Aa

"Nhờn" luật trong xây dựng, Kỳ 6: Triệt tiêu lợi ích sai phạm

Thứ Tư, 26/10/2016 - 07:16

Bàn về giải pháp để hạn chế vấn nạn vi phạm trật tự xây dựng, TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: “Phải triệt tiêu phần lợi ích sai phạm”.

Nên cấp phép một cửa

Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, để xảy ra tình trạng xây dựng sai phép phải xét ở hai khía cạnh chính, một có thể là do bên cấp phép và hai là bên đơn vị chủ đầu tư. TS Liêm phân tích, nếu lấy giấy phép mà không phiền hà gì thì ai cũng muốn lấy, không ai muốn trốn tránh.

“Có thể chủ đầu tư nghĩ rằng, xin cấp phép sẽ mất rất nhiều thời gian, phải đến nhiều nơi, phải chờ đợi lâu làm mất cơ hội của họ nên tiến hành thi công rồi sau đó nộp phạt. Cũng có thể chủ đầu tư đó nghĩ rằng, họ có mối quan hệ nào đó, sớm muộn gì cũng sẽ được bỏ qua, được cấp phép nên cứ làm”, TS Liêm đặt vấn đề.

TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam -  nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: “Phải triệt tiêu phần lợi ích sai phạm”

TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: “Phải triệt tiêu phần lợi ích sai phạm”

TS. Phạm Sỹ Liêm cũng cho biết, phía đơn vị cấp phép cũng gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông Liêm, đơn vị cấp phép cũng phải mất nhiều thời gian xác minh các thông tin liên quan như: nguồn gốc đất, đất được cấp sổ đỏ hay chưa, được chuyển đổi mục đích sử dụng chưa…

“Cũng có thể là do không minh bạch trong khâu cấp phép. Đơn vị cấp phép gây khó khăn để vòi vĩnh chủ đầu tư”, ông Liêm nhận định.

Dẫn chứng về những khó khăn trong khâu cấp phép, ông Liêm cho rằng, có nhiều trường hợp chủ đầu tư xin số tầng mình thiết kế, mong muốn (trong giới hạn được quy hoạch) nhưng phía cấp phép lại cho thấp hơn vài ba tầng. Ông Liêm cho rằng, đây có thể là “động thái” để ép chủ đầu tư muốn xây dựng theo số tầng mình mong muốn thì phải “chạy” tiền.

“Tôi có nghe nói, để nâng thêm được một tầng, chủ đầu tư phải “chạy” mất rất nhiều tiền, nếu chủ đầu tư không “chạy” tiền thì sẽ không được cấp phép thêm tầng, trong nhiều trường hợp chủ đầu tư cố tình xây thêm tầng, vi phạm giấy phép đã cấp phép vì họ cho rằng tiền nộp phạt sẽ ít hơn tiền “chạy” để xin thêm tầng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến chủ đầu tư "nhờn" luật, vi phạm trật tự xây dựng”, ông Liêm nói.

TS Phạm Sỹ Liêm cũng nhận định, muốn giải quyết tình trạng vi phạm trật tự xây dựng phải nâng cấp công tác cấp phép. “Theo tôi có rất nhiều cách để làm việc này, trên thế giới, cấp phép chỉ là một khâu trong chuỗi quản lý về xây dựng, chứ không phải là khâu duy nhất, khâu quan trọng nhất”, ông Liêm nói.

Bàn về thực trạng hiện nay ở nước ta, ông Liêm chỉ rõ, người đi xin giấy phép phải đến rất nhiều cửa, mỗi cửa vòi vĩnh một ít nên việc xin cấp phép gặp nhiều khó khăn, phiền hà, mất thời gian.

“Tôi cho rằng, việc cấp phép phải là một cửa. Cơ quan cấp phép muốn hỏi quy hoạch, muốn hỏi tài nguyên môi trường, muốn hỏi chữa cháy cũng sẽ dễ hơn, không lo bị vòi vĩnh vì cơ quan nhà nước đi hỏi nhau. Nên hiểu rằng, cấp phép chứ không phải mua giấy phép”, ông Liêm nói.

Ông Liêm dẫn chứng, ở Mỹ, khi chủ đầu tư đến xin cấp phép đơn vị cấp phép sẽ thu một khoản tiền, khoản tiền này dùng để thuê một đơn vị độc lập vào thanh tra độc lập để kiểm tra xem dự án đó có thi công đúng giấy phép được cấp hay không.

“Cách làm này vừa nhanh, rẻ, rõ ràng, rành mạch và chính xác, nếu đơn vị thanh tra làm không tốt, bao che thì lần sau sẽ không được thuê. Việc đơn vị cấp phép thu khoản tiền để phục vụ việc thanh tra cũng không có gì sai vì theo tôi đây là thu của dân để giúp dân. Khi dự án thi công xong, đơn vị cấp phép phải tiến hành kiểm tra và cấp giấy chứng nhận dự án thi công đúng giấy phép. Khi dự án được cấp giấy chứng nhận này thì mới được cấp sổ đỏ”, ông Liêm kiến nghị.

Xử lý không khó

Bàn về việc xử lý, hạn chế vấn nạn chủ đầu tư nhờn luật, vi phạm trật tự xây dựng ông Liêm cho rằng không khó, vấn đề là có kiên quyết hay không. Theo ông Liêm, việc nhiều dự án xây thêm vài ba tầng có thể không cần phải cắt tầng, tháo dỡ diện tích sai phạm. Thay vào đó, phải xử lý thật nghiêm, phạt thật nặng chủ đầu tư vi phạm giấy phép. “Tôi cho rằng, cách tốt nhất là triệt tiêu phần lợi ích sai phạm”, ông Liêm nhấn mạnh.

Ông Liêm cho rằng, việc xử phạt chủ đầu tư xây dựng sai giấy phép là điều đương nhiên, và phải xử lý nghiêm hành vi đó, tùy theo điều kiện cụ thể mà có phương án xử lý phù hợp.

“Như dự án 8B Lê Trực là phải cắt ngọn, cắt bỏ diện tích sai phạm vì dự án nằm ở vị trí nhạy cảm, ở vị trí mà theo quy hoạch không thể vượt quá chiều cao đã được quy định. Còn ở các công trình khác như dự án Mường Thanh Khánh Hòa, tôi cho rằng, ở dự án này, thay vì cắt ngọn thì nên triệt tiêu lợi ích sai phạm”, ông Liêm nói.

Theo TS Liêm, phạt hành chính thì không nhiều tiền nên chủ đầu tư thường không sợ và sẵn sàng chịu nộp phạt để sai phạm.

“Phá, dỡ bỏ phần sai phạm cũng là triệt tiêu lợi ích, nhưng trong nhiều trường hợp thay vì phá dỡ phần sai phạm thì có thể sung công, nhà nước, tịch thu hết kinh tế sinh ra từ sai phạm đó… Như vậy, thu hồi hết lợi ích sai phạm đấy thì chủ đầu tư sẽ không được lợi lộc gì, vậy thì dại gì để chủ đầu tư tiếp tục sai phạm”, ông Liêm phân tích.

Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng khiến mật độ dân cư phường Hoàng Liệt tăng cao, phá vỡ quy hoạch

Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng khiến mật độ dân cư phường Hoàng Liệt tăng cao, phá vỡ quy hoạch

Mới đây (ngày 17/10), trong buổi làm việc với UBND quận Hoàng Mai, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải thẳng thắn, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng ở quận Hoàng Mai vẫn còn phổ biến. Nguyên nhân chính là do sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của cán bộ.

Cũng trong buổi làm việc này, ông Lê Văn Dục – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, riêng địa bàn quận Hoàng Mai hiện có 221 công trình vi phạm trật tự xây dựng. Ông Dục thông tin thêm, nổi cộm trong đó có khu Mường Thanh.

Theo tìm hiểu, khu đô thị ở bán đảo Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai được xem là khu đô thị kiểu mẫu ở Hà Nội. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tại khu đô thị này thường xuyên xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng. Một trong những công trình sai phạm nổi cộm nhất là tòa chung cư VP6 (phường Hoàng Liệt), dự án này được cấp phép 25 tầng nhưng chủ đầu tư là Doanh nghiệp tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên đã xây vượt thêm 10 tầng thàng 35 tầng.

Nghiêm trọng hơn, cả khu đất hơn 4 ha lô đất cộng công tại khu bán đảm Linh Đàm cũng bị “hô biến” thành 12 tòa chung cư, mỗi tòa cao 40 tầng, khiến mật độ dân cư tại quận Hoàng Mai tăng cao, quy hoạch bị phá vỡ.

Trước những thực trạng này, Bí thư Hoàng Trung Hải yêu cầu, quận và các phường phải nhận diện đây là vấn đề quan trọng, phải xử lý nghiêm theo đúng pháp luật, xử lý nghiêm minh cán bộ để xảy ra vi phạm. “Thành phố sẽ xử lý nghiêm các trường hợp xảy ra vi phạm trật tư xây dựng. Đừng ai nghĩ có thể thoát được”, Bí thư Hải khẳng định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top