Aa

Những chiều ba mươi nào đã qua?

Thứ Hai, 04/02/2019 - 06:01

Cái Tết nào, khi nó sắp đến, cũng khiến lòng người chộn rộn chênh chao. Đâu đâu cũng thấy người, thấy hàng hoá, xe cộ. Kỳ lạ, đấy là những ngày mà tôi thấy nhớ nhung nhất những cái Tết đã trôi rất xa, đúng hơn, nhớ những tháng Chạp đã lùi vào trong quá khứ.

Hà Nội, tiết đông giá đến rất nhanh, sau những ngày mùa thu lộng lẫy vàng óng kéo dài. Rồi chẳng mấy chốc tháng Chạp gõ cửa. Chẳng mấy chốc trên khắp phố phường đã ngập tràn không khí Tết.

Và cái Tết nào, khi nó sắp đến, cũng khiến lòng người chộn rộn chênh chao. Đâu đâu cũng thấy người, thấy hàng hoá, xe cộ. Kỳ lạ, đấy là những ngày mà tôi thấy nhớ nhung nhất những cái Tết đã trôi rất xa, đúng hơn, nhớ những tháng Chạp đã lùi vào trong quá khứ. Cái quá khứ vốn luôn ngủ yên, nhường chỗ cho những gánh đời sống nặng trĩu, oằn vai thường ngày. Giờ, chúng tôi đã ở cả đây, thành phố này. Chúng tôi, ba, sắp tới là bốn thế hệ, nương náu vào nó để mà sống. Vậy mà, chưa một cái Tết nào tôi thôi nhung nhớ nơi ấy…

Nhà tôi neo người. Thường khi, nhà chỉ có bố mẹ và tôi. Hai anh đi học xa, năm về được hai lần. Cả năm, cái gì cũng để dành đến Tết. “Để dành đến Tết” là cụm từ được chúng tôi nhắc đến không biết bao nhiêu lần trong năm. Con gà trống thiến, mấy chục trứng để làm nem, buồng chuối, vài lít rượu nếp, ít cải bắp, su hào, xà lách trong vườn, bộ ấm pha trà, chục bát ăn cơm… Tết, tốt nhất là có đồ mới, không thì cũng phải tươm tất nhất có thể. Chúng tôi, ba người, dành dụm cả năm cho một cái Tết, trong nỗi chờ đợi, mong ngóng hai người ở xa về. Đôi khi tôi nghĩ, nếu như chúng tôi không đằng đẵng những năm thiếu vắng người thân, thì có lẽ cái Tết cũng không được mong chờ, chăm chút, dành dụm đến thế.

Rồi thì hai anh tôi cũng về.

Chỉ thêm có hai người mà nhà tôi phải ồn ào lên gấp năm lần và vui gấp mười lần. Đến cả con chó cũng vui. Chạy vòng quanh sân rồi lao đầu đánh rầm vào bờ tường.

Chiều ba mươi, mẹ tôi đi vòng vòng quanh nhà, xem còn cái gì mượn hàng xóm mà chưa trả thì sai tôi đem trả. Thường là mượn cân. Cả xóm chỉ một nhà có cân tạ. Cuối năm, nhà nào cũng vỗ được một hai con lợn, bán đi lấy tiền tiêu Tết. Và cứ bán lợn là đi mượn cân. Cái cân đi vòng quanh xóm nên “chính chủ” cũng chả biết nó đang ở đâu. Nhà nào mượn thì tự nhớ mang đi trả. Mẹ tôi còn ngồi vắt óc nhớ xem có vay gạo của ai không. Gì chứ gạo là phải nhất định trả, tuyệt đối không nợ qua năm mới. "À, nhớ rồi. Hôm trước có vay nhà Công Cứu ba bò. Con đong gạo mang trả cô đi". Tôi mang rá vào buồng, đong ba bò rưỡi. Cái lệ nó thế. Mượn bao nhiêu, lúc trả không chỉ múc bằng ấy, mà còn phải múc dư ra. Múc dư để làm gì? Để nhỡ ống bơ nhà người ta to hơn của nhà mình, lúc người ta đong lại thấy thiếu thì mang tiếng. Tất nhiên, trăm nhà như một, cả làng chỉ dùng một loại ống bơ sữa Ông Thọ để đong gạo thôi, làm gì có bơ to bơ nhỏ. Nhưng cứ phải cẩn thận thế. Tôi mang rá gạo sang nhà cô Cứu. Cô chú là người Tày, nhà vẫn là nhà sàn. Tôi rất hay chơi ở đây với mấy đứa con nhà cô. Tôi nói: "Cô ơi, mẹ cháu trả cô mấy bơ gạo ạ". Cô Cứu đang lúi húi đun cám trên bếp, ngoảnh ra: "Ừ, đợi cô tí". Cô xong việc, cầm rá gạo, hỏi tôi: "Mấy bơ ấy nhỉ, cô cũng quên rồi". Tôi nói, "mẹ cháu bảo ba bơ ạ". Cô Cứu không quên đâu, tôi biết thế. Giống như nhà tôi, mẹ tôi chẳng quên là đang nợ ai cũng như không quên ai nợ mình cái gì bao giờ. Nhưng cứ hỏi thế cho lịch sự. Cô đong đủ ba bơ gạo, còn thừa nửa bơ, vẫn trong cái rá, cô đưa trả tôi. Tôi mang cái rá có nửa bơ gạo ấy về, đổ lại vào thùng.

Tiếng pháo đì đùng là âm thanh quen thuộc, không thể thiếu trong Tết xưa.

Tiếng pháo đì đùng là âm thanh quen thuộc, không thể thiếu trong Tết xưa. (ảnh minh họa)

Sau này, khi chúng tôi đã không phải lo đến cái ăn cái mặc thường ngày nữa, mẹ tôi vẫn không thoát ra khỏi hẳn nỗi ám ảnh đói nghèo. Mẹ luôn nói, đời mẹ đi vay nhiều, nhưng mẹ trả bằng hết, không để sót một xu, một hạt, một miếng, mẹ trả bằng hết. Các con cũng phải nhớ, tuyệt đối không bao giờ nợ ai mà không trả. Nợ mà không trả, chết đến âm phủ cũng bị đuổi về.

Nhưng có một điều mẹ không nói, đấy là có những món nợ không có cách nào trả được. Như là mẹ tôi nợ những ân tình của cái xóm nhỏ trộn lẫn như xôi đỗ giữa người Kinh Thái Bình, Nam Định lên lập nghiệp, với những gia đình người Tày đã định cư hàng trăm năm. Khi mà bố mẹ tôi rời đi, sau bốn mươi năm sinh sống trong ngôi làng ấy, một ngày cuối năm, áp Tết, cái Tết đầu tiên xóm làng vắng bóng bố mẹ tôi, cả làng đã ra tiễn. Chuyến xe tải cồng kềnh, chở bao nhiêu nồi niêu xoong chảo vật dụng đồ dùng ấy, đã chở theo bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu nhớ thương, bao nhiêu vương vấn. Đấy cũng là cái Tết đầu tiên tôi không tạm biệt Hà Nội để “về quê”.

Cũng trong những chiều ba mươi ấy, đi một vòng quanh xóm, trả hết mọi thứ mượn, nợ, tôi còn phải đi vài vòng nữa. Làng tôi có cái lệ, Tết đến là nhà nào có thức gì ngon cũng mang biếu cả xóm. Nhà tôi chỉ có cam. Cả khu vườn nhà tôi, nằm tít trong chân núi, sâu nhất làng, trồng toàn cam. Bố tôi giữ lại một cây cam, không bán, để chiều ba mươi mới cắt xuống. Cắt cả lá. Mỗi quả giữ lại hai ba lá. Tôi được giao nhiệm vụ cầm cái rá, trong rá có 5-7 quả cam, đi hết lượt. Đến nhà nào cũng nói đúng một câu: "Bố mẹ cháu biếu cô chú, bác mấy quả cam để bày Tết ạ!". Tôi đi chưa hết lượt thì đã va phải những người khác đi vào nhà tôi. Ai có gì thì biếu thức nấy. Quả bưởi, quả phật thủ, chục trứng gà, nải chuối xanh, đậu xanh, gạo nếp… Chẳng mấy chốc mà đầy một góc bếp.

Chúng tôi đã đi qua những cái Tết như thế, pháo nổ đì đùng, chúc tụng râm ran, cả cái xóm nhỏ hiu quạnh nghèo nàn bỗng chốc tưng bừng như có một điều kì diệu nào đó chỉ thần tiên mới có thể mang lại được. Đấy là cái Tết. Tết để nghỉ ngơi, để tiêu tùng những gì đã dành dụm suốt một năm trời, để những nhớ nhung thương mến được vun cho đầy ắp, để nhen lên những hi vọng về một mùa màng bội thu cho những mùa gieo hạt mới.

Như thế, hỏi làm sao có thể nguôi ngoai mỗi khi xuân về?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top