thủy nội địa với việc đầu tư nâng cấp cảng Việt Trì và cảng Ninh Phúc bằng nguồn vốn WB6 (trong khi việc cổ phần hoá VIVASO và việc thực hiện dự án WB6 đều do Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo và quản lý)

Ngoài ra, Tổng công ty Vận tải thuỷ - CTCP khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép đã tự ý khai thác, sử dụng một phần cảng Việt Trì, cảng Ninh Phúc (trong giai đoạn 2015 - 2020) là vi phạm Khoản 4, Điều 124 Luật Xây dựng năm 2014, cần phải được các cơ quan chức năng xem xét xử lý theo quy định, thu về ngân sách Nhà nước khoản lợi nhuận thu được do sử dụng. Tuy nhiên, khi xem xét xử lý cần xét đến các tài sản này đều nằm trên đất do VIVASO quản lý.

Theo Thanh tra Chính phủ, những việc làm nêu trên đã dẫn đến hậu quả là phương án cổ phần hoá của VIVASO thiếu chính xác, tài sản cảng Việt Trì, cảng Ninh Phúc đã hoàn thành từ năm 2015 nhưng đến nay chưa được bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng theo quy định, nguy cơ lãng phí vốn đầu tư với số tiền khoảng 134.995 triệu đồng khi không đưa vào sử dụng.

Thanh tra Chính phủ cho rằng, để xảy ra tồn tại và hậu quả nêu trên thuộc trách nhiệm của Ban Quản lý dự án, Cục đường thuỷ nội địa Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải khi thực hiện đầu tư xây dựng (không có phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, phương án khai thác sử dụng của dự án); VIVASO, Tổ giúp việc, Đơn vị tư vấn, Ban Chỉ đạo cổ phần hoá, Bộ Giao thông vận tải khi thực hiện kiểm kê, phân loại tài sản và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án cổ phần hoá không đúng quy định.

Từ các sai sót trên, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý các tổ chức có liên đới. Thanh tra Chính phủ cũng truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ngày 29/11/2022, tại Văn bản số 8004/VPCP-V.I đối với Kết luận thanh tra số 1758/KL-TTCP ngày 03/10/2022 của Thanh tra Chính phủ, chỉ đạo các Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Công an và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hoà Bình, Phú Thọ, Ninh Bình, Quảng Ninh nghiêm túc thực hiện Kết luận thanh tra số 1758/KL-TTCP ngày 3/10/2022 về việc chấp hành pháp luật trong cổ phần hóa, thoái vốn tại Tổng công ty Vận tải thủy.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo xử lý nghiêm các sai phạm, khắc phục các tồn tại, khuyết điểm; đồng thời chịu trách nhiệm kiểm tra, rà soát việc thực hiện pháp luật trong cổ phần hoá, thoái vốn tại Tổng công ty Vận tải thủy, báo cáo kết quả thực hiện đến Thanh tra Chính phủ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top