Aa

Nhu cầu đầu tư Công trình Xanh tại Đông Á lên tới 3000 tỉ USD

Thứ Bảy, 30/12/2017 - 06:01

Thông tin từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới, từ nay đến năm 2025, tổng nhu cầu đầu tư Công trình Xanh tại khu vực Đông Á có thể lên đến 3000 tỉ USD.

Theo báo cáo mới công bố của IFC, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương hiện đang là một nhân tố kích cầu chính về các công nghệ khí hậu thông minh.

Trung Quốc hiện đang dẫn đầu về sản xuất điện tái tạo hòa lưới và Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ hai thế giới cho sản xuất điện từ năng lượng mặt trời lắp đặt trên mái nhà.

Báo cáo cũng dự báo các nước trong khu vực sẽ đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng xanh. Tại khu vực Đông Á, chỉ tính riêng trong lĩnh vực Công trình Xanh, tổng nhu cầu đầu tư có thể lên đến 3000 tỉ USD từ nay đến năm 2025. Ước tính hàng nghìn tỉ USD sẽ được đổ vào hệ thống hạ tầng giao thông. Các thị trường lớn khác trong khu vực gồm Indonesia và Việt Nam. Trong khi đó, các quốc đảo Thái Bình Dương đang trở thành các thị trường hấp dẫn cho các hệ thống sản xuất điện mặt trời không hòa lưới và hệ thống nối lưới điện mini.

Công trình Xanh đang rất hút đầu tư. (Ảnh minh họa)

Công trình Xanh đang rất hút đầu tư. (Ảnh minh họa)

Bảy ngành công nghiệp có thể tạo nên sự khác biệt về thu hút đầu tư tư nhân, gồm: năng lượng tái tạo, điện mặt trời độc lập và lưu trữ điện, nông nghiệp, Công trình Xanh, giao thông đô thị, cấp nước, và quản lý chất thải đô thị. Hiện đã có trên một tỉ USD được đầu tư vào các dự án liên quan đến khí hậu trong các ngành nêu trên. Các ngành này hoàn toàn có thể thu hút thêm hàng nghìn tỉ USD nữa nếu tạo ra được những điều kiện đầu tư hấp dẫn tại các thị trường mới nổi, báo cáo cho biết.  

Các nước đang phát triển có thể hoàn thành các mục tiêu về biến đổi khí hậu đã cam kết trong Hiệp định Paris nếu huy động được hàng nghìn tỉ USD vốn đầu tư tư nhân nhờ vào việc kết hợp các chính sách cải cách khôn ngoan cùng những mô hình kinh doanh sáng tạo.

“Khu vực kinh tế tư nhân giữ vai trò then chốt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu” - ông Philippe Le Houérou, Tổng Giám đốc IFC nói. “Các doanh nghiệp tư nhân có năng lực sáng tạo, có tiềm lực tài chính và các công cụ cần thiết. Chúng tôi có thể hỗ trợ thu hút thêm đầu tư tư nhân, nhưng muốn vậy cũng đòi hỏi chính phủ các nước phải thực hiện cải cách và triển khai các mô hình kinh doanh sáng tạo. Hai yếu tố này kết hợp với nhau sẽ tạo ra những thị trường mới và thu hút các khoản đầu tư cần thiết. Điều này sẽ giúp thực hiện thành công cam kết Paris.”

Báo cáo Kiến tạo thị trường đầu tư liên quan đến biến đối khí hậu của IFC nêu một số ví dụ minh họa cho cách làm trên. Mới đây, các quan chức Ai Cập đã ký kết một thỏa thuận xây dựng một công viên điện mặt trời lớn nhất thế giới. IFC cho vay tới 653 triệu USD nhằm xây dựng 13 nhà máy điện mặt trời gần thành phố Aswan. Thỏa thuận chỉ được ký kết sau khi chính phủ thực hiện một loạt cải cách và xây dựng cơ cấu tài trợ sáng tạo. Dự kiến giá thành sản xuất điện sẽ giảm, và giúp Ai Cập giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch.

Nhà máy điện mặt trời cũng thu hút vốn đầu tư. (Ảnh minh họa)

Nhà máy điện mặt trời cũng thu hút vốn đầu tư. (Ảnh minh họa)

Một loạt cơ hội đầu tư trong nhiều lĩnh vực cũng được báo cáo nêu rõ.

Năng lượng tái tạo có thể thu hút 11 nghìn tỉ USD đầu tư từ nay cho tới năm 2040. Lĩnh vực điện mặt trời không hòa lưới và lưu giữ năng lượng có thể thu hút 23 tỉ USD đầu tư từ nay đến năm 2025. 

Đầu tư vào công trình xanh có thể đạt 3,4 nghìn tỉ USD từ nay đến năm 2025 tại các thị trường mới nổi chủ chốt. Nếu chính phủ các nước áp dụng các quy định và tiêu chuẩn xây dựng tốt hơn, xây dựng các chính sách ưu đãi tài chính có mục tiêu như cấp chứng nhận công trình xanh và định mức sử dụng năng lượng bắt buộc. Ngoài ra, cần khuyến khích các mô hình kinh doanh điện mới như cầm cố xanh, công ty dịch vụ năng lượng.

Có thể huy động hàng nghìn tỉ USD vào giao thông đô thị bền vững trong một vài thập kỷ sắp tới.

Từ nay đến năm 2030, đầu tư vào cấp nước và vệ sinh môi trường cũng có thể đạt 13 nghìn tỉ USD.

Ngành quản lý chất thải đô thị áp dụng công nghệ khí hậu thông minh có thể thu hút 2 nghìn tỉ USD đầu tư.

Qua đây, IFC nhấn mạnh cũng ưu tiên chiến lược là ứng phó với biến đổi khí hậu. Kể từ năm 2005 IFC đã dùng 18,3 tỉ USD từ nguồn vốn riêng của mình cấp vốn dài hạn cho các dự án khí hậu thông minh và huy động thêm 11 tỉ USD nữa từ các nhà đầu tư quốc tế. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top