Aa

Nhìn lại những “nổi sóng” đến "đóng băng" của bất động sản Vân Đồn

Thứ Bảy, 29/02/2020 - 14:00

Đã không ít lần, thị trường Vân Đồn lên cơn sốt đỉnh điểm nhưng cũng từng đó lần, bất động sản nơi đây rơi vào tình trạng đóng băng.

Cơn sốt đất đặc khu

Cuối năm 2017 khi thông tin Vân Đồn trở thành một trong 3 đặc khu kinh tế tương lai, làn sóng đổ xô đầu tư vào khu vực này bắt đầu gia tăng mạnh mẽ. Dù được đánh giá là thị trường “sốt” chậm hơn so với Phú Quốc, song với tiềm năng về du lịch, vị trí của một huyện đảo chỉ cách Hà Nội khoảng 100km, Vân Đồn đã thực sự tạo ra cơn sốt mạnh mẽ chỉ trong thời gian ngắn. Giá đất Vân Đồn tăng chóng mặt ngay từ cuối năm 2017. Bước sang đầu năm 2018, mức tăng còn được môi giới đo đếm bằng thời gian ngày.

Báo cáo thị trường bất động sản quý II/2018 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, trong ba đặc khu tương lai, Vân Đồn được đánh giá là có sự tăng giá đất nền rõ rệt nhất trong hơn một năm qua. 6 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm 2017, giá đất trung bình tại đây đã tăng tới hơn 3 lần, từ 7,2 triệu đồng/m2 lên 23 triệu đồng/m2. Việc mua bán, chuyển nhượng đất đai, đặc biệt là đất nông nghiệp tăng về số lượng, tập trung tại các xã: Đông Xá, Hạ Long, Đoàn Kết, Đài Xuyên,...

Trước sự sốt nóng của Vân Đồn cũng như quá trình chuyển đổi mục đích đất tràn lan, chính quyền địa phương đã quyết định thông báo tạm ngưng giao dịch hoạt động. Quyết định này đã khiến thị trường đóng băng đột ngột. Cũng kể từ đó, hoạt động giao dịch đã bị chững lại.  Đến khi Luật Đặc khu được Quốc hội thông qua tạm hoãn, sự trầm lắng của bất động sản Vân Đồn tiếp tục kéo dài. 

(Ảnh minh họa)

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn khánh thành

Đến cuối năm 2018, thị trường bất động sản Vân Đồn bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc trở lại khi lệnh tạm ngưng giao dịch của chính quyền được tháo dỡ. Điểm sáng cho bức tranh này còn đến từ sự kiện Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn chính thức khánh thành vào 28/12/2018. Bên cạnh đó, cao tốc Hà Nội – Hạ Long – Vân Đồn chính thức khai thông cùng với cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long đã tạo ra mạng lưới giao thông hoàn hảo kết nối Vân Đồn với các vùng xung quanh.

Mặc dù thông tin Vân Đồn lên đặc khu đã trở thành quá khứ, song giới đầu tư, môi giới vẫn kỳ vọng đây là điểm hứa hẹn tiềm năng thực sự. Giá đất Vân Đồn thời điểm đó tiếp tục rục rịch gia tăng. 

Khảo sát tại thời điểm đầu năm 2019, giá đất nền tại Vân Đồn thấp hơn so với đầu năm 2018 song vẫn dao động ở mức 25 - 35 triệu đồng/m2. Thời điểm này, giá đất tại Vân Đồn đã nhích nhẹ so với thời điểm “đóng băng” từ 5 – 10%. Giá đất tại các khu vực ven cảng hàng không quốc tế Vân Đồn tăng mạnh nhất. Tại khu Cái Rồng, giá đất dao động từ 20 – 30 triệu đồng/m2. Tại khu tái định cư Đoàn Kết, giá đất rơi vào khoảng 15 triệu đồng/m2. Tại khu Phương Đông, Thống Nhất, mức giá tăng từ 5 - 20% tùy địa điểm.

Tuy nhiên, cơn sốt chỉ thoáng qua một thời gian ngắn, thị trường Vân Đồn lại bước vào giai đoạn trầm lắng khi các dự án bất động sản lớn phải "án binh bất động" chờ đợi quy hoạch. 

Công bố chính thức quy hoạch Vân Đồn

Ngày 17/2, thông tin Thủ tướng chính thức phê duyệt quy hoạch Vân Đồn trở thành trung tâm công nghiệp giải trí có casino được công bố, lượng nhà đầu tư quan tâm đến khu vực này tiếp tục tăng đột biến.

Theo ông Phạm Tùng (một giám đốc Sàn giao dịch tại Vân Đồn), lượng khách quan tâm tăng gấp hàng trăm lần so với thời điểm trước 17/2. Đây là thông tin doanh nghiệp địa ốc, chủ đầu tư thứ cấp, môi giới đều mong đợi từ lâu. Và đây là căn cứ rõ ràng để các nhà đầu tư, chủ dự án triển khai thực hiện. 

Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, nguồn cung của thị trường bất động sản Vân Đồn tập trung tại trục đường 334 và dự án Phương Đông. Mức giá đang có xu hướng nhích dần theo thời gian. Giới đầu tư cho rằng, phải 1 - 2 năm tới, các dự án lớn bung hàng mới tạo ra lực đẩy mạnh mẽ cho thị trường bất động sản Vân Đồn. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top